Đại Kỷ Nguyên

Cặp chị em song sinh nhà Pollock: Bằng chứng thuyết phục về hiện tượng luân hồi?

Cặp chị em song sinh nhà Pollock: Một trường hợp tái sinh luân hồi?

Ảnh: Misterio Tv

Cặp song sinh nhà Pollock là một trong những trường hợp kinh điển nhất minh chứng cho hiện tượng luân hồi.

Cặp song sinh nhà Pollock là hai cô gái người Anh thường được đề cập đến như bằng chứng tiềm năng của hiện tượng luân hồi. Cha mẹ họ, ông bà John và Florence Pollock, sống ở thị trấn Hexham, Anh. Trước khi chào đón hai chị em song sinh, họ từng có hai cô con gái, Joanna, 11 tuổi, và Jacqueline, 6 tuổi. Ngày 5/5/1957, hai đứa trẻ đã thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Hai ông bà Pollock đã rất buồn.

Câu chuyện về hai chị em song sinh Jennifer và Gillian Pollock

Năm sau, vào ngày 4/10/1958, bà Florence mang thai và sinh hạ cùng lúc hai cô con gái. Gillian và Jennifer là cặp song sinh tương đồng, nhưng chúng có các vết bớt khác biệt. Jennifer có một vết bớt trên eo và trên trán, trông khá giống với vết bớt và vết sẹo ở các chỗ tương ứng của cô chị quá cố Jacqueline.

Gia đình họ chuyển đến sát biển, tại Vịnh Whitley khi cặp song sinh được 3 tháng tuổi. Hai năm sau, hai cô bé bắt đầu có các biểu hiện kỳ lạ. Chúng đòi những món đồ chơi mà các chị gái của chúng trước kia từng sở hữu, mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy chúng. Sau khi gia đình họ quay trở về sống tại thị trấn Hexham, mặc dù chưa bao giờ sống ở đó, cặp song sinh đã có thể chỉ ra những khu nhà mà các chị gái của chúng từng biết. Không chỉ vậy, chúng sẽ bắt đầu trở nên hoảng sợ khi nhìn thấy những chiếc xe hơi chuyển động, và hét lớn, “Chiếc xe đang đến để hại chúng con!” Sau khi lên 5 tuổi, ký ức của chúng về cuộc đời trước dần phai nhạt, và chúng bắt đầu có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Chị em song sinh nhà Pollocks. Ảnh: bradva.bg

Chuyên gia nghiên cứu luân hồi, TS Stevenson đến thăm cặp song sinh Pollock

Tin tức về cặp song sinh đã thu hút được sự chú ý của Tiến sĩ Ian Stevenson (1918 -2007), một nhà tâm lý học, chuyên gia nghiên cứu về hiện tượng tái sinh luân hồi ở trẻ em ở ĐH Virginia (Mỹ). Năm 1987, ông đã viết một cuốn sách có tựa đề “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp: Nghi vấn hiện tượng luân hồi (Children Who Remember Previous Lives: A Question of Reincarnation)”. Trong sách, ông mô tả 14 trường hợp luân hồi, trong đó bao gồm trường hợp của cặp song sinh Pollock.

TS Ian Stevenson, chuyên gia nghiên cứu hiện tượng luân hồi. Ảnh: wikimedia.org
Bìa sách “Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp: Nghi vấn hiện tượng luân hồi”. Ảnh: Amazon UK

Sau khi hay tin về hai chị em Pollock, TS Stevenson đã thường xuyên đến thăm nhà, hỏi chuyện và xem xét các vết bớt, cuối cùng khám phá ra các chi tiết rất thú vị. Lấy ví dụ, cặp chị em này sinh đôi giống hệt nhau, nghĩa là chúng đến từ cùng một trứng, nhưng chúng lại có đôi chút khác biệt trong hình dạng, mà sự khác biệt này lại ăn khớp với hai bà chị quá cố của chúng, vốn không phải chị em song sinh. Ngoài ra, Jennifer còn có một vết bớt bất thường, ăn khớp với một vết thương của Jacqueline trong cuộc đời trước, trong khi “cô chị song sinh” Gillian lại không có. Rất khó giải thích điều này về mặt di truyền.

Ảnh: science-rumors.com

Sau khi ký ức của chúng phai mờ dần sau khi lên 5, TS Stevenson vẫn thường xuyên giữ liên lạc với gia đình trong những năm sau đó, cho đến khi bố mẹ chúng qua đời.

