Đại Kỷ Nguyên

Bán hàng trên online chịu ảnh hưởng thế nào nếu phải đăng ký với Bộ Công Thương?

Khai báo với cơ quan chức năng việc bán hàng online là một quy định cần thiết đối với những mô hình kinh doanh lớn song cũng còn nhiều bất cập với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ chiếm đa số.

Bán hàng trên online chịu ảnh hưởng thế nào nếu phải đăng ký với Bộ Công Thương?

“Nếu phải đăng ký với Bộ Công Thương, tôi sẽ không bán hàng trên Facebook nữa.” – Chị Linh (23 tuổi), một người kinh doanh mật ong cho biết sau khi nghe thông tin Bộ Công Thương yêu cầu người dân phải đăng ký mới được bán hàng online.

Theo đó, Bộ Công Thương vừa đưa ra một dự thảo quy định những cá nhân, tổ chức sở hữu website hoặc ứng dụng phục vụ mục đích kinh doanh online phải khai báo với Bộ Công Thương để phục vụ công tác quản lý.

Dự thảo này không nêu cụ thể những website hay ứng dụng như thế nào thì cần phải đăng ký kinh doanh online, vì vậy đang khiến nhiều người lo lắng.

Bán hàng trên Facebook có cần đăng ký không?

Nếu như cách hiểu đúng về dự thảo mới của Bộ Công Thương là áp dụng cho tất cả mô hình kinh doanh online thì xem ra dự thảo này khó mà thực hiện được. Khi đó một người mở Trang (Page) Facebook bán hàng cũng được tính là kinh doanh online và cần phải đăng ký với cơ quan chức năng. Lúc này sẽ xảy ra 3 vấn đề nan giải:

Vấn đề thứ nhất là thông tin người dùng Facebook thuộc sự quản lý của công ty nước ngoài nên rất khó can thiệp. Vấn đề thứ hai là việc đăng ký chắc chắn sẽ phát sinh phiền phức, đòi hỏi một nguồn nhân lực không nhỏ để rà soát. Vấn đề thứ ba là bản thân những người bán hàng trên Facebook có muốn chịu sự quản lý hay không? Đó là chưa kể sau khi đăng ký xong rồi, việc kê khai nộp thuế sẽ được thực hiện như thế nào, lại phát sinh thêm vấn đề liên quan đến cơ quan quản lý thuế.

Giống như chị Linh, đa số người kinh doanh online chỉ triển khai mô hình ở quy mô nhỏ và vừa. Họ cũng có thể nay bán cái này, mai bán cái khác chạy theo xu hướng và nhu cầu từ thị trường. Do đó bắt họ phải đăng ký hoạt động kinh doanh là không sát với thực tế.

Bộ Công Thương vẫn sẽ siết chặt kinh doanh online, bất chấp những vấn đề nan giải còn tồn tại?

Nói đi vẫn phải nói lại, nếu không quản lý dễ dẫn tới tiêu cực

Qua khảo sát, các kênh mạng xã hội như Facebook đang là nơi những mặt hàng thuộc diện cấm, vi phạm pháp luật ngang nhiên được chào bán công khai. Đó chính là một phần nguyên nhân tồn tại các hoạt động buôn lậu trái phép, là tác nhân gây ra các tệ nạn xã hội. Nếu không có biện pháp ngăn chặn việc tiêu thụ, những tình trạng tiêu cực như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra.

Bên cạnh đó, không đưa hoạt động kinh doanh online vào quản lý cũng gây ra tổn thất lớn đối với ngân sách nhà nước. Thực tế có không ít doanh nghiệp vẫn đang hưởng lợi từ điều này, cạnh tranh không công bằng với những doanh nghiệp làm ăn tử tế.

Việt Đức

Exit mobile version