Đại Kỷ Nguyên

Mark Zuckerberg đã sống sót sau 5 giờ điều trần, đây là những gì bạn cần biết

Ngày 10/4 theo giờ địa phương, phiên điều trần Mark Zuckerberg đã diễn ra suốt 5 giờ với sự chất vấn không ngừng từ Quốc hội Mỹ.

Mark Zuckerberg phải chịu sức ép rất lớn trong phiên điều trần.

Sau khi nhận lỗi và xin lỗi người dùng, CEO Facebook – Ông Mark Zuckerberg đã ra điều trần trước Ủy ban Thượng viện Mỹ. Chủ đề chính trong cuộc điều trần này là về những vụ bê bối gia tăng của Facebook, bao gồm scandal để lộ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng gây ầm ĩ trong thời gian vừa qua.

Trước sức ép rất lớn, Mark Zuckerberg ngồi một mình ở bàn chất vấn. Phía sau ông là một vài cộng sự, trước mặt là hàng chục ống kính đang trực chờ chụp lại vẻ căng thẳng trên khuôn mặt ông.

Chỉ cần một sơ xuất nhỏ thôi cũng có thể làm lụi tàn hình ảnh của Facebook trong nhiều năm về sau. Để thấy dễ hiểu khi vị giám đốc 33 tuổi đôi khi ấp úng không biết phải nói ra suy nghĩ của mình thế nào, ngữ điệu lời nói thì chẳng khác gì một con robot.

Tuy vậy, Mark Zuckerberg vẫn giữ được sự tỉnh táo cần thiết trong suốt 5 giờ chất vấn và nêu rõ được thành ý của mình: “Facebook vô cùng xin lỗi vì sai lầm to lớn này và sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn các trường hợp tương tự xảy ra”.

Các thượng nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa đã thất bại trong việc gây ra phản ứng tiêu cực từ Mark Zuckerberg bằng các câu hỏi dồn dập. Trước sự dồn ép đó, Mark Zuckerberg đã phải liên tục nhấn mạnh rằng Facebook không bán dữ liệu người dùng, ít nhất là 3 lần.

Các nhà đầu tư tỏ ra ấn tượng với sự thể hiện của Mark Zuckerberg trong suốt phiên điều trần. Cổ phiếu của Facebook đã tăng 4,5%, mức tăng nhiều nhất trong 2 năm gần đây. Trước đó, cổ phiếu của hãng đã giảm sâu trong suốt 1 tháng qua sau khi bê bối lộ thông tin hàng triệu người dùng bị phanh phui.

Trải qua 5 tiếng căng thẳng chịu chất vẫn dồn dập nhưng Mark Zuckerberg vẫn chưa thoát khỏi chiếc ghế nóng. Ngày hôm nay (11/4), vị CEO Facebook sẽ tái xuất tại Quốc hội và đối mặt với Hạ viện, hứa hẹn một phen điều trần dài và căng thẳng không kém.

Mark Zuckerberg đã sống sót sau 5 tiếng căng thẳng, tuy nhiên ông vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với Hạ viện vào hôm sau.

Dưới đây là những điểm mấu chốt trong phiên điều trần đầu tiên

Một số nhân viên Facebook đã được phỏng vấn bởi văn phòng luật sư đặc biệt

Mark Zuckerberg tiết lộ rằng một số nhân viên công ty ông đã được phỏng vấn như một phần của cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. (Chính Mark Zuckerberg đã không được phỏng vấn.)

Facebook đã bị buộc tội vi phạm lệnh của Ủy ban Thương mại Liên bang năm 2011

Mệnh lệnh quy định cách Facebook phải bảo vệ dữ liệu người dùng và có được sự chấp thuận trước khi chia sẻ, và các thượng nghị sĩ cho rằng vụ bê bối Cambridge Analytica có nghĩa Facebook đã vi phạm. Cách Mark Zuckerberg bảo vể luận điểm của mình khiến nhiều người không thỏa mãn: “Chúng tôi đã giải thích cho mọi người biết nó hoạt động ra sao và họ đã đồng ý”.

Facebook xem xét cho phép người dùng trả phí hàng tháng để loại bỏ quảng cáo

Không loại trừ khả năng Facebook sẽ thu phí người dùng để loại bỏ quảng cáo. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg nhấn mạnh rằng vẫn sẽ luôn tồn tại phiên bản Facebook miễn phí.

Mark Zuckerberg cho rằng hầu hết người dùng không đọc các điều khoản dịch vụ trước khi đăng ký

Các điều khoản sử dụng của Facebook được lôi ra chất vấn trong phiên điều trần. “Tôi có thể tưởng tượng rằng hầu hết mọi người đều không đọc điều khoản, nhưng ai cũng từng được khuyên đọc và đồng ý với nó”.

Facebook không có thông tin cụ thể trong việc Nga và Trung Quốc thu thập dữ liệu và xây dựng hồ sơ về người dùng

Mark Zuckerberg cho biết Facebook vẫn đang điều tra về vụ scandal để lộ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng và những trường hợp thu thập dữ liệu người dùng khác. Ông nói: “Tôi không nghĩ hiện tại tôi có thể cung cấp thông tin cụ thể về những hành động từ các quốc gia khác”.

Mark Zuckerberg bị chất vấn đến nghẹt thở về nhận thức chính trị

Thượng nghị sĩ Ted Cruz của đảng Cộng hòa vạch ra những gì ông tố cáo là “thiên vị và kiểm duyệt thông tin chính trị” – từ việc đóng cửa các trang cánh hữu tới việc che đậy nhiều thông tin quan trọng. Nhưng vị CEO Facebook đã xử lý những cao buộc trên khá tốt, giữ nguyên lập trường của mình.

Mark Zuckerberg từ chối tiết lộ khách sạn mình đang ở.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dick Durbin nói xoáy Mark Zuckerberg về quyền riêng tư cũng như các giới hạn của nó. Từ đó cho thấy việc bạn muốn để lộ bao nhiêu phần thông tin cá nhân trong môi trường xã hội ngày nay.

T.Vũ

Exit mobile version