TS Stevenson đã nghiên cứu hiện tượng luân hồi trong 40 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, ông đã điều tra hàng ngàn trường hợp, phần lớn ở các nước châu Á, nơi phần đông người dân tin vào luân hồi. Ông muốn tiến hành nghiên cứu luân hồi ở những nơi niềm tin vào hiện tượng này khá phổ biến, bởi những cha mẹ nào mà không tin vào luân hồi thường ngăn cản con mình kể về kiếp sống của chúng trước kia, bởi có thể họ cho rằng con họ đang có vấn đề về tâm lý. Ngoài ra, trẻ con là những đối tượng nghiên cứu tốt nhất, bởi chúng ít có khả năng tự tạo ra những câu chuyện [bịa chuyện] về kiếp sống trước hơn.

Luân hồi liệu có thật?

Rất nhiều người, như ông John Pollock, tin vào hiện tượng luân hồi. Đó là một giáo lý phổ biến trong một số tôn giáo như Phật giáo. Theo quan điểm Phật giáo, khi một người chết đi, cuộc sống không kết thúc, mà thay vào đó, họ sẽ tái sinh sang kiếp sau, vào một trong 6 cõi luân hồi, từ cõi trời, cõi người, cõi địa ngục v.v… Theo đó, tùy vào nghiệp của họ (các việc tốt xấu đã làm trước đây) mà sinh mệnh sẽ được tái sinh vào các cõi tương ứng.

Con người có thể có nhiều kiếp sống. Ảnh: telegram.ee

Cũng cần nhấn mạnh rằng, điều này khá trái ngược với quan điểm Công giáo, tín ngưỡng phổ biến ở xã hội phương Tây như của gia đình ông bà Pollock, vốn cho rằng khi chết con người ta sẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục.

Mặc dù vậy, liệu điều này có thực sự xảy ra? Các nhà nghiên cứu như TS Stevenson đã nghiên cứu hiện tượng luân hồi trong hơn 50 năm tại ĐH Virginia. Như đã nói ở trên, họ thường làm việc với trẻ em bởi họ khám phá ra rằng một số người trưởng thành có biểu hiện nhớ về các kiếp sống trước – trường hợp luân hồi tiềm năng – trên thực tế là do chịu nhận ảnh hưởng từ sách báo, phim ảnh và những thứ tương tự. TS Stevenson đã mô tả một trường hợp như vậy: Một nhà điều trị tâm lý tiến hành liệu pháp thôi miên với một phụ nữ, cô này đã mô tả một kiếp sống vào thế kỷ 14 trong vai trò một cận thần của Vua nước Anh Richard II. Hóa ra người phụ nữ này đã đọc một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh tại cung điện của Vua Richard II từ vài năm trước đó, và rất nhiều chi tiết từ “kiếp trước” đó của cô lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết này. Do đó, có thể nói rằng các nghiên cứu của ông với trẻ em có tính xác thực khá cao.

Các trường hợp khác

Một số trường hợp khác, mặc dù mang tính chủ quan thuần túy, nhưng rất đáng kinh ngạc. Chẳng hạn như trường hợp của cậu bé James Leininger, sinh năm 1998 tại San Francisco, Mỹ. Cậu bắt đầu có những cơn ác mộng về các vụ tai nạn máy bay khi lên hai. Những cơn ác mộng đó bắt nguồn từ ký ức trong một kiếp trước khi cậu là một phi công trong Thế chiến 2. James có thể kể với cha mẹ của mình tất cả về các loại máy bay từ thời đó – trong khi cha mẹ cậu không phải là những người muốn níu kéo kỷ niệm về Thế chiến II đến mức lưu giữ nhiều sách báo hay tranh ảnh, kỷ vật từ thời đó trong nhà.

James Leininger khi còn bé (phải) và chân dung người phi công trong Thế chiến II – kiếp trước của cậu (trái). Ảnh: energytherapy.biz
James Leininger khi trưởng thành. Câu trông khá giống với người phi công năm xưa được cậu nhắc đến. Ảnh: soulsurvivorbook.wordpress.com

Khá kỳ lạ khi những đứa trẻ này có thể lưu giữ những ký ức dường như không phải của chúng. Cặp song sinh nhà Pollock chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cho thấy các dấu hiệu của hiện tượng luân hồi.

Phương Lâm

Exit mobile version