Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã hoàn toàn “bó tay” không cách nào xâm nhập được vào chiếc iPhone của một trong những tên khủng bố vụ án ở San Bernardino vào tháng 12/2015 vừa qua làm nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Trong nỗ lực điều tra, FBI đã tác động đến toà án để toà buộc Apple giúp mở khoá thiết bị nói trên, một phương pháp mà theo Apple sẽ gây nên những tác động cực kỳ tai hại đến bảo mật thông tin và những tiền lệ xấu trong tương lai.
Hiện nay, Apple thực sự đang ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Họ vừa phải thực hiện yêu cầu của chính phủ lại vừa phải bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Chính điều này đang tạo ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Giá trị thương hiệu Apple không chỉ đến từ giá trị vật lý của sản phẩm, một trong những thứ mà Apple luôn luôn khẳng định chính là bảo mật thông tin của khách hàng. Theo những phát ngôn từ trước đến nay thì ngay chính cả Apple cũng không thu thập hay sử dụng thông tin khách hàng nếu không được đồng ý. Những thông tin này bao gồm tin nhắn, hình ảnh, thông tin sức khoẻ, tài khoản ngân hàng…
Tuy nhiên chính phủ Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Apple tạo ra một backdoor (cửa sau) để có thể truy cập dữ liệu đã mã hóa trên chiếc iPhone của tên khủng bố.
Một phương thức phá khóa mà FBI thường sử dụng là tấn công Brute Force, tức là gán một chuỗi các tập hợp mật khẩu khẩu khác nhau bằng máy tính cho đến khi mở được khoá iPhone. Vấn đề nằm ở chỗ, sau 10 lần thử không thành công, điện thoại iPhone sẽ tự động xoá hết dữ liệu nên FBI buộc phải nhờ Apple ra tay hỗ trợ.
Theo CEO của Apple, việc mà FBI muốn hãng này thực hiện, cài một backdoor trên chiếc điện thoại của chính họ, đi ngược hoàn toàn với các nguyên tắc và sự phát triển của ngành bảo mật trong rất nhiều năm.
Vì tính nghiêm trọng của sự việc, CEO Tim Cook đã viết một bức “tâm thư” gửi đến công chúng. Trong đó ông giải thích rõ ràng về sự vô lý cũng như những tác hại khôn lường nếu như Tòa án thực sự ra phán quyết theo yêu cầu của FBI. Đây là một trong những luận điểm mà Tim Cook đưa ra:
“Cụ thể, FBI muốn chúng tôi tạo ra một phiên bản hệ điều hành mới của iPhone, can thiệp vào nhiều tính năng bảo mật quan trọng, và cài đặt nó vào một chiếc iPhone thu hồi được từ cuộc điều tra. Khi ở trong tay kẻ xấu, phần mềm này, hiện nay chưa tồn tại, sẽ có thể mở khóa bất kì một iPhone khác.
FBI có thể dùng những từ ngữ khác nhau để mô tả công cụ này, nhưng xin đừng nhầm lẫn: xây dựng một phiên bản iOS cho phép vượt qua các hàng rào bảo mật theo cách này thì không thể chối bỏ được là đang mở ra backdoor. Có thể chính phủ lập luận rằng nó chỉ được sử dụng cho vụ án này nhưng không có cách nào có thể đảm bảo được việc kiểm soát đó.”
Ông còn nhấn mạnh về tính nghiêm trọng của vụ việc vì nó không chỉ dừng lại ở một vụ án:
“Chính phủ nói rằng công cụ này chỉ được sử dụng một lần trên một chiếc điện thoại. Nhưng điều đó không đúng. Khi đã được tạo ra, kĩ thuật đó có thể được sử dụng đi sử dụng lại, trên rất nhiều các điện thoại khác. Trong thế giới thực tại, nó cũng giống như một chiếc chìa khóa vạn năng với khả năng mở hàng trăm triệu ổ khoá – từ các nhà hàng, ngân hàng cho đến cửa hàng và nhà ở. Không một người bình thường nào sẽ chấp nhận điều đó.
Chính phủ đang yêu cầu Apple hack người dùng của chính mình và làm suy yếu hàng thập kỷ cải tiến bảo mật để bảo vệ khách hàng, trong đó có hàng chục triệu công dân Mỹ. Thật trớ trêu khi những kỹ sư tạo ra biện pháp mã hoá mạnh mẽ đó giờ lại bị yêu cầu làm chúng yếu kém đi và khiến người người dùng trở nên không còn an toàn như trước…”
“Việc phản đối lệnh nói trên không phải là thứ mà chúng tôi xem nhẹ. Chúng tôi thấy rằng cần phải lên tiếng về việc lạm quyền của chính phủ. Chúng tôi đang thách thức yêu cầu của FBI với sự tôn trọng cao nhất nền dân chủ của nước Mỹ và tình yêu sâu đậm với tổ quốc. Chúng tôi tin rằng sẽ tốt hơn cho mọi người khi lùi lại một bước và cân nhắc về những tác động của nó.
Chúng tôi tin rằng mục đích của FBI là tốt, việc chính phủ bắt buộc chúng tôi xây dựng một backdoor trong các sản phẩm của mình là không đúng. Và cuối cùng, chúng tôi lo ngại rằng yêu cầu này sẽ làm xói mòn quyền tự do mà chính phủ đáng ra phải bảo vệ”.
Theo Apple,
Nguyễn Khánh