Các bộ phận chi giả được thiết kế và in 3D dành cho người khuyết tật đã không còn quá mới mẻ, nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta khuyến khích trẻ khuyết tật tự thiết kế và tạo ra những cánh tay robot cho chính mình?
KidMob là công ty chuyên dạy trẻ em cách thiết kế bản vẽ kĩ thuật và sử dụng máy in 3D để cho ra đời các bộ phận robot để gắn vào phần thân thể bị tật nguyền của các em.
“Chúng tôi muốn các em có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề của bản thân và đưa ra một phương án của riêng mình, và hiểu rằng các em hoàn toàn có thể lựa chọn những gì chưa hề có sẵn“, Kate Ganim, đồng giám đốc KidMob chia sẻ với thời báo Huffington Post, “Chúng tôi cũng muốn các em nhìn bản thân như những siêu anh hùng thay vì những đứa trẻ tật nguyền.“
Trong một khóa hướng dẫn kéo dài năm ngày mang tên “Superhero Cyborgs 2.0” (Tạm dịch: Siêu anh hùng người-máy 2.0), những đứa trẻ khuyết tật tham gia sẽ được thiết kế những nguyên mẫu khá ấn tượng, ví dụ như “Project Unicorn“, một khẩu súng 5 nòng của tác giả Jordan Reeve, 10 tuổi, hay chiếc “Water Gun 3000“, một khẩu súng nước được điều khiển bằng chuyển động của khuỷu tay của tác giả Sydney Howard, 12 tuổi.
Những đứa trẻ bắt đầu khóa hướng dẫn với ý tưởng của bản thân và sự giúp đỡ của các nhân viên KidMob. Các mẫu thiết kế sẽ được họ cải thiện dần dần với sự đồng ý của lũ trẻ. Chúng cũng sẽ được hướng dẫn sử dụng máy scan và máy in 3D, trát vữa, may vá, để hoàn thiện các tác phẩm của mình. Trong ngày cuối cùng của lớp học, từng cô bé cậu bé sẽ trình bày nguyên mẫu robot của mình với các khán giả trong thính phòng.
Đội ngũ hướng dẫn của KidMob, bao gồm các nhân viên tình nguyện và các sinh viên từ trường cao học nghệ thuật California, đã theo sát và giúp đỡ lũ trẻ thực hiện các mẫu thiết kế của chúng. Ngoài ra còn có Andreas Bastian, một chuyên gia thiết kế đồ họa chuyên nghiệp đến từ Autodesk, nhà tổ chức và nhà tài trợ cho khóa học ý nghĩa này.
“Chúng tôi thấy lũ trẻ rất hào hứng với ý tưởng được có một cánh tay máy“, Kate Ganim, một tình nguyện viên chia sẻ “Đối với những nhà thiết kế như chúng tôi mà nói, điều đó đã khiến chúng tôi phải tự hỏi rằng tại sao mình lại chỉ bó hẹp công dụng của những cánh tay robot giống như những cánh tay thông thường, mà không nghĩ rằng chúng có thể làm gần như mọi thứ — những thứ hấp dẫn hơn nhiều so với công dụng của một cánh tay người!“
Mặc dù Ganim đã thấy rất nhiều cô cậu bé với những ý tưởng vô cùng đặc biệt và sáng tạo, nhưng có một kỷ niệm trong khóa Superhero Cyborg 2.0 mà cô không thể nào quên. Đó là vào buổi thứ 4, ngay trước ngày lũ trẻ phải “bảo vệ” thành phẩm của mình trước khán giả, cậu bé Riley Gonzalez 10 tuổi lâm vào một tình huống khó: cánh tay robot lấy ý tưởng từ một chiếc cung của cậu quá phức tạp trong khi thời gian thì không còn nhiều. Chính vì vậy, các nhân viên KidMob đã trao cho Riley một cánh tay thô mà họ đã tự làm dựa trên ý tưởng của cậu bé. Nhưng Riley từ chối.
“Cậu bé hỏi rằng liệu cậu có thể tiếp tục sử dụng những gì mà mình đang làm, và tự tìm ra một giải pháp của riêng mình hay không“, Ganim kể lại, “Đó là nguyên nhân mà cậu bé tham gia khóa hướng dẫn. Đó là điều làm cậu bé thích thú.“
KidMob đã từng tổ chức khóa Superhero Cyborg một lần tại trường đại học Brown vào tháng 7 năm 2014. Trong đó, lũ trẻ sẽ xây dựng các nguyên mẫu của những chiếc giày phản lực. Và có vẻ như khóa Superhero Cyborg 2.0 với ý tưởng về các cánh tay robot cũng thành công ngoài mong đợi với những kỷ niệm không thể nào quên.
Theo Huffington Post
Quang Minh
Xem thêm: