Đứng trước hiện tượng hiệu ứng nhà kính và ảnh hưởng của nó đối với khí hậu toàn cầu và cuộc sống con người, các nhà khoa học đã khởi phát nhiều công trình nghiên cứu nhằm giảm thiểu lượng khí thải CO2. Và một trong những công trình ứng dụng công nghệ hiện đại độc đáo, thu hút được sự chú ý của giới khoa học toàn cầu hiện nay là sản phẩm cây nhân tạo (synthetic tree) của các nhà khoa học Mỹ.
Chúng ta đều biết nguyên nhân gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính là do sự gia tăng của lượng khí thải cacbonic (CO2) mà sinh hoạt và hoạt động của con người tạo ra. Để cải thiện tình hình, vấn đề đặt ra đối với các nhà khoa học là làm sao để giảm xuống thấp nhất lượng khí CO2 thải ra môi trường, song song với việc tăng lượng khí ôxy (O2) trong không khí.
Khởi phát từ nhu cầu này, các nhà khoa học từ Đại học Columbia (Mỹ) đã nảy ra một ý tưởng táo bạo – tạo ra những rừng cây nhân tạo với năng suất hấp thụ khí CO2 cao. Ý tưởng này được đánh giá là táo bạo, bởi vì việc biến nó trở thành hiện thực là một điều không hề đơn giản. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là một công trình nằm ngoài tầm với của con người. Tuy nhiên, ý tưởng này đã được Bộ Năng lượng Mỹ để ý đến do tính thiết thực đối với cuộc sống con người và môi trường xung quanh, và nó đã được giới khoa học nước này tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và tiềm năng ứng dụng đại trà.
Hỏi: Làm thế nào những cái cây nhân tạo này có thể giúp giảm thiểu lượng khí CO2 [trong môi trường]?
Trả lời: Đại học Columbia (Mỹ) đã phát triển thành công một mẫu cây nhân tạo thử nghiệm với hiệu suất hấp thụ lượng khí CO2 gấp 1.000 lần một cái cây bình thường.
Các lá cây trông giống các tấm giấy nhựa và được phủ một lớp nhựa thông, mà trong thành phần của nó chứa muối Natri cacbonat, vốn có khả năng lọc khí CO2 ra khỏi bầu không khí và lưu giữ nó trên lá cây dưới dạng muối nở (natri hidrocacbonat –NaHCO3). Để loại bỏ khí CO2, các lá cây sẽ được hơi nước “gột rửa” NAHCO3 và có thể khô tự nhiên trong gió, từ đó tiếp tục hấp thụ nhiều khí CO2 hơn.
Hai nhà khoa học đằng sau ý tưởng này là TS Klaus Lackner và Allen Wright từ Viện Trái đất trực thuộc Đại học Columbia. Theo tính toán của họ, cây nhân tạo có thể loại bỏ một tấn khí CO2 mỗi ngày.
Một chục triệu những cái cây như vậy có thể loại bỏ 3,6 tỷ tấn khí CO2 mỗi năm – bằng khoảng 10% lượng phát thải khí CO2 trên toàn cầu.
Nếu những cái cây này được sản xuất đại trà, thì lúc ban đầu mỗi cái sẽ tốn khoảng 20.000 USD (sau đó sẽ giảm xuống khi chi phí cố định được chia nhỏ hơn cho mỗi sản phẩm), chỉ thấp hơn một chút so với giá của một chiếc xe gia đình trung bình ở Mỹ. Lượng khí CO2 trong quá trình có thể được làm lạnh và tích trữ; tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học lo lắng rằng ngay cả nếu chúng ta thật sự loại bỏ tất cả lượng khí CO2, thì vẫn sẽ không có đủ không gian để lưu giữ chúng một cách an toàn trong các tầng ngậm nước mặn hay giếng dầu. Nhưng các nhà địa chất học đang cố gắng tìm ra những giải pháp thay thế.
Lấy ví dụ, đá mácma peridotite, vốn là một hỗn hợp đá serpentine và olivine, là một loại đá hấp thụ khí CO2 tuyệt vời, khi lưu trữ lượng khí được hấp thụ dưới dạng khoáng chất Magiê cacbonat bền vững. Một phương án khác là các vách đá bazan, vốn chứa các lỗ – các bong bóng khí đông đặc trên thành hệ đá bazan tạo thành từ các dòng dung nham núi lửa từ hàng triệu năm về trước. Bơm khí CO2 vào những bong bóng cổ đại này và chúng sẽ phản ứng để tạo thành đá vôi bền vững – canxi cacbonat (CaCO3).
Tác giả: Message to Eagle.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: