Khi thấy một đốm màu xanh nhạt xuất hiện trên bề mặt của ổ bánh mì bạn vừa mua hôm qua, bạn phải xử lý ra sao? Nhiều người tin rằng, có thể cắt bỏ phần mốc đi và ăn phần còn lại để tránh lãng phí thức ăn. Những chia sẻ dưới đây của các nhà khoa học có thể giúp bạn có cách xử lý đúng đắn hơn khi thực phẩm nhà mình không may bị mốc.

Mốc không chỉ là những gì bạn thấy

Mốc là một loại nấm có cấu trúc đa bào, hình sợi.

Khi mốc phát triển trên thực phẩm, mắt người có thể nhìn thấy được, và nó cũng làm biến đổi vẻ ngoài của thực phẩm. Thực phẩm có thể trở nên mềm và thay đổi màu sắc.

Nấm mốc sản sinh ra các bào tử có màu sắc riêng của nó, thường là xanh, trắng, đen hoặc xám. Thực phẩm bị mốc cũng có vị khác biệt, có chút giống như vị đất ướt, và mùi khá khó chịu.

Nấm mốc sản sinh ra các bào tử có màu sắc riêng của nó, thường là xanh, trắng, đen hoặc xám. (Ảnh: Los Alamos National Lab)

Mốc mà chúng ta nhìn thấy trên bề mặt, thì rễ của nó có thể còn nằm sâu trong thực phẩm. Mốc cần chất hữu cơ ẩm và môi trường ấm để phát triển, vì vậy thực phẩm thường là môi trường hoàn hảo cho chúng.

Mục đích chính của các kỹ thuật bảo quản thực phẩm thông thường, ví dụ như ngâm muối, đông lạnh hoặc sấy khô, là nhằm ngăn chặn sự sinh trưởng của mốc, cũng như các vi khuẩn có thể khiến thực phẩm hư hỏng.

Phải làm gì với ổ bánh mì bị mốc?

Marianne Gravely, một chuyên gia thông tin kỹ thuật cao cấp của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích cắt phần mốc ra khỏi bánh mì rồi ăn phần còn lại, bởi vì nó là một loại thực phẩm mềm. Với thực phẩm mềm, rễ của nấm mốc (sợi nấm) sẽ rất dễ dàng xâm nhập vào sâu trong thực phẩm”.

Về cơ bản, rễ của bào tử nấm mốc thâm nhập sâu hơn vào trong bánh mì hơn là những gì mắt chúng ta có thể nhìn thấy.

Bánh mì không phải là thực phẩm duy nhất mà bạn không nên cắt bỏ phần bị mốc và ăn phần còn lại. Mứt, hoa quả mềm và thịt cũng nên vứt bỏ nếu mốc xuất hiện trên bất kỳ phần nào của chúng. Nói chung, nếu bạn thấy mốc xuất hiện trong những thực phẩm mềm, thì bạn nên quẳng chúng đi.

Mứt, hoa quả mềm và thịt (nói chung là những loại thực phẩm mềm) đều nên vứt bỏ nếu mốc xuất hiện trên bất kỳ phần nào của chúng.

Tuy nhiên, cũng có một số tin tốt lành. Những thực phẩm cứng hơn như xúc xích, cà rốt và pho mát cứng có thể được tận dụng bằng cách cắt bỏ phần mốc nhìn thấy được, bởi vì rễ của nó không thể di chuyển nhanh chóng qua những bề mặt cứng này. Để an toàn, Gravely khuyến nghị rằng nên cắt thêm khoảng 3cm xung quanh và bên dưới vùng bị mốc.

Nói chung, bạn nên tránh tối đa việc tiêu thụ những thực phẩm bị mốc, đặc biệt là trong trường hợp bạn bị dị ứng đường hô hấp với nấm mốc. Nhưng bạn cũng đừng lo lắng quá, vì đôi khi chúng ta vô tình ăn phải nấm mốc cũng sẽ không gây ra bất kỳ tác hại nghiêm trọng nào.

Video:

Ngọc Thuần