Tim Berners-Lee, người sáng tạo ra mạng World Wide Web vừa bày tỏ sự quan ngại về quy mô thống trị của những gã khổng lồ công nghệ trong một cuộc phỏng vấn tới tờ Reuters.
Từ những năm 1990, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã sản sinh ra hàng tá những công ty công nghệ. Giờ đây, ảnh hưởng về văn hóa và tài chính của những công ty như Facebook và Google còn lớn hơn hầu hết các quốc gia có chủ quyền.
Tim Berners-Lee là nhà khoa học máy tính đã phát minh ra World Wide Web vào năm 1989. Chia sẻ với tờ Reuters, ông nói rằng bản thân mình rất thất vọng với tình trạng Internet hiện nay.
Ông Berners-Lee cảnh báo rằng tốc độ của sự đổi mới trong cả công nghệ và thị hiếu người dùng có thể khiến những công ty lớn nhất cũng phải thu hẹp về quy mô.
“Kết cục tự nhiên là có một công ty thống trị cả lĩnh vực bởi vì vậy trong suốt lịch sử không có sự thay đổi nào thật sự đáng kể để phá vỡ mọi thứ.” – Ông Berners-Lee chia sẻ: “Rất nguy hiểm khi sức mạnh tập trung ở một chỗ”.
Nếu tính tổng giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ hàng đầu gồm: Apple, Amazon, Microsoft, Google và Facebook hiện đã đạt 3,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ, tương đương với GDP của Đức năm ngoái.
Yêu và ghét lẫn lộn
Ý tưởng về mạng Internet lần đầu đến với Tim Berners-Lee vào năm 1989 khi ông làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Châu Âu. Lúc đầu ông gọi ý tưởng này là “Mesh”, nhưng sau đó đã đổi tên thành “World Wide Web” (www) vào năm 1990.
Khi được hỏi ai là người có ảnh hưởng nhất về mặt trí tuệ đối với ông, ông nói: “Đó là bố mẹ tôi. Lúc sinh tôi ra, họ đang xây dựng những chiếc máy tính. Tôi lớn lên trong một thế giới mà mọi thứ đề là toán học và cái cảm giác khi có thể lập trình một thứ gì đó rất tuyệt vời”.
Theo ông, không có khoảnh khắc nào gọi là “Eureka”, tức là khi ai đó đột nhiên sáng tạo ra thứ gì đó. Việc ông phát minh ra World Wide Web cũng không phải là một khoảnh khắc đến bất chợt và may mắn. Đó là cả một quá trình làm việc miệt mài cộng với những kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực máy tính và một sự nỗ lực để vượt qua những hạn chế khi cố gắng chia sẻ thông tin với đồng nghiệp và sinh viên.
“Khoảnh khắc Eureka hoàn toàn vô nghĩa đối với tôi. Tôi thậm chí còn không tin điều này ở Archimedes. Ông ta chắc chắn phải nghĩ về điều này rất lâu trước đó rồi.” – Ông Berners-Lee chia sẻ.
Ông so sánh điều này với những bê bối liên tiếp về sự lạm dụng dữ liệu cá nhân diễn ra trong một năm vừa qua. Chúng chỉ là những giọt nước tràn ly mà thôi.
“Tôi thất vọng với tình trạng hiện nay của Web. Chúng ta đang đánh mất sức mạnh của mỗi cá nhân và xét ở một mức độ nào đó cũng có thể nói sự lạc quan đã bị bẻ gãy”.
CEO Facebook là Mark Zuckerberg đã xin lỗi sau vụ bê bối Cambridge Analytica và cam kết làm nhiều việc hơn để bảo vệ dữ liệu người dùng.
Nhưng mạng xã hội, vẫn đang được sử dụng để tuyên truyền sự thù ghét.
“Nếu bạn viết một status về tình yêu trên Twitter, dường như nó sẽ tan biến ngay sau đó nhưng nếu bạn viết một status bày tỏ lòng hận thù, nó sẽ lan truyền mạnh mẽ hơn rất nhiều. Và khi đó bạn có thể thắc mắc: ‘Đó Có phải là vì cách mà Twitter được tạo nên như một phương tiện hay không?’”
Đạt Vũ (Tổng hợp)