Một cảnh sát Mỹ đã cứu mạng 3 người một cách tình cờ và ông tin rằng đã nhận được sự trợ giúp từ Đức Mẹ.
Trong cuộc sống có những sự việc trùng lặp khó tin mà khoa học cũng không thể chứng minh và giải thích được, khi ấy người ta bắt đầu nghĩ đến khía cạnh tâm linh. Phật gia giảng: Không có gì trên đời là Ngẫu nhiên cả. Trường hợp không hề ngẫu nhiên của một sĩ quan cảnh sát người Mỹ 3 lần nhận được cuộc gọi khẩn cấp trong đêm ngay khi ông vừa cầu nguyện xong, và cả ba lần ông đều cứu được tính mạng của ba người phụ nữ.
Federick Yap sinh ra và lớn lên trong vòng tay nuôi dưỡng của một người mẹ đơn thân ở Philippines. Dù sống trong cảnh hàn vi nhưng ông luôn được người mẹ dạy dỗ phải biết quan tâm đến người khác. Tuy theo học tại trường Công giáo nhưng ông chưa bao giờ thực sự coi mình là người mộ đạo, cũng như ít khi đọc Kinh Mân Côi hoặc Cầu nguyện theo đúng lễ nghi.
Sau này, khi đã sang định cư tại Mỹ vào năm 1987, và trở thành một sĩ quan cảnh sát mộ đạo, những ký ức tuổi thơ luôn in đậm trong tâm trí ông và phải mất nhiều năm sau ông mới khám phá ra lý do ẩn phía sau đó.
Phải chăng có mối liên hệ tiềm thức từ quá khứ
Ấy là cuộc gặp với một nữ tu mà sau này ông nhận ra đó không phải là ngẫu nhiên. Hồi ấy, mỗi ngày sau giờ tan học, cậu học trò Yap thường phải chạy bộ về nhà và đều đi ngang qua trường trung học Công giáo, nơi Yap thường dừng lại để ngồi nghỉ và uống nước từ đài phun nước.
Trùng thời điểm mỗi ngày như thế, anh luôn nhìn thấy nữ tu sĩ Sophia đi dọc hành lang, đọc Kinh Mân Côi và tay lần tràng hạt. Cậu trò Yap thường dừng lại chào hỏi, trò chuyện một chút với Sơ, và sau đó mới tiếp tục chạy bộ về nhà. Điều này đã trở thành một thói quen thường ngày của cậu.
Sau này hồi tưởng lại, ông không thể giải thích lý do tại sao, nhưng ông luôn cảm thấy có mối liên hệ “thân thiết” với Sơ Sophia. Trong những lần gặp như thế, sơ Sophia thường nói với ông về việc đọc kinh Mân Côi và cầu nguyện. Nhưng cậu trò nhỏ Yap khi ấy không để tâm lắm đến chuyện này.
Sau đó, Federick Yap tốt nghiệp đại học San Beda ở Manila, và chuyển đến định cư ở Reston, bang Virginia (Mỹ). Federick Yap kết hôn và có hai người con. Vào mỗi ngày cuối tuần, gia đình Yat thường đi lễ tại các nhà thờ ở Manassas. Federick Yap trở thành sĩ quan cảnh sát tuần tra tại hạt Fairfax, công việc bộn bề căng thẳng khiến ông ít dịp hồi tưởng lại những ký ức cũ.
Năm 2006, kết thúc buổi tuần tra đêm, Federick Yap muốn tìm kiếm một nơi yên tĩnh để viết báo cáo và ông quyết định đậu xe tuần tra của mình trước nhà thờ Thánh St. Thomas ở Reston. Ông bỗng nhận ra gần chỗ đậu xe là bức tượng Đức Mẹ Mary đã phai màu. Có điều gì đó thôi thúc khiến ông tiến lại gần và đọc thầm một đoạn kinh. Theo thói quen, ông kết thúc bằng câu: “Con kính ngưỡng Ngài, Thiên Chúa. Con kính ngưỡng Mẹ, Mẹ Maria”.
Cuối cùng, không hiểu vì sao, ông quyết định đọc Kinh và lần chuỗi Mân Côi. Ký ức về những lần gặp nữ tu Sophia khi còn ở Philippines bất chợt trở nên sống động, và trong phút chốc giúp ông trở thành một tín hữu nhiệt thành, siêng năng đọc kinh, và cầu nguyện.
