Đại Kỷ Nguyên

Đừng đọc nhanh nữa, công nghệ đang khiến chúng ta đọc không suy nghĩ và ít thấu hiểu hơn

Maryanne Wolf, tác giả cuốn sách Reader, Come Home vừa có một bài chia sẻ rất hay về tác động của công nghệ đến thói quen đọc và xử lý thông tin của con người.

Đừng đọc nhanh nữa, công nghệ đang khiến chúng ta đọc không suy nghĩ và ít thấu hiểu hơn.

Maryanne Wolf là một nhà thần kinh học người Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đọc và Nghiên cứu Ngôn ngữ, Giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Trẻ em và Phát triển Con người Eliot-Pearson tại Đại học Tufts. Bà là một người mê văn học và đọc rất nhiều tiểu thuyết.

Tuy nhiên, sau khi đọc tác phẩm Glass Bead Game, một tiểu thuyết cổ điển và nổi tiếng của Hermann Hesse, bà nhận thấy tác giả này viết thật buồn tẻ và quá phức tạp. Bà tự hỏi tại sao một tác giả như vậy lại có thể giành được giải Nobel. Nhưng cuối cùng, bà chợt nhận ra lý do là vì bà đã thiếu tập trung khi đọc, mà nguyên nhân khiến khả năng tập trung khi đọc của bà giảm sút đó chính là… công nghệ.

Điều đó đã thôi thúc bà nghiên cứu tác động của những yếu tố công nghệ tới việc bộ não con người tiếp nhận và xử lý thông tin. Bà đã công bố kết quả nghiên cứu của mình trong cuốn sách Reader, Come Home. Cuốn sách nói tới việc công nghệ đã khiến chúng ta dần đánh mất khả năng tập trung cao độ và những hậu quả khó lường từ việc đó.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, nữ phóng viên Angela Chen của The Verge đã phỏng vấn bà Maryanne Wolf. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Xuyên suốt cuốn sách, bà nhắc đến khái niệm “mạng thông tin” (circuits) trong bộ não, thứ mà ảnh hưởng đến cách chúng ta đọc và xử lý thông tin. Bà có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này được không?

Mỗi khả năng của cơ thể chúng ta, ví dụ như giao tiếp, nhìn hay ghi nhớ không hề có mối liên hệ trực tiếp với não bộ mà phải thông qua một mạng lưới các nơ-ron thần kinh liên kết lại với nhau. Khi bạn học thêm được một kĩ năng mới, ví dụ như giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, mạng lưới của kĩ năng này sẽ được tạo ra và liên kết với các mạng lưới khác. Tập hợp toàn bộ các mạng lưới đó gọi là circuits.

Những mạng lưới xuất hiện trước làm nền tảng để tạo nên các mạng lưới tiếp theo, giống như để đọc được một ngôn ngữ trước hết chúng ta cần đọc được từng chữ cái. Điều này giúp chúng ta có thể phát triển thêm nhiều kĩ năng mà chúng ta muốn, cũng chính là lý do một người một có thể biết cả tiếng Anh, tiếng Trung hay tiếng Do Thái…

Vậy công nghệ đang tác động tới điều này như thế nào, thưa bà?

Cơ chế hình thành mạng thông tin là một con dao 2 lưỡi. Khi chúng ta đọc, chúng ta cần đến một phương tiện trung gian để làm việc này. Đó là một cuốn sách giấy truyền thống, hay một thiết bị điện tử như điện thoại thông minh. Việc đọc trên các thiết bị điện tử đòi hỏi chúng ta phải xử lý một lượng thông tin lớn một cách nhanh chóng. Điều này cắt giảm lượng thời gian chúng ta dành cho những tác vụ cần xử lý chậm hơn, đòi hỏi não của chúng ta phải hoạt động nhiều hơn

Thế nhưng, những tác vụ đó lại làm chúng ta hiểu sâu bản chất của thông tin hơn. Việc dùng các thiết bị điện tử giúp xử lý thông tin một cách nhanh chóng nhưng đổi lại, chúng ta phải hy sinh thời gian cho việc rèn luyện các kĩ năng quan trọng như suy nghĩ, phản biện, phân tích và thấu hiểu.

Nhà thần kinh học Maryanne Wolf. (Ảnh: Rod Searcey)

Nhà thần kinh học Maryanne Wolf. (Ảnh: Rod Searcey)

Phải chăng đó lại là một trò chơi có tổng bằng 0? Chắc chắn đọc nhanh là một kĩ năng rất cần thiết. Vậy tại sao nó lại khiến ta phải hy sinh những thứ khác?

Câu hỏi này cần phải giải thích thật cẩn thận. Đây không phải một trò chơi có tổng bằng 0, nhưng càng ngày chúng ta càng phải đọc nhiều hơn. Những người như cô và tôi thường dành 12 tiếng mỗi ngày cho việc đọc trên màn hình điện tử khiến chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đọc nhanh.

Ý tưởng đó tôi gọi là “sự điềm tĩnh nhận thức”. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đang mất dần khả năng giữ bình tĩnh bởi vì việc đọc nhanh đang trở thành thói quen đọc hàng ngày của chúng ta.

Vậy bao lâu thì chúng ta mới có thể bình tĩnh trở lại? Bà có nói rằng sau 2 tuần đọc với mức độ tập trung cao, bà cảm thấy kĩ năng đọc chậm đã quay trở lại. Bà nghiên cứu gì về điều này chưa?

Vẫn chưa nhưng tôi cho rằng không thể đưa ra một câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Tôi có thể tập trung trở lại nhanh như vậy bởi vì tôi là một người có lối sống đơn giản, đã thích thú đọc tiểu thuyết từ trước và có một khao khát thay đổi cao độ. Tôi tin rằng, mỗi người sẽ cần một khoảng thời gian khác nhau cho sự thay đổi này.

Điều này giống với điều gì thưa bà?

Tôi thấy nó giống như việc chúng ta có thể nói 2 ngôn ngữ vậy. Chúng ta cần rèn luyện cho trẻ em biết đánh giá đâu là phương tiện đọc tốt nhất đối với chúng. Chắc chắn sẽ có nhiều hơn 2 lựa chọn, và sẽ có những thứ tiện lợi hơn, trực quan hơn. Vì vậy, mục tiêu thật sự ở đây là xác định rõ chúng ta có thể đạt được điều gì nếu như đọc chậm lại.

Tập trung khi đọc rất quan trọng và tôi cũng mắc lỗi như tất cả mọi người. Nhiều khi, tôi tự ép bản thân mình đọc chậm lại, thậm chí in ra những thứ quan trọng để đọc, hoặc những thứ mà vẻ đẹp của nó sẽ mất đi nếu ta đọc bằng những phương tiện khác. Việc đọc rất cần thiết để tìm lại chính bản thân chúng ta.

Hậu quả của việc đọc nhanh là gì?

Việc đọc nhanh dẫn đến một xu hướng là tìm những nguồn tài liệu đơn giản nhất, tối giản nhất, quen thuộc nhất, và ít phải động não nhất. Tôi nghĩ rằng điều này khiến người ta dễ dàng chấp nhận những tin tức giả mạo mà không phân tích, suy xét. Một trong những bận tâm chính của tôi là khi mất đi kĩ năng này, người ta dần mất đi khả năng đặt mình vào vị trí của người khác. Xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay ngày càng có nhiều những thông tin giả mạo, những người vô cảm cũng xuất hiện nhiều hơn. Đó là hậu quả không mong đợi của một thói quen đọc mà không suy nghĩ, ít thấu hiểu.

Đạt Vũ

Exit mobile version