Nằm gần Thung Lũng Linh Thiêng (Sacred Valley) của người Inca ở Peru là di tích Naupa Huaca, một công trình cổ đại được xây với độ chính xác hoàn hảo tới mức không ai có thể giải thích được tại sao hay làm cách nào nó được xây dựng.
Peru là một chốn đầy ắp các truyền thuyết và huyền thoại, nơi chứa đựng nhiều công trình kiến trúc ấn tượng chưa thể giải thích được xây trước thời Inca và các nền văn minh nổi trội khác, một nơi tràn ngập các bí ẩn kinh ngạc vẫn chưa có lời giải cho đến tận ngày hôm nay, theo Ancient Code.
Di chuyển không quá xa khỏi một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở Peru—Thung Lũng Linh Thiêng—chúng ta sẽ bắt gặp một hang động ly kỳ với cửa vào kỳ lạ hình chữ V ngược.
Cửa vào hang động hình chữ V ngược.
Bên trong hang, một công trình tạo tác trên đá với những đường thẳng gần như hoàn hảo, các góc cạnh sắc nét và bề mặt phẳng nhẵn, như thể ai đó đã sử dụng một loại công nghệ cổ đại cực kỳ tiên tiến nào đó để chế tác một cách dễ dàng khối đá này. Kết quả là một cái “Cửa giả”, gọi như vậy vì nó không dẫn đi đâu cả và là đường cụt khi đi sâu vào bên trong. Nó đủ lớn để một người ngồi thoải mái bên trong.
Bên trong hang động.
Cửa giả.
Những công trình phức tạp tinh vi trên đá này được tạo ra bởi ai và vì mục đích gì, đây vẫn là một bí ẩn, nhưng có lẽ câu hỏi quan trong hơn chắc hẳn phải là BẰNG CÁCH NÀO.
Naupa Huaca có một công trình đáng kinh ngạc có thể làm lung lay toàn bộ vốn hiểu biết của chúng ta về các nền văn minh tọa lạc tại dãy núi Andes và tổ tiên của họ. Những công trình này được xây như thế nào? Chúng được xây nhằm mục đích gì? Loại công nghệ nào đã được sử dụng? Có phải người cổ đại thật sự đã dùng các công cụ bằng đá và gỗ để đục khắc những hình dạng gần như hoàn hảo, các bề mặt phẳng nhẵn và các đường thẳng hoàn hảo này không? Hay phải chăng chúng ta đang bỏ sót điều gì đó?
Naupa Huaca—khu di tích cổ đại tràn ngập bí ẩn
Thiết kế tinh vi phức tạp, bề mặt phẳng nhẵn và các đường cắt xẻ chính xác như sử dụng tia laze tại di chỉ Naupa Huaca quả thật đáng kinh ngạc. Tại độ cao hơn 90 m trên mực nước biển, phần trần lối vào hang động trông như thể được cắt bằng công cụ laze để tạo ra hai góc nhọn khác biệt, một 60 độ và một 52 độ.
Một điều thú vị là, góc nghiêng kể trên (góc tạo giữa các cạnh của kim tự tháp và mặt đất) cũng thấy xuất hiện ở các kim tự tháp ở Ai Cập. Lấy ví dụ, 52° (Kim tự tháp hoàn hảo tại Meidum); 51° 50′ hay 51° 51′ 14″ (trong số các Đại Kim tự tháp Khufu); 52° 20′ 00″0 (Kim tự tháp thứ hai ở Giza); 51° (Kim tự tháp thứ ba ở Giza).
Trở lại di chỉ Naupa Huaca.
Naupa Huaca chứa đựng nhiều chi tiết đáng kinh ngạc hơn. Bất kỳ ai quyết định xây công trình bí ẩn này bằng cách nào đó đã chọn đúng vị trí bên sườn núi nơi có nhiều vết tích của đá xanh.
Trái ngược rõ ràng với đá sa thạch ở xung quanh, đá xanh chứa một loại tinh thể được dùng trong các đài radio thời kỳ đầu do có các tính chất áp điện tuyệt vời. Loại đá này cũng có từ tính trong tự nhiên.
Điều đáng kinh ngạc hơn là nếu chúng ta đi nửa vòng quanh thế giới đến Anh, chúng ta sẽ bắt gặp di chỉ cự thạch Stonehenge với những khối đá xanh kỳ vĩ, khổng lồ.
Vì lý do nào đó, “đá xanh” đã trở nên quan trọng đến nỗi các kiến trúc sư của Stonehenge quyết định vận chuyển chúng từ một địa điểm cách đó hơn 20 km.
Di chỉ cự thạch, vòng tròn đá Stonehenge ở Anh.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận việc vận chuyển các khối đá xanh khổng lồ trong một quãng đường dài từ xứ Wales đến Stonehenge chắc chắn là một trong những thành tựu ấn tượng nhất của xã hội cổ đại từ hàng nghìn năm về trước.
Tuy rằng nhiều chuyên gia đã đưa ra một số giả thuyết về phương thức vận chuyển các khối đá lớn qua quãng đường dài như vậy, vẫn chưa ai có thể nói chắc nó được thực hiện như thế nào từ hàng nghìn năm về trước, khi nhân loại vẫn còn đang trong một giai đoạn rất thô sơ nguyên thủy theo giới học giả chủ lưu, trừ phi những nhận định này là sai lầm.
Công trình Cửa giả và bệ thờ tại Naupa Huaca.
Thâm nhập các bí ẩn của di chỉ Naupa Huaca
Nếu các đặc điểm ấn tượng của công trình đá này chưa đủ thú vị đối với bạn, và những đường thẳng hoàn hảo, các góc cạnh sắc nét và bề mặt phẳng nhẵn không khiến bạn kinh ngạc, thì có một vài chi tiết khác có thể cho bạn thấy sự bí ẩn của Naupa Huaca thậm chí còn lớn hơn.
