Đại Kỷ Nguyên

Căn bệnh bí hiểm đang ám ảnh các phi hành gia vũ trụ

Tất cả các phi hành gia đều phải có một thị lực hoàn hảo trước khi bay vào vũ trụ. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, các cuộc kiểm tra y tế phát hiện thị lực của các phi hành gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi trở về từ vũ trụ. Nguyên nhân chính xác vẫn còn là bí ẩn.

Năm 2005, sau khi làm việc được hơn nửa thời gian công tác ở Trạm vũ trụ quốc tế, phi hành gia John Phillips một ngày chợt nhìn ra cửa sổ hướng về trái đất và cảm thấy lạ. Dù thị lực của anh từng được đánh giá hoàn hảo, nhưng lần này nhìn về hành tinh mẹ anh lại thấy lờ mờ, và mất khả năng tập trung. Anh không báo cáo vấn đề thị lực của mình về trung tâm điều khiển trên mặt đất vì nghĩ nó chỉ tạm thời và sẽ tự trở lại bình thường sau một thời gian. Tuy nhiên, khi trở lại trái đất, phi hành gia này đã làm một số xét nghiệm nghiêm ngặt, và kết quả cho thấy thị lực của anh đã giảm từ 20/20 xuống còn 20/100.

Để làm rõ vấn đề này, NASA gửi Phillips tới thực hiện một loạt quy trình kiểm tra bao gồm chụp cắt lớp MRI, quét màng mắt, xét nghiệm khoan xương sống, và xét nghiệm thần kinh. Họ phát hiện không chỉ thị lực bị của Phillips bị suy giảm, mà bản thân mắt cũng bị tổn thương – các dây thần kinh thị giác bị viêm, mặt sau của mắt trở nên phẳng hơn, và nhãn cầu có các màng vằn lên, giống như bị co giãn. Sau 6 tháng, thị lực của Phillips tăng lên 20/50 và dừng lại ở mức này suốt 11 năm. Từ một người có thị lực cực tốt, có thể từ trong ô tô đọc tên các biển hiệu trên đường phố, giờ Phillips thậm chí còn không thể vượt qua kì thi giấy phép lái xe mà không đeo kính.

Phillips là trường hợp đầu tiên được công nhận về hội chứng bí ẩn đã ảnh hưởng 80% phi hành gia khi phải công tác lâu ngày trong vũ trụ. Hội chứng này được đặt tên là Hội chứng áp suất trong sọ dẫn tới tổn thương thị lực (VIIP), dựa theo giả thuyết áp suất trong sọ chính là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Trên trái đất, các chất lỏng trong cơ thể chảy xuôi về phía chân nhờ trọng lực, nhưng trong vụ trũ thì không. Các nhà khoa học cho rằng các chất lỏng trong hộp sọ đã làm gia tăng áp suất lên não và mặt sau của mắt. Giả thuyết này nghe cũng có lý, nhưng rất khó kiểm chứng.

Phương pháp chứng thực duy nhất để đo áp lực trong sọ là phải khoan một lỗ ở trên cột sống, hoặc một lỗ sau hộp sọ, cả hai phương pháp đều phải tác động quá sâu lên cơ thể người. Giáo sư J.D Polk, chuyên gia phẫu thuật trên các chuyến bay của NASA phát biểu: “[Phương pháp này] có nguy cơ lây nhiễm, và thật ra rất khó để làm các thao tác này trong môi trường vũ trụ. Chúng tôi không thích phải cố định một người rồi khoan một lỗ trên xương sống của anh ấy cho lắm.”

Tuy nhiên, hội chứng VIIP đã trở thành một vấn đề lớn trong chuyến bay tới Sao Hỏa, vì thế các nhà khoa học phải đua nhau tìm cho được nguyên nhân thực sự gây ra hội chứng này. Karina Marshall-Goebel tại Viện Y khoa Vũ trụ của Đức đang thực hiện một thí nghiệm trong đó cơ thể của người tham gia được mô phỏng có sự vận hành các chất lỏng giống như ở trong vũ trụ, tuy nhiên thí nghiệm nay bị ảnh hưởng bởi trọng lực, và cũng không thể giữ người thí nghiệm trong không gian lâu tương đương với thời gian các phi hành gia sống trên vũ trụ được. Bà phát biểu với tờ Washington Post rằng: “Đó là một môi trường đặc thù, không thể nào mô phỏng được nếu không đi vào vũ trụ.”

Một số nhà khoa học khác đang tìm các biện pháp ít tác động sâu lên cơ thể người hơn để tìm ra nguyên nhân chính xác của hiện tượng tăng áp suất trong sọ. Ông Eric Bershad, một nhà thần kinh học chăm sóc chuyên sâu tại trường Đại học Baylor nói rằng có lẽ sẽ tìm được nguyên nhân rõ ràng trong vòng 5 năm tới. Ross Ethier, một kỹ thuật viên y sinh tại trường Đại học Kỹ thuật Georgia, hiện đang nghiên cứu phát triển công cụ có thể hút chất lỏng chảy ngược xuống chân trong vũ trụ, nhưng việc sử dụng thiết bị này cũng không được thuận tiện lắm và không ai biết chính xác một người phải đeo nó trong bao lâu để không bị hội chứng VIIP. Ông nói: “Ngay bây giờ thì có cả triệu điều bạn có thể đo đạc, nghiên cứu, và bạn có thể cảm thấy bối rối không biết phải bắt đầu từ đâu.”

Vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi các nhà khoa học thậm chí còn không chắc là Hội chứng áp suất trong sọ gây tổn thương thị lực là do áp suất cao trong sọ gây ra, hay do môi trường không trọng lực làm áp suất tăng lên. Một nghiên cứu về áp suất trong hộp sọ trong một chuyến bay theo đường parabol, trong môi trường không trọng lực trong vòng 25 giây, cho thấy lúc đầu có tăng áp suất trong hộp sọ, tuy nhiên khi trọng lực bằng 0 thì áp suất trong hộp sọ lại đi xuống. Kết quả này ngược với kết quả mà mọi người mong đợi.

Miheal Barrat, phi hành gia và là cựu giám đốc chương trình nghiên cứu con người của NASA cũng mắc hội chứng VIIP sau chuyến công tác 6 tháng trên một trạm vũ trụ năm 2009. Ông cho rằng việc nghiên cứu áp suất trong hộp sọ là rất quan trọng để có thể giải được câu đố hóc búa về nguyên nhân gây tổn thương thị lực, ngay cả khi phải tiến hành các quy trình can thiệp sâu vào cơ thể người. Còn một cách nữa là cấy ghép máy theo dõi áp suất tại các điểm khác nhau trong chuyến công tác.

Barrat cho rằng hội chứng tổn thương thị lực này có thể là một nguy cơ trong số rất nhiều nguy cơ đối với cơ thể người khi sống trong môi trường có trọng lực nhỏ. “Chúng ta đang chứng kiến những triệu chứng biểu hiện ở thị lực, thần kinh và mắt khi phải sống lâu dài ở môi trường không trọng lực, và tôi chắc chắc vấn đề này khá là mang tính toàn cầu.”

Vũ trụ chứa đựng bao hiện tượng kỳ bí mà có lẽ chẳng bao giờ khoa học có thể giải thích hết được.

Hải Hà tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version