Bạn có biết hàng triệu tấn rác thải hiện đang trôi nổi khắp các đại dương của chúng ta? Trong đó, ít nhất 20 triệu tấn là những mảnh vụn làm từ chất dẻo khó phân hủy. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn vô cùng lãng phí, bởi loại rác thải này hoàn toàn có thể được tái chế.
Adidas, một công ty nổi tiếng về các sản phẩm giày dép và đồng phục thể thao đã có ý tưởng tuyệt vời: tận dụng rác thải đại dương để tái chế thành giày.
Ý tưởng nghe có vẻ thú vị nhưng cũng thật khó tin; tuy nhiên, với đam mê bảo vệ môi trường biển, Adidas đã phối hợp cùng công ty Parley tại New York để tiến hành nghiên cứu và thực hiện dự án đầy ý nghĩa này.
Họ bắt đầu bằng việc thiết kế một chiếc giày từ rác thải. Toàn bộ phần mềm của chiếc giày được làm từ những mảnh vụn dưới đại dương. Bao bọc bên ngoài là những sợi lưới đánh cá của các tay săn trộm bất hợp pháp.
Và đây, chiếc giày tái chế không chỉ bền, đẹp, thời trang, mà còn tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng.
Cần khoảng 450 năm để một chất dẻo có thể phân hủy hoàn toàn. Thêm vào đó, các chất dẻo này có thể gây tử vong hàng loạt nếu như động vật biển vô tình nuốt phải. Vì vậy, sáng kiến tái chế rác thải đại dương đã mở ra một hy vọng mới góp phần làm sạch môi trường biển của chúng ta. Những nhà bảo về đại dương như Parley và Sea Shepard cũng đặc biệt ủng hộ Adidas thực hiện dự án ý nghĩa này. Là đội chuyên đuổi bắt những chiếc thuyền săn lậu vòng quanh tây châu Phi, Sea shepard ủng hộ Adidas bằng cách giao lại những chiếc lưới đánh cá bất hợp pháp này để làm giày.
Hiện tại, sản phẩm giày tái chế của Adidas vẫn chưa có mặt trên thị trường nhưng sẽ sớm xuất hiện trong tương lai. Ông Eric Liedtke, đại diện của Adidas, đã đề xuất rằng công nghệ này không chỉ được ứng dụng để sản xuất giày dép mà còn có triển vọng mở rộng cho các loại áo T-shirt, quần short, và nhiều loại áo quần khác. Hàng loạt sản phẩm tiêu dùng sẽ được tích hợp vào các dòng sản phẩm Adidas trong năm 2016.
Adidas là công ty tiên phong trong việc bảo vệ hệ sinh thái, tận dụng được nguồn tài nguyên vô giá, thúc đẩy nền kinh tế từ các nguồn nguyên liệu bị lãng quên. Việc làm này thật đáng trân trọng và nên được khuyến khích để nhân rộng cho các công ty sản xuất khác.
Từ Ân
Xem thêm:
- Ô nhiễm đại dương: Chất dẻo đã xâm nhập vào đến chuỗi thức ăn
- Chàng trai 21 tuổi và sáng kiến dọn sạch đại dương trong chỉ 10 năm
- 4 đứa trẻ tự sát bằng thuốc chuột – mảng tối của chính sách hộ khẩu Trung Quốc
- Một gia đình 8 người đang hạnh phúc bị bức hại: 5 người chết và 1 bị tàn phế
- Phát minh mới: Bê-tông sinh học tự hàn kín ngay khi vết nứt xuất hiện
- Từ lá thư của người khuyết tật, Nike sáng tạo thế hệ giày mới xỏ vào bằng một tay