Đại Kỷ Nguyên

Kính viễn vọng tự lắp ráp trong không gian

Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Cornell đã đề xuất với NASA một ý tưởng kính viễn vọng có đường kính lên tới 30 m được ghép lại từ các vệ tinh nhỏ sau khi phóng lên không gian.

Kính viễn vọng tự lắp ráp trong không gian

Do nhu cầu của khoa học không gian, các kính viễn vọng ngày càng lớn. Tấm gương của kính Hubble có đường kính 2,4 m và của kính JWST rộng tới 6,5 m. Những hệ thống kính viễn vọng này giúp mở rộng tầm hiểu biết của con người về vũ trụ, nhưng chúng là những thiết bị chuyên dụng có giá thành rất đắt và phức tạp mỗi khi được phóng lên không gian.

Do đó, phóng và sử dụng kính viễn vọng là một vấn đề khiến NASA lo ngại. Tuy nhiên thế hệ kính viễn vọng mới có thể tạo bước đột phá và giải quyết những băn khoăn trên của NASA.

Nhận nguồn vốn tài trợ Phase I từ Chương trình “Innovative Advanced Concept” của NASA, các nhà khoa học đã đơn giản hóa cấu trúc của kính viễn vọng không gian khổng lồ để quan sát các hành tinh. Họ đã loại bỏ thiết kế đơn khối mà chuyển sang dạng mô-đun gồm các khối hình lục giác đường kính 1m được ghép lại với nhau. Mỗi khối này gắn một tấm gương điều chỉnh.

Một khi ở trên quỹ đạo Trái đất, các mô-đun triển khai các cánh buồm năng lượng mặt trời và sử dụng gió mặt trời để lái chúng đến điểm quy định, nơi mà lực hấp dẫn của Trái đất và Mặt trời cân bằng nhau, cho phép tàu vũ trụ đứng yên tại vị trí đó. Tại điểm này, các mô-đun ghép nối với nhau và tạo thành một tấm gương lớn. Các cánh buồm mặt trời được sử dụng như lớp cách nhiệt để bảo vệ kính viễn vọng tránh ánh nắng mặt trời.

Dự án này vẫn trong ý tưởng nhưng các nhà nghiên cứu sẽ trình bày chi tiết với NASA vào ngày 6/5 tới đây. Giai đoạn Phase I sẽ cấp vốn để thực hiện phân tích các định nghĩa và ý tưởng ban đầu. Nếu mọi cơ sở tính toán được chứng minh, nhóm hy vọng sẽ nhận thêm vốn đầu tư trong giai đoạn Phase II để chế tạo các mô-đun.

TXL

Exit mobile version