Ngày 6/4 vừa qua, tại trường cao đẳng Kenyon, bang Ohio, giám đốc FBI đã phát biểu rằng phương pháp xâm nhập vào chiếc điện thoại iPhone trong vụ khủng bố ở San Bernardino chỉ áp dụng trên “một phân khúc điện thoại nhỏ.”
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, ông James Comey cho biết phương pháp xâm nhập vào điện thoại chỉ áp dụng được trên iPhone 5C, với hệ điều hành phiên bản 9.0 của Apple, và không dùng được cho các dòng điện thoại cũ hoặc mới hơn 5C.
Ông Comey cũng cho biết hiện FBI chưa đưa ra quyết định liệu họ có tiết lộ cho hãng Apple cách mở khóa chiếc iphone này hay không. Ông nói: “Hiện chúng tôi đang thảo luận trong nội bộ chính phủ để xem có nên tiết lộ cho Apple sơ hở này trong điện thoại của họ hay không… Vì nếu chúng tôi nói ra thì họ sẽ sửa chữa rồi chúng ta lại chẳng được gì”.
Những ý kiến trên được đưa ra sau khi hãng Apple từ chối giúp FBI bẻ khoá chiếc điện thoại iPhone của tên khủng bố Syed Rizwan Farook ở San Bernardino. FBI và Apple đã rơi vào cuộc tranh chấp pháp lý cho đến khi giới chức Hoa Kỳ cho biết họ không cần Apple giúp đỡ nữa.
Một quan chức thực thi pháp luật cấp cao giấu tên cho biết, họ đã có thể bẻ được tính năng bảo mật của Apple – điền sai mật khẩu 10 lần thì điện thoại sẽ tự động xoá toàn bộ nội dung.
Sau khi xoá bỏ tính năng này, các quan chức có thể thử đi thử lại các mật khẩu, được gọi là kiểu tấn công brute-force, cho đến khi tìm ra được mật khẩu đúng.
Các nhân viên FBI đã tìm thấy một bên thứ ba giúp xâm nhập vào điện thoại này. Mặc dù chính phủ chưa thừa nhận ai thực sự đã bẻ khoá điện thoại iPhone, người ta tin rằng một công ty khám nghiệm thiết bị di động ở Israel có tên là Cellebrite đã giúp các quan chức Hoa Kỳ trong vụ việc này.
Ông Comey cho biết: “FBI chúng tôi rất giỏi giữ bí mật, và cả những người đã cung cấp bí mật đó. Tôi cũng biết nhiều người trong số họ, nhưng tôi rất tự tin rằng những người này cũng rất giỏi giữ bí mật, vì động lực của họ cũng giống với chúng tôi.”
Trong khi đó, cuộc tranh chấp pháp lý giữa FBI và Apple cũng đã dấy lên cuộc tranh luận về quyền bảo mật thiết bị số.
Ông Comey phát biểu tại trường đại học rằng: “Không có gì là bảo mật tuyệt đối ở nước Mỹ này”. Ông cũng nói thêm: “Và không có nơi nào ngoài tầm kiểm soát của cơ quan tư pháp cả”.
Tác giả Denisse Moreno, Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Bạch Như biên dịch