Đại Kỷ Nguyên

Cha đẻ ngành ‘Khoa học nghiên cứu về sự trùng hợp’ chia sẻ những trải nghiệm kỳ lạ

Cha đẻ ngành ‘Khoa học nghiên cứu về sự trùng hợp’ chia sẻ những trải nghiệm kỳ lạ

Ảnh minh họa

Những sự trùng hợp kỳ lạ trong cuộc sống có phải chỉ là những hiện tượng ngẫu nhiên, hay có một cơ chế trật tự nào đó đằng sau? Tiến sĩ Beitman, một chuyên gia nghiên cứu các hiện tượng trùng hợp, sẽ cung cấp cho chúng ta câu trả lời.

“Hiểu được bản chất của những sự kiện trùng hợp kỳ lạ – còn gọi là hiện tượng “đồng phương tương tính” trong tâm lý học, có thể mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển cá nhân, như giúp bạn tìm được một người bạn tâm tình, tìm được cơ hội việc làm hay thậm chí những chú chó con thất lạc, theo cha đẻ của ngành Khoa học nghiên cứu về hiện tượng trùng hợp, tiến sĩ Bernard Beitman, một bác sĩ tâm thần học người Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng tin rằng việc này đòi hỏi một sự nghiên cứu có tính hệ thống.

Tiến sĩ Bernard Beitman, bác sĩ tâm thần học người Mỹ, cho biết: “Suy nghĩ và cảm xúc có tác động lớn đến chúng ta nhiều hơn so với những gì chúng ta tưởng”. Thông qua nghiên cứu về hiện tượng trùng hợp, ông phát hiện ra rằng “Tất cả chúng ta là một”. (Ảnh: Dajiyuan)

Tiến sĩ Bernard Beitman là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia. Ông đã theo học Khoa Y dược thuộc trường Đại học Yale và được nhận vào Khoa Tâm thần học tại Đại học Missouri-Columbia sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú khoa tâm thần học của Đại học Stanford. Chính sự trùng hợp xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đã kích thích tính hiếu kỳ của một nhà khoa học trong ông.

“Những sự trùng hợp này giống như những chốn xa lạ, tôi không biết mình đang ở đâu nữa”, ông nói.

Giống như tất cả những người tiên phong trong các lĩnh vực khác, ông cũng muốn có được thành công trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Tiến sĩ Bernard Beitman đang thực hiện một nghiên cứu liên ngành về “hiện tượng trùng hợp”. Trên thế giới chỉ có một số ít người đang nghiên cứu lĩnh vực này, và ông đang kêu gọi thêm các đồng nghiệp tham gia, với hy vọng một ngày nào đó sẽ có nhiều người hơn nữa trong ngành.

Cuốn sách Connecting with Coincidence (Tạm dịch: Kết nối với sự trùng hợp) của Tiến sĩ Beitman. (Ảnh: Youtube)

“Tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất tôi rút ra được từ nghiên cứu của mình là, quan niệm của một người sẽ chi phối phản ứng và nhận thức của họ về vấn đề này”.

Lấy ví dụ, một số người nghĩ rằng sự trùng hợp có thể được giải thích bằng xác suất, trong khi những người khác cho rằng đây chỉ là vấn đề của niềm tin. Tiến sĩ Bernard Beitman đang cố gắng khám phá ra giá trị khoa học của hiện tượng trùng hợp và khiến nó mang lại lợi ích cho cuộc sống.

Bước đầu tiên trong việc xây dựng một chuyên ngành nghiên cứu về hiện tượng trùng hợp là định nghĩa khái niệm bí ẩn này: Thế nào là một sự trùng hợp? Dựa trên khái niệm “đồng phương tương tính” của nhà tâm lý học Carl Jung, BS Bernard Beitman đã đưa ra một số định nghĩa mới và phân chia các hiện tượng trùng hợp thành các phân loại sau:

1. Đồng phương tương tính: Sự trùng hợp về tâm lý và tương tác giữa các cá nhân

(Ảnh: dkn.tv)

“Đồng phương tương tính” có nghĩa đen là “đồng bộ về thời gian”. Trong một số bài viết, Bernard Beitman đã mô tả loại hiện tượng này như sau, “những suy nghĩ trong tâm tưởng và những sự kiện xảy ra bên ngoài liên hệ với nhau một cách kỳ lạ, tuy nhiên lại không có mối quan hệ nhân quả rõ ràng nào ở bề mặt”. Lấy ví dụ, bạn tự nhiên nghĩ đến giáo viên hồi lớp bốn của mình mà bạn đã không gặp trong suốt 20 năm qua, rồi trong cùng ngày hôm đó, bạn đột nhiên gặp lại cô ấy trong siêu thị.

2. Hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên: Sự trùng hợp trong hành vi

Về cơ bản, trường hợp này xảy ra khi bạn cần đến thứ gì đó, nhưng lại không biết làm sao để tìm được nó, và rồi ngẫu nhiên bạn thấy nó xuất hiện.

3. Hiện tượng trùng hợp nối tiếp: Một chuỗi các sự kiện tương tự

Tiến sĩ Beitman giải thích rằng:

“Hiện tượng trùng hợp nối tiếp khác với hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên và đồng phương tương tính ở chỗ nó là một chuỗi các sự kiện trong thế giới khách quan mà tâm trí lưu ý và ghi nhận được. Khác với hiện tượng đồng phương tương tính, hiện tượng không có yếu tố chủ quan đặc biệt. Những sự kiện trùng hợp nối tiếp về lý thuyết có thể được xác nhận bởi bất cứ ai”.

TS: Beitman. (Ảnh: The Epoch Times)

4. Đồng thấu cảm: Cảm nhận được nỗi đau của người khác từ khoảng cách xa

Đây thực ra là một phân mục của “các sự kiện đồng phương tương tính”, trong đó một người có thể trải nghiệm và nhận thức được nỗi đau của người khác từ khoảng cách xa, chủ yếu là ở những cặp song sinh có ngoại hình tương đồng và có tính cách hướng ngoại, nhưng đôi lúc cũng xảy ra giữa những người trong họ hàng với nhau. Đồng thấu cảm ở đây không phải ám chỉ đến lòng trắc ẩn giữa người với người, mà trong loại trải nghiệm này, đối tượng trải qua nỗi đau mà không hề biết rằng người họ hàng ở xa cách kia cũng đang trải qua nỗi đau tương tự vào cùng một thời điểm.

Em gái Debbie Gisonni, một tác giả người Mỹ, đã tự tử nhiều năm về trước. Debbie đã mô tả về cảm xúc của chính em gái mình trong cuốn sách “Vita’s Will: Real Life Lessons about Life, Death & Moving On” (Tạm dịch: Ý chí của Vita: Bài học thực tế về cuộc sống, cái chết và việc bước tiếp) như sau:

“Vào buổi tối ngày chị gái tôi tự tử, tôi đột nhiên cảm thấy lo lắng và hồi hộp chưa từng thấy trước đây, nhưng tôi không biết tại sao. Dường như trên người tôi có vô số con kiến ​​đang bò vậy”.

Sau khi nghe tin dữ về cái chết của em gái mình, “Tôi và người chị cả, Angela đã cùng trao đổi về vấn đề này. Chị cả nói rằng vào thời điểm đó chị ấy cũng có cảm giác y như vậy. Chị ấy lên giường đi ngủ vào khoảng 10:30, nhưng không ngủ được vì cảm thấy vô cùng bất an và khó thở. Chị ấy đã bật TV lên để cố đánh lạc hướng sự chú ý của mình. Rồi điện thoại reo lên …. “

Debbie Gisonni, một tác giả người Mỹ, đã mô tả trạng thái thấu cảm cô em gái vào thời khắc tự tử trong trong cuốn tự truyện. (Ảnh: Gibson Gisenyi)

Có một lần, Tiến sĩ Bernard Beitman đột nhiên cảm thấy ngạt thở không rõ nguyên nhân. Sau này ông biết được, vào thời điểm đó, cha ông, ở cách đó hơn 3.000 km, cũng đang bị nghẹn trên giường bệnh. Hồi tưởng lại trải nghiệm này, ông nói: “Suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta có tác động đến nhau nhiều hơn chúng ta tưởng”. Thông qua nghiên cứu về sự trùng hợp, ông đã nhận ra rằng “Tất cả chúng ta đều là một”.

Minh họa hiện tượng đồng thấu cảm. (Ảnh: dkn.tv)

5. Sự trùng hợp thực tế: Đáp ứng nhu cầu

Loại trùng hợp này được phân thành hai loại. Một trong số đó sẽ mang lại một sự thay đổi về mặt tâm lý. Ví dụ, một người phụ nữ đã hứa sẽ cho phép chồng mình quay trở lại chung sống. Anh ta trước đây là một kẻ vũ phu, quen thói “bạo lực gia đình”. Tuy nhiên khi đang đang đợi chồng ở sảnh đón khách ở sân bay, cô đã nhận được một cuộc gọi nhầm máy. Ở đầu dây bên kia là một phụ nữ trẻ cũng đang phải chịu đựng “bạo lực gia đình” từ người bạn trai của mình. Hai người trao đổi ngắn gọn một lúc với nhau. Người phụ nữ này sau đó nói với TS Bernard Beitman rằng:

“Giọng nói của người phụ nữ kỳ lạ này khiến tôi hiểu rằng việc quay lại sống với chồng là sai lầm. Khi tôi thấy anh ta ở sân bay, tôi đã nói với anh ta rằng tôi đã thay đổi suy nghĩ. Anh ta sẽ không thể tiếp tục chung sống với tôi”.

