Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Trong những câu chuyện luân hồi, đây có lẽ là một trường hợp khá khác biệt.
Vào những năm 1970, nhà nghiên cứu nổi tiếng về luân hồi Ian Stevenson đã bắt gặp một người phụ nữ có thể nói lưu loát một dạng tiếng Bengal được sử dụng cách đây 150 năm trước.
Tiếng Bengal là nhánh phía đông của các ngôn ngữ Ấn-Arya. Nó hiện đang được sử dụng tại miền đông của Nam Á như Bengal, ngày nay bao gồm Bangladesh, bang Tây Bengal của Ấn Độ, và nhiều phần của các bang Tripura và Assam ở Ấn Độ.
Cô nói thứ tiếng này một cách trôi chảy như thể đã lớn lên ở miền Tây Bengal, một khu vực cô có rất nhiều ký ức, mặc dù cô chưa từng bao giờ sống ở đó trong cuộc đời của mình. Cô sinh ra và lớn lên ở Nagpur, Ấn Độ, nói tiếng Marathi, kèm theo chút ít tiếng Hindi và tiếng Anh.
Khi người phụ nữ này, Uttara Huddar, được 32 tuổi, một nhân cách mới đột nhiên xuất hiện trong cô, và nó tự gọi bản thân là Sharada. Huddar chưa từng đề cập đến việc nhớ lại một kiếp sống trong quá khứ trước thời điểm này. Cô đã có bằng Thạc sĩ tiếng Anh về quản lý công và từng làm một giảng viên bán thời gian tại trường Đại học Nagpur cho tới khi bắt đầu chia sẻ cơ thể của mình với điều có thể gọi là linh hồn ly thể của một người phụ nữ.
Cô nói thứ tiếng này một cách trôi chảy như thể đã lớn lên ở miền Tây Bengal
Sharada, cái nhân cách mới này, không thể giao tiếp bằng bất kỳ loại ngôn ngữ nào Huddar sử dụng. Sharada không nhận ra gia đình bè bạn của Huddar, và cô cũng cảm thấy kinh ngạc trước rất nhiều các thành tựu phát minh của khoa học sau thời Cách mạng Công nghiệp. Gia đình Huddar không biết tiếng Bengal và họ cũng không quen thuộc với các món ăn dân tộc và những thứ khác mà Sharada yêu cầu.
TS Stevenson và các đồng sự nghiên cứu của ông đã dành một vài tuần để điều tra câu chuyện cô kể trong một vài năm qua. Họ đã đến kiểm tra những địa điểm cô nhớ được ở Bengal (một số nằm ở Bangladesh ngày nay). Các miêu tả của cô về khoảng cách giữa các địa điểm, bố cục địa lý… là chính xác với thực tế.
Các miêu tả của cô về khoảng cách giữa các địa điểm, bố cục địa lý… là chính xác với thực tế.
Cô đã cho họ biết tên đầy đủ của các thành viên trong gia đình cô, bao gồm người cha tên Brajanath Chattopaydhaya. Khi TS Stevenson tìm thấy bảng phả hệ của một gia đình họ Chattopaydhaya sống ở khu vực mà Sharada miêu tả là nhà của mình, ông xác nhận được Sharada đã nêu đúng tên và diễn tả chính xác mối quan hệ của cô với 5 trong số các thành viên gia đình, bao gồm người cha và ông nội. Những thành viên gia đình này đã sống trong quãng thời gian ở thế kỷ 19 như Sharada miêu tả.
Sharada đã nêu đúng tên và diễn tả chính xác mối quan hệ của cô với 5 trong số các thành viên gia đình, bao gồm người cha và ông nội.
