Để xử lý tình trạng tràn dầu một cách hiệu quả hơn, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học City College of New York hiện đang thí nghiệm một loại chất lỏng phun sương làm từ phytol, một loại phân tử trong thành phần diệp lục.
Trước đây, để xử lý tình trạng tràn dầu, biện pháp đơn giản, trực quan nhất là ngăn, quây, dồn lượng dầu tràn vào một khu vực, sau đó dùng máy hớt váng dầu hút dầu lên bờ hoặc đốt cháy dầu trên mặt nước (vì dầu có tỷ trọng thấp hơn nước rất nhiều nên không thể hòa tan trong nước). Nhưng, vì quây dầu là một công việc vô cùng khó khăn, vì khó có thể tiến hành toàn diện trên diện rộng, nên có các biện pháp khác là thải ra một lượng chất hóa học nhân tạo xuống nước để phân hủy lượng dầu tràn.
2 phương pháp dùng chất hóa học:
Có hai phương pháp sử dụng chất hóa học phổ biến. Một là phương pháp phân tán. Trong phương pháp này, người ta sẽ tạo sóng để phân tán các chất hóa học được thải xuống nước trên diện rộng. Khi tiếp xúc với dầu, các chất hóa học sẽ phân tách chúng thành các phân tử nhỏ hơn.
Hai là phương pháp quây hóa học. Trong phương pháp này, đội ngũ xử lý sẽ phun một loại hợp chất hóa học xung quanh rìa phạm vi tràn dầu. Khi tiếp xúc với dầu, hợp chất này sẽ làm dầu trở nên cô đặc, qua đó thu hẹp diện tích dầu tràn. Khi độ cô đặc đạt đến một mức độ nhất định, người ta có thể đốt cháy chúng trên mặt nước. Điểm lợi thế so với phương pháp hút dầu tràn và phương pháp phân tán đề cập bên trên là phương pháp này cho phép xử lý toàn bộ lượng dầu tràn trên mặt nước. Tuy nhiên để làm được điều nó, điều kiện cần thiết là khu vực dầu tràn phải lặng sóng để quá trình cô đặc dầu tràn có thể diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là hợp chất hóa học sử dụng để cô đặc dầu, gọi là chất hoạt tính bề mặt xà phòng (soap surfactants), sẽ không phân hủy qua thời gian, nên sẽ vẫn lưu tồn trong hệ sinh thái sau khi dầu bị đốt cháy.
Giải pháp mới
Nhóm nghiên cứu tại trường City College of New York, dẫn đầu bởi nhà hóa học George John và kỹ sư hóa học Charles Maldarelli, đã đưa ra một giải pháp mới. Họ đã phát triển được một hợp chất hóa học có thành phần từ phytol, một loại phân tử trong diệp lục có tác dụng tạo màu xanh của tảo. Đây có thể được coi là biện pháp xử lý dầu tràn không độc hại với môi trường đầu tiên được tìm ra.
“Chúng tôi không muốn thải ra môi trường bất cứ thứ gì có thể làm tình hình trở nên tệ hơn, nên chúng tôi đã quyết định chế tạo các phân tử có nguồn gốc tự nhiên, để chúng có thể tự phân hủy bằng vi sinh vật hoặc vi khuẩn”, ông Maldarelli nói. “Chúng tôi thích thú với ý tưởng sử dụng một loại phân tử dồi dào trong tự nhiên để kháng lại các ảnh hưởng của con người đối với môi trường”.
Trong phòng thí nghiệm của họ ở Manhattan, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên một vùng tràn dầu nhỏ để đánh giá hiệu quả cô đặc dầu của hợp chất tự nhiên này so với các hợp chất hóa học hiện nay. Họ tinh chỉnh hàm lượng hóa học cho đến khi quan sát thấy hiệu quả tương đương với các phiên bản hợp chất hóa hoc. Ông Maldarelli nói rằng họ cần phải xem xét kỹ hai yếu tố: khả năng phân hủy bằng vi sinh vật và vi khuẩn, cũng như mức độ độc hại của hợp chất này, sau đó mới tính đến phương án sản xuất đại trà để tung ra thị trường.
Hợp chất này thích hợp với vùng nước lặng, và có thể được rải xuống bằng máy bay. “Vùng biển Bắc cực thường lặng sóng hơn và có nhiều tảng băng trôi nổi, nên biện pháp này sẽ đạt được hiệu quả cao ở khu vực đó”, ông Maldarelli nói.
Ngày 22/7 vừa qua, tổng thống Mỹ Obama vừa phê duyệt giấy phép khoan dầu của hãng dầu khí Shell ở vùng biển Chukchi, ngoài khơi khu vực phía Bắc Alaska. Năm 2012, hãng này đã gặp sự cố khi lần đầu khoan dầu ở Bắc cực, nên có lẽ chuẩn bị nhiều biện pháp xử lý tràn dầu sẽ là một lợi thế.
Quý Khải biên dịch