Con dao pha lê cách đây năm nghìn năm được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ ở Tây Ban Nha; Pin Baghdad được khai quật trong một ngôi mộ cổ ở ngoại ô Baghdad, thủ đô Iraq. Ai đã sáng tạo ra chúng?
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp! Trước đây, chúng ta đã kể rất nhiều câu chuyện về các nền văn minh thời tiền sử, chẳng hạn như con người đi bộ với khủng long, dấu chân người cách đây 200 triệu năm, mọi người đều cảm thấy khá mới lạ. Nhưng cũng có bạn nói rằng điều này là quá huyễn hoặc, hàng trăm triệu năm tuổi ư – nó nghe như một câu chuyện cổ tích. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ nói về những văn vật gần gũi hơn với xã hội hiện đại chúng ta: con dao pha lê năm nghìn năm trước, và chiếc pin hai nghìn năm trước.
Con dao pha lê cách đây năm nghìn năm
Con dao găm tuyệt đẹp này được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ ở Valencina de la Concepción, một thị trấn nhỏ ở tây nam Tây Ban Nha, có lịch sử cách đây 5 ngàn năm. Nó trong vắt như pha lê, thập phần tinh mỹ, được phối với tay cầm bằng ngà voi tinh xảo. Nó không có vẻ là một thứ vũ khí, mà giống như một tác phẩm nghệ thuật hơn.
Năm nghìn năm trước, Trung Quốc đang ở thời kỳ Tam hoàng Ngũ đế, các nhà sử học cho rằng đó là thời đại đồ đá mới. Châu Âu vào thời điểm đó cũng tương tự, và con người phổ biến vẫn sử dụng các công cụ bằng đá. Độ cứng của pha lê rất cao, trong giới tự nhiên, độ cứng của pha lê chỉ đứng sau các loại đá quý như kim cương, corundum và topaz, có kết cấu rất giòn, chỉ cần va đập một chút sẽ vỡ, và cực khó mài. Phần dày nhất của con dao găm này chỉ 1.3 cm; nó không chỉ có hình dáng hoàn hảo, hai bên cân đối đều nhau mà còn được mài nhẵn, ngay cả tay cầm bằng ngà voi cũng được gia công cẩn thận, không hề cẩu thả. Có những vũ khí pha lê khác trong lăng mộ, và chúng cũng được gia công rất tinh mỹ. Thực sự khó có thể tưởng tượng con người thời tiền sử đã tạo ra nó bằng các công cụ đá thô sơ như thế nào.
Con dao găm này, xét về phương diện công nghệ và mỹ thuật, đã đạt đến trình độ gia công rất cao, khiến các nhà khảo cổ học vạn phần kinh ngạc. Sau khi nghiên cứu, họ tin rằng trong xã hội thượng lưu lúc bấy giờ, khẳng định phải có một số ít người nắm được công nghệ pha lê phi thường cao siêu, và họ đã dùng rất nhiều thời gian và công sức để tạo tác ra những vật phẩm bằng pha lê này, vì họ tin rằng những viên pha lê chứa đựng năng lượng thần bí, có thể dùng để giao tiếp với tổ tiên và các vị Thần.
Điều này khiến người ta liên tưởng đến nền văn minh cổ đại huyền thoại Atlantis trong truyền thuyết, vì Atlantis cũng là một nền văn minh sùng bái những viên pha lê. Nhưng người ta nói rằng Atlantis đương thời có khoa học công nghệ tiên tiến đến mức họ có thể ngồi phi thuyền không gian mà đi theo ý muốn, khiến người Atlantis dần dần dung dưỡng tâm ngạo mạn, cảm thấy mình không gì không thể làm, và không còn kính ngưỡng Thần nữa – điều này dẫn đến sự suy thoái đạo đức nhanh chóng. Theo nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato, hành vi của họ đã khiến các Thiên Thần tức giận, vì vậy Thần đã giáng hạ động đất và hồng thủy, khiến toàn bộ lục địa Atlantis bị nhấn chìm chỉ sau một đêm. Thời điểm đó là khoảng 10 ngàn năm trước Công nguyên.
Tuy nhiên, một số người đã sống sót, và sau đó họ đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Người ta cho rằng, đằng sau những nền văn minh cổ đại ở Địa Trung Hải, ít nhiều có bóng dáng của Atlantis. Con dao găm pha lê tinh xảo này liệu có phải là kiệt tác của hậu duệ của Atlantis? Không phải là không có khả năng.
Pin Baghdad
Điều tiếp theo tôi muốn giới thiệu với các bạn là Pin Baghdad nổi tiếng. Chiếc pin được khai quật trong một ngôi mộ cổ ở ngoại ô Baghdad, thủ đô của Iraq. Khoảng thời gian lịch sử mà ngôi mộ cổ nằm có thể bắt nguồn từ khoảng năm 250 trước Công nguyên, tức là 2,200 năm trước, vào cuối nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại.
