Việt Nam có thể trở thành tâm điểm tiếp theo trong lĩnh vực sản xuất điện tử tiêu dùng khi các hãng công nghệ lớn chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Các đại gia công nghệ chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Tại sao điều này lại xảy ra? Khi tổng thống Trump đang để tầm mắt rất chặt vào Trung Quốc, có vẻ như cuộc chiến thương mại sẽ mang đến một cơ hội tuyệt vời cho các nước nhỏ như Việt Nam nổi lên như một trung tâm công nghệ mới ở Châu Á. Ngày nay Ấn Độ có vẻ là một người chiến thắng, nhưng cách điều hành của nó có vẻ như đang chống lại mục tiêu này, từ đó mang đến cơ hội cho các nước nhỏ hơn ở phương Đông, Tech Spot cho hay.
Chuyện các nhà sản xuất công nghệ lớn đang thi nhau chuyển rời sản xuất ra khỏi Trung Quốc không còn là điều bí mật. Lấy ví dụ, các nhà sản xuất máy tính như Microsoft, Dell, Lenovo và HP, các nhà sản xuất máy chơi game như Nintendo và Sony , hay Amazon với máy tính bảng Kindle và loa thông minh Echo, Google, Samsung và Apple với các dòng máy tính bảng và điện thoại của họ.
Trong một khoảng thời gian, Ấn Độ có vẻ như sẽ giành được một miếng bánh lớn, khi Apple ký hợp đồng với Foxconn, Pegatron và Wistron để sản xuất dòng iPhone cấp thấp hơn (như iPhone 5C) và Samsung mở cơ sở sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới tại Việt Nam
Các nhà sản xuất cũng đã để mắt đến các nước khác như Indonesia, Thái Lan nhưng quan trọng nhất vẫn là Việt Nam. Theo tờ New York Times, các nhà sản xuất trong nước đang đàm phán với các đại gia công nghệ này để tìm cách tăng quy mô công suất của họ.
Khó khăn và thách thức
Thách thức chủ yếu xoay quanh giá nguyên vật liệu vì đa số đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ví dụ như nhựa, tại Việt Nam có giá đắt hơn từ 5 đến 10% bởi cho đến nay vẫn chưa có động lực để các nhà cung cấp bản địa sản xuất thêm mặt hàng này.
Nhiều người cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ có những tác động lâu dài khiến các nhà sản xuất dần dần chuyển dịch hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Cùng với việc Việt Nam đang nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng và ký kết các thỏa thuận thương mại với EU, chúng ta có thể hiểu tại sao các nhà sản xuất công nghệ lớn lại muốn chuyển dịch đến nơi này.
Có nhiều lý do để cho rằng chiếc iPhone tiếp theo sẽ được lắp ráp tại Việt Nam, và điều đáng lưu ý nhất là Foxconn (nhà lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple) đã mua một mảnh đất để xây dựng nhà máy tại nước này. Apple có lẽ sẽ không có khả năng sớm dịch chuyển tất cả quy trình sản xuất, nhưng đây là một tín hiệu cho thấy sự bão hòa tại thị trường Trung Quốc.
Samsung – đối thủ lớn nhất của Apple – hiện đang sản xuất một nửa số điện thoại và phụ kiện được bán trên toàn thế giới của nó tại Việt Nam, sử dụng 100.000 người. Thương vụ này chiếm hơn 70 tỷ đô la doanh thu, điều này đã thuyết phục một số hãng sản xuất khác của Hàn Quốc cũng đặt nhà máy của họ tại đây.