Đại Kỷ Nguyên

Cô bé 12 tuổi “đánh bại” Albert Einstein và Stephen Hawking trong bài kiểm tra IQ “cân não”

Ở độ tuổi 12, cô bé gốc Ấn Độ Rajgauri Pawar có chỉ số IQ cao hơn cả hai nhà bác học thiên tài Albert Einstein và Stephen Hawking.

Điểm chuẩn chung cho các thiên tài được thiết lập ở mức 140 điểm. Rajgauri Pawar đạt 162 điểm, bỏ xa ngưỡng này đến 22 điểm. Điểm số này cao hơn 2 điểm so với nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein và nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking.

(Ảnh: Internet)

Cô bé tên Rajgauri là người gốc Ấn, hiện sống tại hạt Cheshire, Anh. Cô tham dự bài kiểm tra IQ của tổ chức Mensa ở Manchester vào tháng trước. Kết quả cho thấy cô nằm trong top 1% thí sinh đạt mức điểm số tối đa. Cô cũng sở hữu mức IQ cao nhất có thể với người dưới 18 tuổi.

Theo tổ chức Mensa – tổ chức IQ lớn nhất và lâu đời nhất thế giới, Rajgauri là một trong số vỏn vẹn 20.000 người đạt mức điểm số cao như vậy trên toàn cầu.

Trao đổi qua email, cô bé chia sẻ bản thân cảm thấy khá căng thẳng trước giờ kiểm tra. “Nhưng nó diễn ra tốt đẹp và cháu thật sự hài lòng vì mình đã làm tốt. Cháu muốn theo đuổi ngành Y trong tương lai và cũng cảm thấy hứng thú với những lĩnh vực như Vật lý, Thiên văn và Môi trường”, cô bé cho hay. Bơi lội, bóng lưới (một biến thể của bóng rổ) và cờ vua là một trong số những môn thể thao yêu thích của cô.

“Điều này sẽ không thể đạt được nếu không có sự nỗ lực của các thầy cô của cháu và sự hỗ trợ mà con gái tôi  nhận được hàng ngày ở trường”, cha cô, ông Surajkumar Pawar, chia sẻ.

Ngôi trường nơi cô đang theo học, Altrincham Grammar School for Girls, cũng bày tỏ sự vui mừng trước thành tích của Rajgauri.

Andrew Barry, giáo viên toán của co, chia sẻ: “Mọi người đều mừng cho Rajgauri. Em ấy là một học sinh rất được yêu mến và chúng tôi kì vọng những điều lớn lao ở em”.

Cô bé cũng chia sẻ bí quyết chuẩn bị cho bài kiểm tra của mình đó là không đặt nặng các giáo trình học thuật, tập trung hơn vào các bài kiểm tra kĩ năng, đánh giá lý luận phi ngôn ngữ của thí sinh. “Do vậy, nó là một thách thức. Bài kiểm tra như một túi hỗn hợp, dễ dàng ở đầu và khó khăn ở cuối. Khó khăn chính là phải hoàn thành bài kiểm tra kịp giờ. Vì vậy, về cơ bản bạn được đánh giá dựa trên cả kỹ năng quản lý thời gian và sự chính xác của các câu trả lời”.

Với điểm số đáng kinh ngạc, cô đã chính thức gia nhập Tổ chức IQ Mensa.

Mensa là một trong những tổ chức “kén chọn” nhất thế giới. Cách duy nhất để gia nhập tổ chức này là đạt điểm số thuộc top 2% trong bài kiểm tra IQ “cân não” của họ. Được thành lập vào năm 1946 tại Oxford bởi Lancelot Lionel Ware và Roland Berrill, sứ mệnh của Tổ chức là “nhận biết và thúc đẩy trí thông minh con người vì lợi ích chung của nhân loại”.

Ngự Yên

Xem thêm:

Exit mobile version