“Bảng phả hệ này độc chỉ có thành viên nam. Vì không có tên phụ nữ nào xuất hiện trên đó, nên chúng tôi không thể kết luận rằng chúng tôi đã chứng minh được sự tồn tại của một người nào đó ứng với những tuyên bố của Sharada. Nhưng sự tương thích giữa bảng phả hệ và những tuyên bố của cô về mối quan hệ giữa các thành viên nam trong gia đình dường như vượt quá sự ngẫu nhiên thông thường”, TS Stevenson đã viết trong một bài báo xuất bản trên tạp chí Journal of the American Society for Psychical Research vào tháng 7 năm 1980 với tựa đề “Báo cáo sơ bộ về một trường hợp luân hồi bất thường kiểu Xenoglossy”. Xenoglossy là hiện tượng dị thường trong đó một người có thể nói hoặc viết một thứ ngôn ngữ không quen thuộc.
Khi còn là một đứa trẻ, Huddar có một nỗi ám ảnh sợ hãi rất mạnh đối với loài rắn. Mẹ của cô nói rằng, khi mang thai cô, bà đã nằm mơ thấy chân mình liên tục bị rắn cắn.
Sharada nhớ lại rằng lúc cô mang thai 7 tháng và đang hái hoa thì một con rắn đến cắn vào ngón chân cái của cô. Cô nói rằng cô bị bất tỉnh, mặc dù không nhớ rõ ràng là mình bị chết sau đó. Vào lúc đó, cô được 22 tuổi, và “cô dường như không có chút nhận thức nào về thời gian trôi qua”, TS Stevenson nói.
Mỗi lần Sharada sẽ chiếm hữu thân thể Huddar trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, và gia đình Huddar bắt đầu nhận ra rằng những giai đoạn này có liên hệ với các chu kỳ nhất định của Mặt trăng. Và Huddar cũng không biết gì về hành động của Sharada, từ đó khiến TS Stevenson tin rằng đây có lẽ là một trường hợp nhập hồn hơn là luân hồi.
“Chứng quên mà mỗi nhân cách trải nghiệm đối với sự kiện xảy ra cho người kia, ngay cả khi nó không hoàn thiện, cho thấy hội chứng nhập hồn vượt quá phạm vi của một trường hợp luân hồi thông thường”, ông viết. “Điều này cho thấy Sharada là một nhân cách ly thể. Tức là, cô có những đặc điểm sống của một người thật đã từng sống và qua đời trong những năm đầu của thế kỷ 19, và, sau gần 150 năm sau, đã trở lại để chiếm hữu và điều khiển thân xác của Huddar”.
Ông nói tiếp: “Tuy nhiên, các chi tiết khác cũng giống với cách diễn giải trong trường hợp luân hồi điển hình. Đầu tiên, Uttara sợ rắn khi cô còn nhỏ, và sau đó, cô thể hiện sự thích thú đối với đất nước, ngôn ngữ và con người Bengal”.
Cha cô rất ngưỡng mộ con người Bengal, vì ông cảm thấy những người Bengal đã bảo vệ lãnh thổ trước sự xâm lược của thực dân Anh tốt hơn người Ấn. Ông cũng đã từng tham gia phong trào chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ. Cô có thể đã thừa hưởng sự say mê đối với đất nước Bengal từ người cha của mình. Cô đã từng học một số từ tiếng Bengal ở trung học (dạy bởi một người nào đó không biết nói tiếng Bengal và sử dụng cách phát âm của tiếng Marathi để đánh vần các từ tiếng Bengal).
Nhưng theo TS Stevenson, cô không thể có đủ thời gian tiếp xúc với tiếng Bengal để trở nên thông thạo như vậy, chứ chưa nói đến việc giao tiếp với ngữ điệu và mức độ trôi chảy như một người bản xứ. Cô sử dụng phiên bản tiếng Bengal đã lỗi thời 150 năm, cùng với kiến thức chi tiết về ẩm thực và văn hóa của Bengal. Những điều này cho chúng ta bằng chứng rất thuyết phục.
Tác giả: Tara MacIsaac, Epoch Times
Quý Khải biên dịch