Sức mạnh của niềm tin
Mối dây liên hệ với đời sống tâm linh và niềm tin thiêng liêng thường không kịch tính như những gì được thể hiện trong phim ảnh, hay được thể hiện rõ ràng qua ngôn ngữ, mà nó thường được cảm thụ từ trong tâm một cách tinh tế, nhẹ nhàng và chỉ hiển lộ và nhận ra sau khi mọi việc đã kết thúc. Những người không có đức tin thậm chí có thể nhầm lẫn, cho rằng đó chỉ là do sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc may mắn ngẫu nhiên.
Phải mất nhiều năm Federick Yap mới có thể xâu chuỗi, kết nối ba sự cố riêng biệt mà ông phải đối mặt trong khi thi hành nhiệm vụ. Cả ba sự cố ấy đều là những trường hợp khẩn cấp đe doạ tới tính mạng. Đối với anh, đó hoàn toàn không phải là sự ngẫu nhiên.
Federick Yap cho biết: “Công việc của một cảnh sát tuần tra không chỉ theo dõi vi phạm giao thông và bắt giữ hình sự, mà còn đảm nhiệm những việc về dịch vụ công cộng và giúp đỡ người dân. Nếu xe ai đó bị thủng lốp trên đường cao tốc, chúng tôi sẽ đến giúp đỡ họ. Vào tối muộn, nếu đi tuần thấy nhà dân quên không đóng cửa sổ, chúng tôi giúp họ làm điều đó. Nhưng cũng có những pha khẩn cấp, nằm giữa lằn ranh của Sự sống và Cái chết”.
Yap tin rằng Thiên Chúa đã giúp anh cùng với các sĩ quan cảnh sát và các chuyên gia y tế cứu sống được ba người phụ nữ trong ba lần thi hành nhiệm vụ. Điều kỳ lạ là mỗi sự việc đều xảy ra sau khi ông vừa làm lễ cầu nguyện xong. “Thiên Chúa đã bảo hộ cho ba người phụ nữ ấy”, Federick Yap nói.
Cứu sống ba người phụ nữ đều không phải là ngẫu nhiên
Sự cố đầu tiên xảy ra vào tháng 7 năm 2011. Tranh thủ khoảng thời gian trống trong ca đi tuần đêm, Federick Yap dừng xe trước cổng nhà thờ Thánh St Thomas và một mình thầm cầu nguyện. Khi anh vừa cầu nguyện xong thì nhận được một cú điện thoại từ sở cảnh sát thông báo, có một phụ nữ có ý định tự sát tại khu vực Great Falls Park. Khi Yap cùng một sĩ quan cảnh sát khác đến hiện trường, họ khá sốc khi thấy người phụ nữ lái xe lao nhanh xuống sông Potomac. Mặc nguyên quân phục, Yap cùng đồng đội nhảy xuống dòng sông đang chảy siết.
Yat kể: “Đó là một đêm tối tăm đầy sương mù, tầm nhìn rất hạn chế. Chúng tôi phải lần mò trong đoạn sông Potomac với cơ hội cứu sống cô ấy chỉ có 20%”. Tuy không được huấn luyện cứu hộ dưới nước, nhưng cuối Yap và đồng nghiệp chật vật đưa được người phụ nữ ra khỏi xe và lên bờ an toàn. Cô ấy được đưa tới bệnh viện và may mắn thoát chết.
Sau vụ việc đó, Yap nhận được rất nhiều lời cảm phục của người dân gửi đến sở Cảnh sát, “nhưng tôi không bao giờ nghĩ nhiều về việc đó, tôi tin đấy là ý của Thiên Chúa”, ông nói.
Lần thứ hai vào một đêm đầu năm 2015, khi Yap vừa dứt buổi cầu nguyện đọc kinh Mân Côi tại trước nhà thờ thì nhận được cuộc gọi khẩn cấp, thông báo có một người phụ nữ đang nguy kịch do bị chồng bắn nhiều phát súng. Đội cảnh sát trong đó có ông được điều tới hiện trường và đưa được người phụ nữ bị thương nặng ra khỏi nhà an toàn.
Yap đã ở kế bên nạn nhân, áp chặt vết thương trên suốt chặng đường từ hiện trường tới bệnh viện. “Tôi không rõ vết thương nghiêm trọng đến mức độ nào, nhưng nhìn tình trạng của cô ấy, tôi nghĩ rằng cô ấy khó lòng qua khỏi”, Yap cho biết, “vì vậy tôi không ngừng cầu nguyện cho cô ấy”. Thật kỳ diệu, người phụ nữ ấy đã được cứu sống.
