Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một mẫu bàn tay robot mềm với lớp phủ có đặc tính bám dính như của tắc kè để nhấc các vật nặng.
Một trong những lĩnh vực nghiên cứu robot được chú ý gần đây đó là khám phá các bộ phận mềm như cơ nhân tạo hoặc bàn tay để cầm nắm và nhấc các vật nặng. Những bộ phận này mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng cũng như tạo ra những máy móc an toàn hơn cho con người làm việc xung quanh. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, Đại học California, San Diego (UCSD) và phòng thí nghiệm của NASA đã phát triển một vật liệu tổng hợp để phỏng theo khả năng bám nắm tự nhiên của tắc kè và có thể được dùng để phủ lên các ngón tay của robot.
Lớp bám dính này có thể được kích hoạt hoặc tắt để nắm giữ và nhả vật thể. Nó được phủ lên các ngón tay của bàn tay robot thông qua một lớp vải siêu bền mà không bị biến dạng khi nâng vật nặng. Các ngón tay được gắn cứng vào một bệ và sự kết hợp của vật liệu cứng và mềm cho phép bàn tay cầm các vật thể có hình dạng bề mặt khác nhau với một lực đủ lớn.
Thuật toán điều khiển phân bố đúng lực dọc theo toàn bộ chiều dài của ngón tay và nhờ đó, bàn tay này dễ dàng nâng được nhiều vật thể khác nhau ở các vị trí khác nhau với khối lượng lên tới 20kg. Nó dễ dàng cầm và nhấc các ống tròn như cốc nước, lon nước ngọt, các củ quả, mẩu gỗ….
Các nhà khoa học dự định sẽ tiếp tục phát triển thuật toán xa hơn để tối ưu hóa bám nắm và khám phá khả năng sử dụng bàn tay robot mềm trong môi trường không trọng lượng và các hoạt động trong không gian.
Video hoạt động của cánh tay robot mềm
TXL