Ốp lưng điện thoại gây ung thư, hãy cùng tìm hiểu xem thực hư chuyện này như thế nào.
Ủy ban Người tiêu dùng Thâm Quyến (Trung Quốc) vừa đưa ra cáo buộc ốp lưng điện thoại Apple, Xiaomi chứa nhiều chất gây ung thư. Thông tin này đã gây hoang mang cho rất nhiều người, bởi ai sử dụng điện thoại mà chẳng từng một lần sử dụng ốp lưng.
Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu về hợp chất làm dẻo được cho là tác nhân gây ung thư trên ốp lưng điện thoại. Nó có tên gọi hóa học là polycyclic aromatic hydrocarbons(PAHs), là hợp chất tạo nên từ hơn 100 chất hóa học khác nhau. PAHs được sinh ra khi chúng ta tiêu thụ xăng dầu, đốt rác thải; và đặc biệt có rất nhiều trong khói thuốc lá.
PAHs trong sản xuất tồn tại ở thể rắn với nhiều dạng cấu trúc khác nhau, thường không màu hoặc có màu trắng ngà. PAHs được sử dụng rộng rãi trong các nghành công nghiệp chế biến cồn, ete, thuốc nhuộm, nhựa, cùng một vài loại thuốc chữa bệnh chuyên dụng.
Theo nghiên cứu về PAHs mà Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ công bố, cơ thể con người chỉ bị nhiễm hợp chất này khi hít thở không khí ô nhiễm, khói bụi, khí thải xe hơi, hút thuốc lá, hoặc hấp thụ thực phẩm/nước uống có chứa hợp chất này.
Điểm đáng lưu ý là để PAHs dẫn đến ung thư, cơ thể chúng ta phải hấp thụ một lượng rất lớn hợp chất này trong một quá trình dài đều đặn. Các nhà khoa học đều đồng tình rằng hợp chất PAHs chỉ làm tăng nguy cơ bị ung thư chứ không phải là tác nhân trực tiếp gây nên căn bệnh hiểm nghèo như nhiều lời cáo buộc.
Trong trường hợp cụ thể là ốp lưng điện thoại, rõ ràng chúng ta không thể ngửi mà chỉ có thể ăn chúng. Tất nhiên người lớn không ai làm như vậy, chỉ có khả năng xảy ra với trẻ nhỏ vì những đứa trẻ thường có xu hướng gặm bất cứ thì gì mà chúng có được.
Do vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng ốp lưng điện thoại nếu nó không gây kích ứng da do tiếp xúc bằng xúc giác. Bạn chỉ cần lưu ý để xa tầm tay trẻ em và tránh làm chúng biến dạng, biến chất do tác động của ngoại lực và nhiệt độ cao từ môi trường.
T.Vũ