Cái “cửa giả” bí ẩn dường như được đục khắc thành 3 tầng khác nhau và bệ thờ bằng đá bazan ở bên trái có 3 cửa sổ được chạm khắc tinh tế.
Nhưng tại sao lại là ba?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy xem công trình nghiên cứu của tác giả Richard Cassaro.
Ông đã đưa ra một số câu hỏi đáng suy ngẫm.
Liệu các nền văn minh đầu tiên trên thế giới đều thừa hưởng sự thông thái từ một nền Văn minh Mẹ lâu đời hơn nhưng hiện đã biến mất?
Theo lưu ý của Richard, nếu quan sát các kim tự tháp và đền thờ khác nhau trên khắp thế giới chúng ta sẽ nhận thấy các nền văn hóa cổ đại có kim tự tháp đều xây dựng các “Đền thờ với cửa Tam quan”. Phải chăng điều này cho thấy họ chia sẻ tín ngưỡng chung?
Đền thờ cửa Tam quan ở Nam Mỹ (văn minh Inca/tiền Inca) và Ai Cập.
Ông Richard cho rằng cũng giống như các kim tự tháp, sự hiện diện của các Đền thờ với cửa Tam quan trên khắp thế giới đã phần nào củng cố cho giả thuyết “Atlantis”, rằng có một nền văn minh với gốc rễ xa xưa hơn rất nhiều so với khả năng tiếp nhận của khoa học; rằng có một giai đoạn lịch sử lớn bị lãng quên trong lịch sử nhân loại; rằng một nền văn minh cổ đại tiên tiến từng phát triển thịnh vượng nhưng bị xóa sổ bởi thảm họa diệt vong; và rằng các nền văn minh đầu tiên được biết đến trong lịch sử đã kế thừa những di sản của nó.
Vậy có phải là điều ngẫu nhiên khi cánh cửa giả tại Naupa Huaca được đục khắc thành 3 tầng và bệ thờ bằng đá bazan ở bên trái có 3 cửa sổ được chạm khắc tinh tế?
Xem thêm:
Bí ẩn còn thâm sâu hơn
Nếu ghé thăm Machu Picchu, một thành quách vào thế kỷ 15 tọa lạc trên một rặng núi cao 2.430 mét trên mực nước biển, chúng ta sẽ bắt gặp một công trình thú vị gọi là đền thờ có 3 ô cửa sổ (the temple of the three windows). Đền thờ này nằm ở góc tây nam của quảng trường chính. Ở đó chúng ta sẽ tìm thấy một cánh cổng đá được xây rất công phu dài 10,6 m rộng 4,2 m chứa 3 ô cửa hình thang dọc theo một bên tường. Đây có lẽ là một đặc điểm hiếm gặp trong kiến trúc Inca, nhưng lại rất phổ biến trên thế giới.
Đền thờ có 3 ô cửa sổ.
Cấu trúc này có lẽ được kiến lập chiểu theo tín ngưỡng của người Inca. Theo truyền thuyết Inca, có 3 thế giới (tam giới) cấu thành nên vũ trụ chúng ta, bao gồm: thế giới bên dưới (Ukhu pacha), thế giới vật chất thực tại (Kay pacha) và thế giới bên trên (Hanaq pacha). Các thế giới này không chỉ là các không gian khác nhau mà còn có dạng thức thời gian riêng của chúng. Tuy rằng vũ trụ được nhìn nhận là một thể thống nhất trong ngành vũ trụ học của người Inca, nhưng sự phân chia giữa các thế giới là một phần của thuyết tương sinh tương khắc vốn khá phổ biến trong tín ngưỡng Inca, gọi là Yanantin. Thuyết tương sinh tương khắc này cho rằng tất cả mọi thứ tồn tại, một khi có bất kỳ đặc điểm nào, đều sẽ có 2 mặt đối lập của đặc điểm đó (nóng và lạnh, tích cực và tiêu cực, sáng và tối, tốt và xấu v.v…)
Có lẽ một ví dụ tốt nhất cho điều này là cái gọi là Cánh cổng Mặt Trời, hay “La Puerta del Sol” theo tiếng Tây Ban Nha tại khu di tích Tiahauanco. Cánh cổng này được cho là biểu thị cho phương thức liên kết của ba ‘thế giới’ này.
Cánh cổng Mặt Trời.
‘Cánh cổng’ cổ đại này được tạo ra từ một khối đá Andesit nguyên khối duy nhất nặng khoảng 10 tấn, cao 3 m rộng 4 m. Một số nhà nghiên cứu cho rằng cảnh cổng này có niên đại vào khoảng 15.000 TCN. Người ta tin rằng Tiahuanaco là một trong những nền văn hóa cổ nhất Nam Mỹ, tồn tại từ khoảng 1500 TCN cho đến 1000 SCN.
Và nếu tất cả những điều trên vẫn chưa đủ để khiến bạn kinh ngạc, thì thực tế này sẽ khiến bạn phải suy ngẫm; đó là không ai biết danh tính của những người dựng nên di chỉ Naupa Huaca. Tuy rằng các công trình đá của người Inca quả thật rất đáng ngưỡng mộ, nhưng kỹ thuật và mức độ chính xác trong xây dựng tại Naupa Huaca dường như vượt quá quy mô và khả năng của họ.
Giống như rất nhiều di chỉ cổ đại khác ở Peru, Naupa Huaca nhiều khả năng được dựng lập bởi một nền văn minh đã biến mất từ lâu trước khi người Inca xuất hiện.
Quý Khải (theo Ancient Code)
Xem thêm: