Đại Kỷ Nguyên

Để vi vu đón tết, xe tay ga cần bảo dưỡng những gì?

Khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên Đán chính là lúc mà nhiều người “đại tu” lại chiếc xe máy của mình. Để có chiếc xe chạy bon bon như mới yên tâm chơi tết, người tiêu dùng nên để ý tới lịch bảo dưỡng định kỳ hoặc nên mang xe ra hàng kiểm tra hỏng hóc và tút lại chiếc tay ga của mình.

Một chiếc xe chạy bền bỉ mỗi lần đi bảo dưỡng sẽ không bỏ qua những “thủ tục” dưới đây:

Thay dầu (nhớt) máy định kỳ

Bảo dưỡng xe tay ga đón Tết

Để đảm bảo an toàn, tránh những bệnh lặt vặt, xe máy cần được bảo dưỡng theo chu kỳ 4 tháng. Khi xe chạy từ 1.000-1.500 km, bạn nên thay dầu (nhớt) hoặc có thể sớm hơn. Việc thay dầu (nhớt) giúp cho động cơ máy hoạt động trơn tru hơn, đồng thời tăng tuổi thọ của xe.

Các trường hợp cần phải thay dầu (nhớt) nhanh chóng và kịp thời đó là vào những tháng thời tiết oi bức, nắng nóng, bụi bẩn, đường nhiều đèo dốc hay xe liên tục tải nặng trong thời gian dài. Ngoài ra, nên thay nhớt máy ngay lập tức sau khi xe bị ngập nước.

Việc chậm trễ thay dầu (nhớt) sẽ khiến cho động cơ bị hao mòn do rò rỉ hoặc lẫn tạp chất, hoặc bị “đặc” lại do muội từ động cơ lẫn vào, làm giảm khả năng bôi trơn.

Kiểm tra và thay má phanh

Bảo dưỡng xe tay ga đón Tết

Má phanh là bộ phận chuyển động năng thành nhiệt năng, giúp xe giảm tốc, do đó sẽ bị ăn mòn theo thời gian. Nên thay thế má phanh sau mỗi quãng đường di chuyển từ 15.000 – 20.000 km.

Thông thường, má phanh bị hỏng là một trong những nguyên nhân gây vênh đĩa phanh và về lâu dài, nó có thể làm hỏng cả đĩa phanh.

Thay Bugi khoảng 10.000 km/lần

Bảo dưỡng xe tay ga đón Tết

Bugi là bộ phận nhỏ trong cấu tạo của xe máy nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng. Công dụng của bugi là đánh lửa, giúp đốt cháy nhiên liệu, sinh công suất cho xe. Đầu cực của bugi sẽ hao mòn theo thời gian, gây hiện tượng đánh lửa không đều, tốn nhiên liệu, động cơ “hụt hơi”. Theo lời khuyên của chuyên gia, cứ sau 10.000 km nên thay bugi một lần, tuy nhiên việc kiểm tra thường xuyên và thay thế định kỳ sẽ giúp xe hoạt động một cách ổn định nhất.

Dầu láp

Bảo dưỡng xe tay ga đón Tết

Mặc dù ít được nhắc đến nhưng dầu láp trên xe tay ga cũng có một vai trò quan trọng không kém. Thông thường dầu láp ít bị hao mòn hơn so với dầu nhớt. Để giúp tăng thêm tuổi thọ cho xe, cứ định kỳ cứ 3 lần thay dầu máy thì nên thay dầu láp 1 lần.

Việc dầu láp bị bám bẩn hoặc bị khô sẽ gây ra tiếng ồn lớn và làm giảm hiệu quả của hệ thống truyền động. Trong một số trường hợp nặng hơn, nó có thể gây vỡ láp, làm mất truyền động.

Dây cu-roa

Bảo dưỡng xe tay ga đón Tết

Dây cu-roa là bộ phận truyền động chính của xe, thường xuyên chịu lực căng lớn vì vậy rất dễ mòn dẫn đến xe ì ạch, nóng máy. Việc để dây cu-roa hoạt động quá “sức” có thể khiến dây bị ăn mòn dẫn tới bị đứt, gây mất truyền động.

Lọc gió

Bảo dưỡng xe tay ga đón Tết

Quan trọng không kém đó là lọc gió của xe. Công dụng của bộ phận này là đưa luồng không khí sạch vào khoang nhiên liệu trước khi đốt cháy. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng lọc gió bẩn sẽ khiến xe không đốt cháy hết nhiên liệu, gây hao xăng và làm giảm khả năng tuổi thọ của xe.

Nước làm mát

Bảo dưỡng xe tay ga đón Tết

Hầu hết xe tay ga hiện nay đều sử dụng hệ thống làm mát bằng chất lỏng. Khi phát hiện nước làm mát bị cạn kiệt, bạn nên chủ động đổ nước mới cho xe (thông thường định kỳ khoảng 10.000 km/lần, đặc biệt sau những chuyến đi dài, đèo dốc)

Trong một số trường hợp, nếu xe mất quá nhiều nước mát sẽ khiến động cơ trên xe bị nóng, giảm công năng.

Một số điều lưu ý cho người sử dụng xe tay ga:

Đợi đèn báo FI tắt rồi mới khởi động xe: Khi bật chìa khóa, thông thường trên đồng hồ ta sẽ thấy đèn báo FI bật sáng, chức năng của bộ phận này là để kiểm tra các cảm biến và nạp nhiên liệu vào vòi bơm để chờ nổ máy.

Do đó, hãy chờ khi đèn báo FI tắt hẳn rồi mới nổ nhấn nút khởi động xe để các cảm biến hoạt động bình thường, tránh các lỗi phát sinh ở IC hay bơm xăng.

Hạn chế sử dụng phanh trước: Thói quen của đại đa số người dùng xe tay ga hiện nay đó là quen sử dụng tay phải để bóp phanh trước khi xảy ra các sự cố bất ngờ. Việc sử dụng phanh trước đối với xe tay ga là rất nguy hiểm bởi đường kính bánh trước nhỏ kèm theo giảm sóc ngắn rất dễ gây tai nạn.

Lời khuyên để đảm bảo an toàn khi vận hành, bạn nên sử dụng đồng thời cả phanh trước và phanh sau.

Không nên vừa ga vừa phanh: Do thói quen sử dụng, khá nhiều người có thói quen đó là trong lúc chờ đèn đỏ hoặc tắc đường thường vừa ga vừa phanh. Tuy nhiên đây lại là một điều hết sức sai lầm có thể dẫn đến xe nhanh bị cháy guốc côn và chuông côn, khiến cho xe giật không bốc lại tốn xăng.

Không vận hành xe ở tốc độ quá chậm: Với những xe ga sử dụng hệ thống làm mát bằng nước, nếu chạy xe quá chậm sẽ làm cho nhiệt độ tăng cao khiến xe tiêu tốn thêm nhiều nhiên liệu.

Thành Vũ

Exit mobile version