Nền văn minh Lưỡng Hà được coi là nền văn minh sớm nhất của loài người, đề cập đến nền văn minh cổ đại trên đồng bằng Lưỡng Hà giữa hai con sông Euphrates và Tigris ở Trung Đông, đại thể nằm ở Iraq ngày nay. Khu vực này bắt đầu có người định cư từ 10 ngàn năm trước, nhiều nền văn hóa phồn vinh bắt đầu xuất hiện cách đây 9 ngàn năm, và nền văn minh phát triển cao độ cách đây 6 ngàn năm, sau đó nó tiếp tục phồn vinh một mạch cho đến khi bị thay thế bởi nền văn minh Hy Lạp vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Nền văn minh cổ đại này có văn tự riêng, đạt được nhiều thành tựu cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, nghệ thuật, kiến trúc, thiên văn, lịch pháp và y học. Vườn treo Babylon huyền thoại được xây dựng vào thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Lưỡng Hà.
Các nhà khảo cổ đã khai quật được một chiếc hũ gốm miệng rộng cao khoảng 13cm, trông giống như một chiếc bình, màu be, bên trong là một ống đồng làm bằng đồng mỏng, trong ống đồng có một thanh sắt nhỏ. Thanh sắt và ống đồng được ngăn cách bằng một nút bằng cao su, tức là chúng được ly khai với nhau. Đương thời, mọi người đều không thể hình dung được chiếc hũ gốm nhỏ này dùng để làm gì, nhưng dù sao nó cũng được coi là một di tích văn hóa nên được đưa vào Bảo tàng Quốc gia Iraq.
Tuy nhiên, thiết bị kỳ lạ trong bụng chiếc hũ gốm nhỏ này đã thu hút sự chú ý của nhà khảo cổ học người Đức Wilhelm König, người đang làm việc trong bảo tàng vào thời điểm đó. Sau một số nghiên cứu, ông tin rằng chiếc hũ gốm này là một bình ắc-quy cổ, thanh sắt là điện cực âm và ống đồng là điện cực dương, dòng điện có thể được tạo ra khi đổ vào đó chất lỏng có tính axit hoặc kiềm. Nó dùng để làm gì? Nó có lẽ được sử dụng để mạ vàng. Tại sao ông ấy lại nghĩ như vậy? Vì ông quan sát thấy nhiều đồ bạc khai quật được ở Iraq được phủ một lớp vàng lá cực kỳ mỏng, nên ông nghi ngờ rằng người xưa đã sử dụng nguồn điện tạo ra từ loại ắc-quy này để mạ điện. Sau đó, ông đưa kết quả nghiên cứu của mình vào cuốn sách “Chín năm ở Iraq” (Neun Jahre Irak) xuất bản năm 1940.
Sau khi cuốn sách được xuất bản, nó đã gây chấn động không chỉ trong giới khảo cổ mà còn trong toàn xã hội. Tại sao? Bởi vì bình ắc-quy hiện đại chỉ được phát minh vào năm 1800 bởi nhà vật lý người Ý Alessandro Volta. Cổ nhân cách đây hai nghìn năm đã biết về điện, biết sản xuất ắc-quy cũng như công nghệ mạ điện ư? Đơn giản là không thể tin được.
Phương tiện truyền thông thử nghiệm và chứng thực chiếc bình ắc-quy đáng tin cậy:
Vậy nên những anh hùng cường giả từ khắp nơi đến tìm hiểu xác thực. Nổi tiếng nhất trong số này là cuộc thử nghiệm được tiến hành công khai bởi hai phương tiện truyền thông.
Đầu tiên là chương trình truyền hình của Anh “Arthur C. Clarke’s Mysterious World” (Thế giới bí ẩn của Arthur C. Clarke), chuyên khám phá những bí ẩn chưa được giải đáp trên thế giới, chẳng hạn như nền văn minh tiền sử, UFO, v.v. Trong tập phim được phát sóng vào ngày 18/9/1980, người dẫn chương trình Arthur đã mời nhà khảo cổ học người Đức là Tiến sĩ Arne Eggebrecht, ông là người phụ trách Bảo tàng thành phố Hildesheim ở Đức.
Hôm đó, ông Eggebrecht mang theo một bản sao của chiếc hũ gốm “ắc-quy Baghdad”. Đầu tiên ông nối hai đầu ống đồng và thanh sắt vào một vôn kế có kẹp. Sau đó, ông lấy một chùm nho tươi từ trong túi ra, tán nhuyễn ngay tại chỗ rồi đổ nước nho vào chiếc hũ gốm. Khoảnh khắc chứng kiến điều kỳ diệu đã đến, kim của vôn kế từ từ chuyển sang chỉ 0.5 vôn. Chiếc hũ gốm này quả thực có thể tạo ra điện!
