Nicholas Weaver, Giáo sư tại Viện Khoa học Máy tính Quốc tế Berkeley vừa chia sẻ với tờ The Verge rằng ông đã chửi thề sau khi đọc bài báo chấn động nói về chip gián điệp của Trung Quốc.
Ngày 4/10 (theo giờ Mỹ), Bloomberg đăng tải một bài báo nói rằng Trung Quốc đã sử dụng một loại chip siêu nhỏ để gián điệp gần 30 công ty Mỹ, bao gồm cả Apple và Amazon. Ngay lập tức bài báo này đã gây chấn động trên toàn thế giới.
Nicholas Weaver, Giáo sư tại Viện Khoa học Máy tính Quốc tế Berkeley, một chuyên gia bảo mật mô tả cuộc tấn công này nằm ngoài sức tưởng tượng của ông. Ông chia sẻ: "Phản ứng ban đầu của tôi là HOLY FU…!" (một câu chửi thề của người Mỹ).
Trung Quốc đã cấy một con chip siêu nhỏ trên các bảng mạch điện tử do một công ty tên là Super Micro Computer sản xuất. Những bảng mạch này được cung cấp cho một công ty khác tên là Elemental, chuyên sản xuất máy chủ. Gần 30 công ty Mỹ đang sử dụng máy chủ của Elemental và nhờ con chip siêu nhỏ kia mà Chính phủ Trung Quốc có một cửa hậu để gián điệp hoạt động của các máy chủ này, vượt qua mọi rào cản bảo mật.
Từ trước đến nay phương pháp gián điệp chủ yếu là sử dụng phần mềm. Trong lịch sử chưa từng xuất hiện một vụ hack phần cứng có tầm ảnh hưởng lớn như vậy. Không có cách nào thực sự có thể ngăn chặn một cuộc tấn công như thế này, trừ khi vứt hết những máy chủ đã bị đầu độc bằng con chip kia, Giáo sư Nicholas Weaver cho biết.
Đây là rủi ro mà các công ty Mỹ sẽ phải đối mặt nếu tiếp tục để các doanh nghiệp Trung Quốc góp mặt trong chuỗi cũng ứng. Các công ty Mỹ đã thực hiện thỏa hiệp của họ, để đổi lấy linh kiện giá rẻ, họ chấp nhận rủi ro.
Và bây giờ, khi rủi ro không còn là rủi ro nữa mà đã trở thành hiện thực thì Chính phủ Mỹ cần phải can thiệp. Có lẽ sẽ có một cuộc điều tra chính thức từ phía FBI, nếu sự thực đúng như những gì bài báo của Bloomberg đã đề cập thì chắc chắn một lượng lớn máy chủ sẽ bị tiêu hủy.
(Tổng hợp)