Đại Kỷ Nguyên

Cho nhân viên nghỉ 3 ngày cuối tuần, Microsoft Nhật Bản tăng năng suất lên 40%

Cho nhân viên nghỉ 3 ngày cuối tuần, Microsoft Nhật Bản tăng năng suất lên 40%

(Ảnh: newscabal)

Microsoft Nhật Bản vừa công bố kết quả chương trình thí điểm tuần làm việc 4 ngày, ghi nhận năng suất gia tăng lên gần 40% – một phần nhờ vào các cuộc họp cô đọng, nhưng hiệu quả hơn trước.

Mashable cho hay, tháng 8 vừa rồi, Microsoft Nhật Bản đã thử nghiệm một tuần làm việc 4 ngày cho toàn bộ nhân viên của hãng, trong một dự án gọi là “Thách thức Lựa chọn Công việc – Cuộc sống mùa hè năm 2019”. Khoảng 2300 nhân viên đã được nghỉ phép vào 5 ngày thứ 6 trong một tháng, mà không bị giảm lương cũng như giảm số ngày trong phép nghỉ thường niên [1].

(Ảnh: Mashable India)

Ngoài ra, theo tờ The Mainichi , Microsoft Nhật Bản cũng có kế hoạch trợ cấp cho các kỳ nghỉ gia đình của nhân viên hoặc chi phí đào tạo kỹ năng mới lên tới 100.000 Yên (khoảng 914 USD).

“Làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, nghỉ ngơi tốt và học hỏi được rất nhiều. Cần có một môi trường cho phép bạn cảm nhận được mục đích của mình trong cuộc sống và tạo ra một hiệu quả lớn hơn trong công việc”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Microsoft Nhật Bản ông Takuya Hirano nhận định. “Tôi muốn nhân viên suy nghĩ xem làm thế nào họ có thể đạt được kết quả tương tự với thời gian làm việc ít hơn 20%”.

Theo báo cáo của Nikkei xTECH , chương trình thí điểm tuần 3 ngày nghỉ cuối tuần của Microsoft Nhật Bản đã giúp gia tăng năng suất đáng kinh ngạc lên đến 39,9%. Một phần nguyên nhân là do thời lượng làm việc trong tuần ngắn hơn đồng nghĩa nhân viên phải sử dụng thời gian của họ tiết kiệm và hiệu quả hơn. Lấy ví dụ, nhiều cuộc họp đã được rút ngắn, cắt giảm hoặc tiến hành qua mạng để giảm thiểu việc đi lại.

Các nhân viên đã rút gọn 25,4% lượng thời gian làm việc trong tuần thử nghiệm, nhưng lợi ích không dừng lại ở đó. Vì các văn phòng của Microsoft Nhật Bản bị bỏ trống thêm 5 ngày trong tháng thử nghiệm, nên việc tiêu thụ điện năng cũng giảm xuống 23,1%. Nhân viên cũng phải in tài liệu ít hơn 58,7%, đồng nghĩa một tuần làm việc rút gọn có thể mang lại lợi ích cho cả nhân viên và môi trường công sở.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Microsoft Nhật Bản ông Takuya Hirano trao đổi về thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày trong cuộc phỏng vấn với tờ the Mainichi tại Tokyo ngày 22/4/2019 (ảnh:Akane Imamura/The Mainichi).

Các nhân viên trong các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cũng chia sẻ rằng rất khó để có thể thư giãn nghỉ ngơi vào thứ Sáu trong khi phần còn lại của thế giới vẫn đang làm việc. Nhưng nhìn chung một ngày nghỉ bổ sung vẫn là một thắng lợi lớn, khi 92,1% nhân viên cho biết họ thích một tuần làm việc ngắn hơn. 

Đây không phải lần đầu tiên một chương trình kiểu này được thực hiện. Công ty Perpetual Guardian của New Zealand đã chuyển hẳn sang cơ chế tuần làm việc 4 ngày vào năm 2018, sau một kỳ thử nghiệm kéo dài 2 tháng thành công với năng suất được báo cáo gia tăng 20%. Các nhân viên công ty cũng báo cáo một sự cải thiện đáng kể trong việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc , và tương tự Microsoft Nhật Bản, hóa đơn tiền điện đã giảm thiểu đáng kể và các cuộc họp dài hơi đã được rút ngắn.

Nhiều công ty trên khắp thế giới cũng đã t iến hành các thử nghiệm tương tự và cho ra các kết quả thuận lợi, với một báo cáo vào năm 2018 của Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết thời gian làm việc rút ngắn thường dẫn đến năng suất làm việc cao hơn. 

Tuần làm việc rút gọn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây, với sự hoan nghênh từ các công đoàn lao động . Tuy nhiên, tuần làm việc 4 ngày cũng đi kèm những thách thức mới, ví như đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng và đảm bảo lợi thế cạnh tranh . Một số doanh nghiệp đã quản lý điều này bằng cách cho nghỉ một nửa ngày thứ 2 và một nửa ngày thứ 6.

Microsoft Nhật Bản dự kiến lặp lại thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày vào mùa hè năm sau, đồng thời cân nhắc mở rộng sang các thời điểm khác. 

Chú thích:

[1] Phép nghỉ thường niên (annual leave) là những ngày nghỉ phép có lương mà tất cả người đi làm đều được hưởng sau mỗi trọn năm làm việc (nguồn saga).

Exit mobile version