Thí nghiệm tiếp theo thậm chí còn gây sốc hơn. Ông Eggebrecht lấy trong túi ra một sợi dây chuyền bạc nhỏ khác và treo nó lên một sợi dây sắt, hai đầu sợi dây sắt đã được kẹp bởi hai chiếc kẹp. Điều này tạo thành một mạch điện. Sau đó ngâm phần dưới của mặt dây chuyền vào một dung dịch trong. Ông giải thích rằng dung dịch này có chứa vàng xyanua, được dùng để mạ vàng. Vài phút sau, người phụ trách nhặt lên mặt dây chuyền nhỏ, lúc này chỉ có phần dưới ngâm trong dung dịch được mạ một lớp vàng sáng chói. Nó giống như làm phép thuật.
Tên của tập này là “Ancient Wisdom” (Trí tuệ cổ đại). Nếu muốn xem, bạn có thể tìm kiếm video hoàn chỉnh trên Google. Toàn bộ chương trình khoảng 27 phút, và phần pin Baghdad bắt đầu từ 17 phút 30 giây.
Sau đó một chương trình khác là chương trình khoa học nổi tiếng “MythBusters” của kênh Khám phá Mỹ (Discover Channel), thoạt nghe tên thì ai cũng biết, đây là chương trình chuyên chống hàng giả. Trong chương trình ngày 5/3/2005, họ đã chọn pin Baghdad để nhận dạng. Những người làm thí nghiệm rất nghiêm túc, họ đã tự tay làm 10 cái bình bằng đất sét nung, nhét ống đồng và thanh sắt vào trong, bôi nhựa đường lên chúng rồi làm giả 10 cục pin Baghdad. Sau khi đổ nước chanh vào bình và mắc nối tiếp, họ đo được hiệu điện thế 4 vôn. Sau đó, họ đã thử nghiệm chức năng mạ điện huyền thoại và mạ kẽm thành công một đồng xu bằng đồng. Không chỉ vậy, họ còn chứng minh thành công một công dụng khác của pin Baghdad, đó là nó còn có thể dùng trong điều trị bệnh, và tác dụng của châm cứu có thể được nâng cao bằng điện trị liệu.
Kết quả thẩm định cuối cùng của chương trình rằng chiếc hũ gốm chính là một bình ắc-quy.
Bạn cũng có thể tìm kiếm video hoàn chỉnh của tập phim này trên Google. Chỉ cần sử dụng MythBusters 2005 và ‘ancient battery’ làm từ khóa.
Tuy nhiên, mặc dù hiệu suất của bình ắc-quy Baghdad đã được chứng minh hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn luôn có những người nghi ngờ đó là ngụy khoa học. Bởi vì một trong những câu hỏi khó giải nhất là, nếu pin đã được phát minh từ rất lâu rồi, tại sao nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại lại không phát triển thành một xã hội công nghệ cao như chúng ta bây giờ? Bạn thấy đấy, chỉ mới 200 năm kể từ khi ông Volta phát minh ra ắc-quy, bao nhiêu sự thay đổi đã diễn ra trong xã hội này, đơn giản là rung chuyển địa cầu.
Câu hỏi này thực ra không khó trả lời. Hãy suy nghĩ về nó theo cách này. Mặc dù ông Volta là một nhà khoa học, ông cũng là một người Công giáo sùng đạo và đã giữ vững đức tin trong suốt cuộc đời của mình. Ngay cả khi những người khác hoài nghi về tín ngưỡng của ông, ông vẫn đặc biệt đưa ra lời thanh minh, rằng:
“Tôi phát thệ nhân danh Chúa, từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ lung lay tín ngưỡng của mình. Trong tín ngưỡng này, tôi nhận ra ân điển siêu nhiên của Chúa, một sự ban ân thuần khiết.”
Nếu Volta biết rằng cánh cửa công nghệ hiện đại mở ra bởi phát minh nhỏ bé của ông, trong 200 năm qua, nó đã diễn hóa đến sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân, với hơn mười lăm ngàn quả bom hạt nhân dự trữ, đủ để hủy diệt toàn bộ loài người trên Địa cầu; nếu ông biết rằng nhân loại, với sự bang trợ của khoa học, đã đi đến bước từ bỏ tín ngưỡng đối với Thần, thách thức các quy phạm đạo đức, thì liệu ông ấy có nguyện ý công khai phát minh của mình không?
Vào thời cổ đại khi nền văn minh Lưỡng Hà mới bắt đầu nảy mầm, cách nền văn minh Atlantis đã biến mất không quá xa, để lại những bài học giáo huấn đã được truyền từ đời này sang đời khác dưới các loại hình thức truyền thuyết. Phải chăng chính vì thế mà con người thời đó đã không dám đi trên con đường công nghệ cao? Hãy lấy lịch sử làm tấm gương.
Đó là tất cả cho câu chuyện hôm nay. Gốc rễ của các nền văn minh trong lịch sử loài người chúng ta giống như “ly ly nguyên thượng thảo, nhất tuế nhất khô vinh” (tạm hiểu: cỏ mọc từng lớp từng lớp, mỗi lần sinh thành rồi tàn lụi). Chúng ta chắc chắn không phải là nền văn minh đầu tiên xuất hiện trên Địa cầu này, liệu có phải sẽ là nền văn minh cuối cùng? Nó phụ thuộc vào cách chúng ta làm thế nào.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch