Đại Kỷ Nguyên

65% camera giám sát tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng bảo mật

Theo Cục An toàn Thông tin, trong hơn 316.000 camera giám sát tại Việt Nam đã được kết nối công khai trên mạng tính đến cuối năm 2017, khoảng 147.000 camera (65%) tồn tại lỗ hổng bảo mật.

Đây quả là một con số đáng lo ngại khi mà camera giám sát (hay còn gọi là camera an ninh, camera chống trộm) là thiết bị có thể ghi lại rất nhiều thông tin quan trọng. Nó cũng được xếp vào hạng mục các thiết bị kết nối vạn vật IoT.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khoảng 70% thiết bị IoT trên thế giới có nguy cơ bị tấn công mạng. Qua nghiên cứu, Cục An toàn Thông tin tổng hợp được có 2 nguy cơ chính về an toàn thông tin đối với các thiết bị IoT hiện nay, đó là: nguy cơ thiết bị IoT bị truy cập bất hợp pháp, từ đó tin tặc có thể thu thập các dữ liệu hoặc theo dõi chủ sở hữu thiết bị; lợi dụng thiết bị IoT để chiếm quyền điều khiển, từ đó thực hiện các cuộc tấn công mạng hoặc tấn công leo thang.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia bảo mật, mã độc tấn công các thiết bị IoT những năm gần đây tăng đột biến. Thống kê cho thấy, đến hết tháng 12/2017, có khoảng 7.000 loại mã độc, phần mềm độc hại được thiết kế riêng để tấn công các thiết bị IoT mà hơn một nửa trong số đó được phát hiện trong năm 2017.

Qua đó, có thể thấy rõ ràng tấn công thiết bị IoT đang là xu hướng của giới hacker. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác và cẩn thận lựa chọn khi mua sắm các thiết bị IoT, đặc biệt là những thiết bị quan trọng như bộ phát Wi-Fi, camera giám sát, khóa cửa thông minh… vì một khi chúng bị hack sẽ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Việt Đức

Exit mobile version