Để khắc phục những điểm yếu về khí thải gây ô nhiễm môi trường của máy bay thông thường, các nhà khoa học đang đẩy mạnh phát triển máy bay chạy điện và mong đợi nó sẽ định hình tương lai của hàng không.
Mặc dù vận chuyển hàng không đã có những bước phát triển vượt bậc trong vài năm gần đây, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa muốn dừng lại. Trong khi khoảng cách và thời gian di chuyển là ưu thế lớn nhất của hàng không so với các loại hình vận tải khác nhưng khí thải lại là điểm yếu chỉ tử của máy bay. Ủy ban Châu Âu mới đây đã chỉ ra rằng: “Hàng không là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất cả về quy mô cũng như lượng khí thải thoát ra môi trường hàng năm”.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ước tính: “Năm 2050 lượng khí thải từ máy bay sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Hành trình cho một hành khách bay từ New York tới London và ngược lại xả ra lượng khí thải tương đương với việc sưởi ấm một căn hộ trong một năm”.
Chính vì vậy việc hướng tới ngành hàng không sạch và ít khí thải sẽ là ưu tiên phát triển trong tương lai. Nhiều mẫu máy bay sử dụng nhiên liệu sạch và không gây ô nhiễm môi trường đã được ra mắt trong suốt thời gian qua.
Năm 2016, mẫu máy bay năng lượng mặt trời đã thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới. Chiếc máy bay mang tên Solar Impulse 2 đã thực hiện hành trình dài 40.048 km, hạ cánh tại Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất UAE.
Tuy nhiên thực tế việc Solar Impulse có vượt đại dương thành công hay không vẫn là dấu hỏi, đặc biệt phụ thuộc vào thời tiết. Bởi vì các mô hình giả lập trên máy tính chỉ ra rằng việc bay qua đại dương là hoàn toàn có thể nếu thời tiết thuận lợi mà thôi.
Đến khi chiếc máy bay chạy điện của Đại học Suttgart E-Genius xuất hiện thì đây mới là một bước đột phá vượt bậc. Andreas Stromayer từ viện thiết kế máy bay của trường phát biểu trên CNBC: “E-Genius là một máy bay chạy hoàn toàn bằng điện với tải trọng cất cánh tối đa 900kg. Nó có thể mang hai phi công đi hết một quãng đường 400km”.
E-Genius đã chứng tỏ khả năng di chuyển ổn định với khoảng cách lớn. Năm 2015 nó đã thực hiện một chuyến bay từ Stuttgart tới Calcinate Pesce (Italia) bao gồm việc vượt qua dãy Alps cao 4.000 m với tổng chiều dài quãng đường là 360 km.
Strohmayer cũng cho biết thêm: “Hiện tại nhóm của ông đang tập trung phát triển máy bay hybrid với những động cơ đốt trong nhỏ và nhẹ hơn”.
Mặc dù vậy, một câu hỏi lớn được đặt ra đằng sau những chiếc máy bay này: “Liệu máy bay chạy điện có trở thành tương lai của ngành hàng không?”.
Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Peter Palensky từ Đại học công nghệ Delft, Hà Lan, phát biểu:
“Tôi tin rằng điều đó là có thể. Hiện nay chúng ta đã có những máy bay siêu nhẹ, giống như những mẫu thử nghiệm của NASA. Các chặng bay ngắn nối liền các thành phố từ London tới Amsterdam có thể sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Nó sẽ giảm bớt thời gian cũng chi phí đi lại, không giống như các chặng bay đường dài có thể phải chờ đợi lâu hơn”.
Không chỉ riêng những người có đam mê với máy bay điện mà các ông lớn trong ngành hàng không cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Công ty Safran S.A., Boeing, Airbus, và Raytheon đã giới thiệu những mẫu máy bay có thể định hình tương lai của ngành hàng không.
Hiện nay các kỹ sư của Boeing đang phát triển mẫu SUGAR Volt có thể chạy kết hợp cả xăng và điện như xe hybrid trên thị trường.
Airbus có mẫu E-Fan chạy hoàn toàn bằng điện sẽ được bán ra thị trường vào cuối năm nay. Airbus cũng hy vọng sẽ phát triển nó thành mẫu máy bay thông dụng trong vòng 20 năm tới.
Thị trường máy bay chạy điện được dự báo sẽ đạt 20 tỉ USD sau 15 năm nữa.
Sơn Tùng