Rất nhiều người quan tâm đến bộ xử lý trung tâm (CPU) khi mua điện thoại, máy tính và các thiết bị công nghệ. Sau đây là những điều bạn nên biết về bộ phận quan trọng này.
CPU giống như bộ não của bạn
Nếu ví các thiết bị công nghệ giống như con người thì vai trò của CPU chính là bộ não. Nó là nơi tập kết, xử lý thông tin và quyết định việc thực thi. Hãy tưởng tượng có một que kem và một cái bánh, đôi mắt của bạn nhìn thấy chúng và bạn suy nghĩ rằng cây kem ngon hơn. Bạn muốn ăn kem trước, bánh để sau; suy nghĩ đó cũng giống như quá trình xử lý thông tin của một CPU vậy.
Về mặt kỹ thuật, CPU được tạo nên bởi hàng tỷ bóng bán dẫn siêu nhỏ. Tùy thiết kế, chúng có thể được nhóm lại thành một hoặc nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm như vậy được gọi là một nhân (hoặc một lõi), cũng giống như não bộ chia làm nhiều ngăn khác nhau.
Điều đáng nể là công nghệ chế tạo CPU ngày càng hiện đại và người ta có thể chế tạo ra những CPU 8 nhân, 16 nhân… trong một kích cỡ nhỏ xíu.
CPU cần nhiều nhân để làm gì?
Đến đây chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc CPU cần nhiều nhân để làm gì? Tại sao không phải là một nhân duy nhất? Thực ra, từ thuở xơ khai bộ vi xử lý chỉ có một nhân duy nhất. Còn ngày nay, chúng được chia thành nhiều nhân để xử lý nhiều thông tin cùng một lúc tốt hơn.
Điều đó đồng nghĩa số nhân càng nhiều, khả năng đa nhiệm càng mạnh. Chính vì thế, nếu bạn muốn điện thoại của mình chạy được nhiều ứng dụng cùng một lúc, hãy chọn bộ xử lý càng nhiều nhân càng tốt nhé.
Còn một thông số khác cũng quan trọng không kém đối với CPU đó là xung nhịp, hiểu đơn giản hơn là tốc độ xử lý thông tin. Tốc độ này được đo bằng đơn vị “gigahertz”, ký hiệu là GHz. Nó là con số thể hiện CPU có thể xử lý bao nhiêu phép toán mỗi giây, tuy nhiên không phải con số này càng cao càng tốt. Bởi những công nghệ phức tạp ngày nay có thể giúp một CPU 2GHz đạt hiệu suất cao hơn một CPU 3GHz sản xuất từ vài năm trước. Nếu không có nhu cầu gì quá đặc biệt, bạn chỉ cần quan tâm đến số nhân của CPU là đủ rồi.
Khi làm việc, CPU rất nóng
Trong hầu hết thiết bị công nghệ, CPU thường là bộ phận tỏa nhiệt nhiều nhất. Nó là nguyên nhân chính khiến điện thoại và máy tính của bạn nóng lên khi xem phim hay chơi game. Chính vì lý do đó mà CPU không bao giờ được thiết kế nằm gần các viên pin vì nó có thể là tác nhân gây cháy nổ.
Một linh kiện điện tử sinh ra nhiều nhiệt trong khi hoạt động cũng đồng nghĩa với việc tiêu tốn điện năng. Do vậy, các nhà sản xuất vẫn luôn tìm cách giảm mức tiêu thụ điện của CPU xuống thấp nhất có thể.
Đây cũng là điều bạn nên quan tâm khi mua điện thoại và máy tính mới, đặc biệt là ở Việt Nam mùa hè rất nóng. Bạn nên chọn những sản phẩm trang bị CPU được quảng cáo là tiết kiệm pin và ít sinh nhiệt.
Trên đây là những điều hết sức cơ bản bạn cần biết về CPU để có thêm một chút kinh nghiệm chọn mua các sản phẩm công nghệ phục vụ cuộc sống hàng ngày.
T.Vũ – Việt Đức