Một sự trùng hợp thực tế khác. Trong trường hợp này Bernard Beitman đã trích dẫn ví dụ của nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung. Là một nhà tâm lý học, Jung sẽ ngẫu nhiên sử dụng bất cứ biện pháp vào tương ứng với phản ứng tâm lý của bệnh nhân, nhằm mục đích phá tan chướng ngại tâm lý của người bệnh, từ đó khiến quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn. Một người phụ nữ từng mô tả với Jung rằng cô ấy mơ thấy thứ gì đó giống như một con bọ hung vào đêm hôm trước. Thật không thể tin được khi Jung mở cửa sổ ra trong lúc trò chuyện, ông đã bắt gặp một con bọ hung đang bay đến bệ cửa sổ.

Một người phụ nữ mô tả cô ấy mơ thấy thứ gì đó giống như một con bọ hung vào đêm hôm trước. Rồi Jung mở cửa sổ phòng khám và tình cờ bắt gặp một con bọ hung. (Ảnh: Chrumps / CC BY-SA)

Câu chuyện về chú cún con Snapper và cậu sinh viên của TS Beitman

Một sự trùng hợp khác đã truyền cảm hứng cho Tiến sĩ Beitman xảy ra vào thời niên thiếu. Chú cún con của ông, Snapper, lúc đó đã bị đi lạc vài giờ đồng hồ. Cậu bé Beitman đã cưỡi ngựa đến đồn cảnh sát để hỏi xem liệu có ai nhìn thấy con chó của cậu hay không, và sau đó cậu đã khóc. Sau đó cậu ta lái xe đi nhầm đường. Sau khi đi được một lúc, cậu thấy Snapper đang chạy về phía mình, giống như nó đang cố tình chờ đợi chủ nhân ở đây. “Tôi chắc chắn rằng lúc đó nó đang muốn nói với tôi, ‘Ông chủ định đi đâu vậy?’.

Bác sĩ Beitman cười nói: “Khi bạn đi lạc, chuyện này nhiều khả năng sẽ xảy ra”. Ông thậm chí còn suy đoán rằng có một loại công cụ “tích hợp sẵn” trong các loài sinh vật sống, tương tự hệ thống định vị GPS, có thể giúp chúng ta tìm thấy những gì chúng ta cần một cách vô thức.

Ông trích dẫn trường hợp một cậu sinh viên của ông như một ví dụ. Sinh viên của ông đang tìm kiếm một công việc trong vai trò trợ lý nghiên cứu trong ngành nhân chủng học văn hóa, nhưng thật khó để tìm được mối làm. Việc này chẳng khác gì tìm kim trong đống rơm vậy. Một lần nọ anh ta tham gia một cuộc chạy marathon. Lúc đó mẹ anh đang nói chuyện với những người xung quanh khi đứng xem cuộc đua trên vỉa hè. Một người đứng đó tình cờ lại đang muốn thuê một trợ lý nghiên cứu cho lĩnh vực này. Kết quả này thật là một bất ngờ lớn.

(Ảnh: YouTube)

Tiến sĩ Bernard Beitman nói: “Tôi nghĩ người mẹ này lúc đó đang kết nối với ‘hệ thống GPS’ của bà”. Nghiên cứu cũng cho thấy có các tế bào hồi hải mã trên bộ não chuột sẽ hoạt động tích cực mỗi khi chúng bị nhốt trong chuồng, có chức năng định vị vị trí. Tuy nhiên điều này vẫn không thể giải thích được cho “chức năng điều hướng” vô hình ở người.

Các nghiên cứu về sự trùng hợp có tính đến các yếu tố xác suất, tâm lý và niềm tin, nhưng rất khó để xác định lý do cho sự trùng hợp. Tuy nhiên, tiến sĩ Beitman nhận thấy rằng việc thường xuyên chủ động tìm kiếm nơi trực giác có thể làm gia tăng xác suất bắt gặp sự trùng hợp. Để giúp người đọc hiểu rõ hơn ý này, ông đã hài hước trích dẫn một câu tục ngữ của Tây Ban Nha: “Con chó con chỉ chạy loanh quanh rồi rốt cục cũng sẽ tìm thấy xương để gặm”.

Theo Dajiyuan
Linh Khánh biên dịch

Video: Trùng hợp ngẫu nhiên hay số phận sắp đặt

Exit mobile version