Vài tháng sau, thông qua một sĩ quan cảnh sát, người phụ nữ ấy đã gửi lời cảm ơn tới các ân nhân, đặc biệt là sĩ quan cảnh sát Federick Yap đã cứu cô thoát chết. Sau này, Yab biết rằng người phụ nữ ấy là bạn của đồng nghiệp với ông. Vì vậy ông đã nhờ đồng nghiệp của mình chuyển tới người phụ nữ ấy cuốn Kinh mà ông đã đọc vào cái đêm cô bị bắn. “Tôi không quan tâm cô ấy có đức tin hay không, nhưng tôi vẫn muốn gửi cuốn Kinh này cho cô ấy, tôi đã thầm cầu nguyện Người khi cô ấy đang ở ranh giới mong manh của sự sống. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về Người”, Federick Yap nói.
Lần thứ ba là vào năm 2016, cũng trong phiên trực ca đêm, Federick Yap dừng xe tuần tra để cầu nguyện trước cửa nhà thờ Thánh St.Thomas như thường lệ, và vừa khi cầu nguyện xong, ông nhận cuộc gọi từ đồng nghiệp cho biết có một phụ nữ muốn tự sát.
Ông cùng một sĩ quan cảnh sát tìm đến địa chỉ được cung cấp, gõ cửa nhưng không có ai trả lời. Đột nhiên Yap nghe thấy tiếng động cơ chạy rì rì dưới tầng hầm, vì vậy họ đã phải phá cửa lao vào. Bên dưới tầng hầm, nồng độ khí CO dày đặc, động cơ của cả hai chiếc xe đều đang nổi. Yap phát hiện thấy người phụ nữ đang bất tỉnh tỉnh trong xe. “Cả hai chúng tôi đã bắt đầu có vấn đề về hô hấp, vì vậy chúng tôi nhanh chóng mở tầng hầm đưa cô ấy ra khỏi xe và bắt đầu hô hấp nhân tạo”, Yap kể. Cuối cùng, người phụ nữ đã bắt đầu thở trở lại và được cứu thoát.
Bất luận bạn gặp ai, tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên
Ba huân chương Vì hành động anh hùng đã được gắn trên ngực áo đồng phục của sĩ quan cảnh sát Federick Yap, được trao nhờ thành tích xuất sắc trong việc cứu mạng 3 người phụ nữ kia. Nhưng Yap khiêm tốn cho rằng, công lao đó thuộc về những người đồng đội của ông, và trên hết là do Thiên Chúa – Người hằng bảo hộ, che chở.
Federick Yap chưa bao giờ nghĩ đến mối liên hệ giữa Kinh Mân Côi, ba người phụ nữ anh đã cứu, và những lời cầu nguyện cho đến khi anh giải cứu người phụ nữ thứ ba. “Tôi tin rằng Người đã giúp tôi, để tôi đưa ra quyết định, phương án tốt nhất trong những tình thế nguy hiểm”, Federick Yap nói, “chẳng có gì ngẫu nhiên xảy ra đến ba lần đều trong tình huống tôi vừa cầu nguyện Người xong. Đối với tôi, đây là phép lạ trong cuộc sống”.
Trong túi áo cảnh sát của Federick Yap là chuỗi tràng hạt ông luôn mang theo để cầu nguyện vào những khoảnh khắc yên tĩnh khi thực hiện nhiệm vụ ca đêm. Federick Yap cảm thấy rất biết ơn khi ông đã hiểu về chuỗi Mân Côi, theo cách sâu sắc hơn, kể từ khi ông gặp nữ tu Sophia. Không phải ai cũng có những trải nghiệm với chuỗi Mân Côi giống như Federick Yap, nhưng ông nghĩ, mọi người đều được hưởng lợi từ đức tin của mình.
Ông chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi cầu nguyện và thực hành đức tin theo lời dạy của Người, điều đó đã giúp tôi có sự hiểu biết tốt hơn về cuộc sống, và giúp chúng ta trở nên sống tốt hơn. Chúng ta sẽ nhận được loại năng lượng giúp ta hiểu về bất cứ điều gì chúng ta làm, bất cứ điều gì chúng ta nói, và lòng tốt cùng sự khiêm nhường sẽ luôn được nuôi dưỡng”.
Ngạn ngữ Ấn Độ có câu: “ Bất luận bạn gặp ai, đó đều là gặp đúng người. Bất luận phát sinh vấn đề gì, nó đều là việc duy nhất phát sinh. Bất kể sự việc phát sinh lúc nào, đều là đúng thời khắc”. Phật gia giảng rằng: Mọi việc trong đời người đều là có nguyên nhân, không có việc gì là vô duyên vô cớ. Kỳ thực, mỗi một việc dù là rất nhỏ xảy ra trong cuộc đời mỗi người đều là có nguyên nhân, đều không hề ngẫu nhiên.
Xuân Trường