Đại Kỷ Nguyên

Chôn vùi theo thời gian: Trường thành tại bang Texas, Mỹ có thể thay đổi lịch sử

Các vết rạn trên bức tường thách đố vốn hiểu biết của các nhà khoa học (Ảnh: Rockwall, Texas)

Oopart (đồ tạo tác lạc chỗ – out of place artifact) là một thuật ngữ ám chỉ hiện vật thời tiền sử được tìm thấy tại nhiều nơi trên khắp thế giới, dường như cho thấy một trình độ tiến bộ công nghệ không tương xứng với thời đại chúng được tạo ra. Những oopart thường làm nản lòng các nhà khoa học truyền thống, kích thích những nhà nghiên cứu ưa mạo hiểm đi tìm các lý thuyết thay thế và châm ngòi cho các cuộc tranh luận.

Thông thường, khi nhắc đến từ “Trường Thành”, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, bang Texas (Mỹ) cũng sở hữu một bức Trường Thành của riêng mình với chiều rộng ước tính khoảng 5,6 km và chiều dài khoảng 9 km. Quy mô của nó khá nhỏ so với chiều dài của Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Tuy vậy, tọa lạc tại độ cao ít nhất 12m so với mặt đất, trường thành bang Texas chắc chắn là một thành quả to lớn cho bất kể ai đã xây dựng lên nó – nếu đây là một công trình nhân tạo.

Ảnh chụp một phần bức tường được phát hiện tại thị trấn Rockwall, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: Sott)

Năm 1852, ba người nông dân đã phát hiện ra bức tường thành này khi đang đào một giếng nước. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, bức tường thành Texas vẫn không nhận được nhiều sự quan tâm của giới khoa học và khảo cổ học. John Lindsey, một nhà kiến trúc sư được đào tạo tại Đại học Harvard, cùng nhà địa chất học James Shelton là một trong số ít các khoa học gia từng kêu gọi thúc đẩy việc nghiên cứu các đặc điểm kỳ dị của công trình này.

Từ khi được phát hiện, một phần bức tường đã được khai quật và dường như tổng thể công trình này là một hình chữ nhật lớn, bao bọc một khu vực diện tích đất khoảng 51 km². Thị trấn Rockwall (Bức tường đá), Texas nằm gần đó, và hạt này đã được đặt tên theo bức tường đầy ấn tượng này.

Năm 2013, nhà địa chất phụ trách giám định Scott Wolter cùng Tiến sĩ John Geissman từ Đại học Texas đã phân tích hình dạng của bức tường trong một bộ phim tài liệu trên kênh History Channel. Ông Wolter nói rằng mình chưa từng chứng kiến một điều gì tương tự như vậy trước đây.

Các vết rạn trên bức tường thách đố vốn hiểu biết của các nhà khoa học (Ảnh: thành phố Rockwall, Texas)

Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát, ông Scott Wolter đã đưa ra giả thuyết rằng bức tường này được hình thành trong tự nhiên: “Môi trường địa chất ở đây đã khiến cát lỏng ở sâu bên dưới trào lên trên thông qua các vết nứt trong các mảng đất sét – vốn chồng lên nhau.  Cát lỏng dần dần cứng lại nhờ canxit, rồi trở thành các tảng đá đặc và cứng. Điều khiến chúng tôi kinh ngạc là cách mà các khe nứt hình thành bên trong ‘đá cát kết’ (đá do các các hạt cát kết hợp lại mà thành) khiến nó trông giống hệt như các khối đá trong một bức tường gạch”.  

TS Geissman đã xét nghiệm các hòn đá và phát hiện thấy chúng đều bị nhiễm từ tính theo cùng một cách. Điều này cho thấy chúng đã được hình thành ngay tại đó chứ không phải được vận chuyển từ nơi khác đến. Tuy nhiên, vài người vẫn không cảm thấy bị thuyết phục trước các thí nghiệm đơn nhất trên một show truyền hình và đã yêu cầu tiến hành thêm các nghiên cứu.

Những ký tự trên bức tường thành?

Trong khi rất nhiều nhà địa chất gạt bỏ bức tường này như một công trình hình thành trong tự nhiên, kiến trúc sư Lindsey và nhà địa chất Shelton lại nhận thấy “Trường Thành” Texas mang dáng vẻ của một loại hình thiết kế kiến trúc bao gồm: Một lối đi mái vòm, trụ ốp tường, những khu vực dường như đã được tu sửa tại một số thời điểm, thậm chí một phiến đá được khắc cổ ngữ bên trên.

Tòa án hạt Rockwall nằm trong phạm vi quảng trường thành phố Rockwall, Texas (Ảnh: Larry D. Moore, CC BY-SA 3.0)

Ông Shelton đã viết trong một bài báo có tựa đề: “Lời đề nghị giúp đỡ trong việc tái đánh giá bức tường dị thường Rockwall ở hạt Rockwall, bang Texas”:

“Hệ thống gò đất Rockwall trông rất giống với một công trình xây dựng và nó khác xa với hầu hết những gò cát thông thường, vốn không có những đặc điểm của các phiến đá được xếp xen kẽ vào nhau. Rất nhiều cánh cổng có dầm đỡ, lối đi mái vòm, những phiến đá chân vòm, các đường chỉ hình vòm cung và các ký tự lạ khắc dọc theo bức tường đá đã được phát hiện. Thậm chí chúng tôi còn tìm thấy một hành lang bên trong bức tường, vốn được cho là dẫn tới một căn hầm ngầm hình mái vòm ngay phía dưới quảng trường thành phố ngày nay”.

Năm 2000, tại thời điểm ông Shelton đang viết bài này, ông Lindsey đã đi thương lượng với người sở hữu khu đất, cho phép ông khám phá khu vực chứa di tích nói trên, vốn chưa được tiếp cận từ khi chuyển giao thế kỷ.

Trong quá trình khai quật, Shelton và Lindsey đã phát hiện thấy rất nhiều khe hở có hình vuông trông giống như cửa sổ hoặc các ống dẫn nước.  Một dầm đỡ được khai quật và trục vớt từ một giếng nước năm 1949 có một thứ trông giống như dòng chữ cổ đại được viết bên trên, nằm dọc theo tảng đá. Thú vị hơn, một vật thể trông giống hình đồng xu, được mạ đồng đã được phát hiện bên trong một đống mùn tại một giếng nước. Nó nằm ở độ sâu 38 m, bên trên có vẽ 2 hình người và một dòng chữ cổ ngữ tương tự như dòng chữ ở chiếc dầm đỡ.

“Những vật thể mạ đồng này hiện đang được lưu trữ tại Viện Smithsonian và đã được xác định là có niên đại từ 200.000 đến 400.000 năm trước nhờ nguyên lý chồng chất [1]”, nhà địa chất họcShelton cho biết.

Kết Luận: Nếu trường thành Texas là một công trình nhân tạo (thay vì một công trình được hình thành trong tự nhiên), thì chúng ta sẽ cần phải nhìn nhận lại lịch sử bởi bộ tộc người Mỹ bản địa Caddo vì ở khu vực lân cận chưa từng xây dựng một công trình như vậy, và họ cũng không có khả năng kiến tạo nên nó.

Chú thích của người dịch:

[1] Nguyên lý chồng chất: lớp đá nào nằm dưới cùng có tuổi xưa nhất, lớp đá nào nằm trên cùng có tuổi trẻ nhất.

Tác giả: Paul Darin; Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Thạch Khánh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version