Đại Kỷ Nguyên

Cặp mắt thịt đã giới hạn khả năng nhận thức thế giới chân thực của bạn như thế nào?

Cặp mắt thịt đã giới hạn khả năng nhận thức thế giới chân thực của bạn như thế nào?

Ảnh: ĐKN

Những khám phá của giới khoa học đã hé mở những giới hạn của cặp mắt người, khiến chúng ta phải tự hỏi phải chăng những gì chúng ta thấy là đầy đủ và trọn vẹn.

Bạn có thể cảm thấy khó tin khi nghe nói rằng chúng ta chính là những tù nhân của bộ não. Bộ não nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể là tù nhân của chính bộ não chúng ta được? Thế nhưng, các nhà khoa học đã phát hiện được rằng đây chính là sự thật. Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Mắt Smith-Kettlewell tại thành phố San Francisco (Mỹ) đã khám phá ra rằng chúng ta chỉ nhìn thấy những gì bộ não cho phép chúng ta thấy. Con người ta thường “nhìn mà không thấy”, thậm chí ngay cả khi đối tượng quan sát nằm ngay bên trong tầm nhìn của chúng ta.

Ảnh: All About Vision

Theo báo cáo trên tạp chí Nature , số 414, các đối tượng tham gia nghiên cứu được cho xem một số điểm màu xanh dương xoay tròn trên một bức nền hợp thành từ những điểm bất động màu vàng. Tuy nhiên, tất cả những điểm vàng đều “biến mất” khỏi tầm nhìn của những người tham gia. Những điểm vàng này biến mất không phải do máy tính, mà bởi chính bộ não của những người ngày. Những điểm vàng vẫn hiển thị trên màn hình, nhưng người ta chỉ đơn giản không nhìn thấy chúng.

Bài viết nhận định rằng bộ não chúng ta đưa ra các quan niệm về thế giới xung quanh, rằng thế giới xung quanh nên là như thế nào. Dựa trên các quan niệm này, bộ não sẽ xác định điều gì chúng ta nên thấy và điều gì không nên thấy. Trong thí nghiệm này, những người tham gia được cho xem các điểm xanh xoay tròn giữa các điểm vàng bất động, nhưng bộ não chỉ cho phép họ nhìn thấy những điểm xanh. Hiện tượng này gọi là “hiện tượng mù lòa kích phát bởi sự vận động (motion induced blindness)”.

Video dưới đây minh họa cho hiện tượng này. Trên màn hình là một mạng lưới hợp thành từ các dấu cộng màu xanh dương liên tục xoay tròn, cùng 3 chấm vàng cố định bất động và 1 chấm tròn màu xanh lá cây liên tục nhấp nháy ở chính giữa. Hãy tập trung sức nhìn vào chấm tròn màu xanh lá cây.

Video:

Như bạn có thể thấy, khi tập trung nhìn vào chấm tròn màu xanh lá, sau một lúc lâu, các chấm tròn màu vàng lần lượt biến mất khỏi màn hình. Màn hình càng rộng, hoặc để mắt nhìn càng gần màn hình, thì hiệu quả càng rõ nét. Đây chính là hiện tượng mù lòa kích phát bởi sự vận động.

Các chấm tròn dần biến mất khi thời gian nhìn đủ lâu … Ảnh: YouTube
… cho đến khi toàn bộ mất hẳn. Ảnh: YouTube

Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chúng ta chỉ đơn giản không nhận ra chúng. Lấy ví dụ, khi lái xe trên một con đường cao tốc với rất nhiều ánh đèn xe hơi, thì người tài xế thường có xu hướng bỏ qua (“không nhìn thấy”) ánh đèn pha chiếu hậu của những chiếc xe ở hai làn đường kế cận.

Chúng ta đều tin rằng điều mà chúng ta nhận thức được từ các giác quan là chân thực. Chúng ta cho rằng điều mà bộ não nhận thức được từ các giác quan của chúng ta là chân thực. Từ nghiên cứu này, chúng ta biết rằng quan niệm này là không đúng. Bởi chính bộ não chúng ta sẽ quyết định xem cái gì nên thấy và cái gì không nên thấy. Vậy cái gì xác định cái mà bộ não chúng ta “nhìn thấy”? Điều gì bảo cho bộ não chúng ta biết nên nhận thức thế giới này như thế nào?

Thực ra, điều mà con mắt chúng ta nhìn thấy được là rất hạn chế. Con mắt chúng ta chỉ có thể nhận thức được các ánh sáng khả kiến (hay ánh sáng hữu hình) với bước sóng trong khoảng 400 nm đến 700 nm. Ở ngoài phạm vi này là ánh sáng có bước sóng thấp hơn 400 nm (tia tử ngoại hay tia cực tím) và cao hơn 700 nm (tia hồng ngoại), mà mắt người không thể nhìn thấy được, và chỉ có thể quan sát được trên máy móc (hình dưới).

Phạm vi ánh sáng mắt người nhìn thấy được là có giới hạn. Những gì chúng ta nhìn thấy không phải là tất cả. Ảnh: Dr.Binh Huynh

Ở mức hoành quan và vi quan hơn, tất cả những gì chúng ta có thể thấy chỉ là một phần nhỏ xíu của cái vũ trụ này, và các vật thể đi vào tầm nhìn chúng ta chỉ có thể được thấy sau khi phản ánh đến bộ não. Khả năng nhận thức của chúng ta bị hạn chế bởi sự giới hạn của 5 giác quan.

Chúng ta dùng 5 giác quan để cảm nhận thế giới, nhưng kỳ thực những gì cảm nhận được đều có giới hạn. Ảnh: Pencil Images

Một bài báo xuất bản ngày 17/5/2002 trên tạp chí khoa học Science nói rằng một đứa trẻ 6 tháng tuổi có khả năng lớn hơn một đứa trẻ 9 tháng tuổi trong việc phân biệt các khuôn mặt người và động vật. Không chỉ vậy, một đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể phân biệt các ngôn ngữ, trong khi một đứa trẻ 9 tháng tuổi chỉ có thể nhận ra sự khác biệt trong ngôn ngữ của chính mình. Chúng ta đều tin rằng khả năng của chúng ta bắt nguồn từ sự giáo dục sau khi sinh ra, nhưng một số khả năng bẩm sinh thực sự đáng kinh ngạc lại mất dần sau khi sinh.

Trong cả hai nền văn hóa Đông và Tây phương đều có ghi chép lại về những khả năng thần kỳ (mà giới khoa học gọi là siêu năng lực) của con người. Ngày nay, những điều này được coi là thần thoại. Tuy nhiên, cũng như cách những khả năng đáng kinh ngạc của một đứa bé 6 tháng tuổi bị mất đi sau khi nó lớn đến 9 tháng tuổi, những siêu năng lực này rất có thể cũng thật sự tồn tại, nhưng chẳng may bị thoái hóa sau khi người ta lớn lên.

Bởi vì chúng ta đều có một đôi mắt thịt và một bộ não đóng vai trò định hình trước thế giới này của chúng ta dựa trên các quan niệm, mô thức hay quy luật sẵn có nào đó, nên chúng ta không thể thấy được chân tướng thực sự của thế giới này. Trở về với bản ngã thực sự ( phản bổn quy chân ) chính là con đường giúp chúng ta hiểu được những bí ẩn của cuộc sống.

Thanh Hải (theo Pure Insight)

Exit mobile version