Research Kit ra đời nhằm khắc phục các hạn chế trong việc nghiên cứu trị bệnh. Apple đã làm việc với hàng loạt các chuyên gia y tế từ các trường đại học khác nhau và sắp tới dường như họ sẽ đi sâu vào lĩnh vực này.
Có một thực tế, đó là tình trạng “giao tiếp một chiều” giữa bác sĩ và bệnh nhân hiện nay vẫn đang gây nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu. Các bác sĩ đã quen với việc sử dụng các tình nguyện viên (có hoặc không trả tiền) để giúp đỡ các thử nghiệm. Quy mô của các trường hợp này là quá nhỏ hoặc các thông tin như đánh giá mức độ đau đớn trên thang từ 1 đến 10 là rất chủ quan và thiếu chính xác.
Với việc tận dụng dữ liệu từ hàng trăm triệu người dùng iPhone trên toàn cầu, việc nghiên cứu y khoa sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các nhà nghiên cứu sẽ không phải đi tìm kiếm thông tin trong đống hồ sơ dày cộp hay tốn nhiều giờ để gặp gỡ các bệnh nhân và tình nguyện viên nữa.
Trong buổi tường thuật ngày 9/3, Apple đã giới thiệu 5 ứng dụng được phát triển dựa trên bộ Research Kit giúp phát hiện và theo dõi bệnh Parkinson, tiểu đường, tim mạch, hen suyễn và ung thư vú.
Xem qua thì cách thực hiện các bài test sức khoẻ này khá dễ dàng. Ví dụ như ứng dụng Parkinson, người dùng có thể đăng kí rất nhanh chóng, sau đó nhấn liên tục vào 2 vòng tròn trên màn hình khoảng 20 giây. Tiếp đến nói “Aaaaaaaaaa” càng lâu càng tốt, vậy là bạn đã vừa thực hiện xong việc khám bệnh của mình.
Bạn có thể chọn gửi hoặc không gửi những dữ liệu này cho bên thứ 3, Apple khẳng định họ sẽ không đụng chạm đến loại dữ liệu này của người dùng.
Apple cũng nói ResearchKit sẽ là mã nguồn mở và sắp tới nhiều ứng dụng sức khoẻ hơn nữa sẽ được ra mắt.
Nguyễn Khánh