Một máy quét 3D tự động được thiết kế đặc biệt để số hóa các loài côn trùng cho mục đích trưng bày.
Các tiêu bản côn trùng để trưng bày trong bảo tàng thường hay bị phân hủy theo thời gian. Ngoài ra kích thước thực quá nhỏ của chúng khiến người xem không thể quan sát đến từng chi tiết. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học Đức đã tạo ra một giải pháp thay thế bền vững hơn – dùng một máy quét 3D tự động để số hóa các loài côn trùng cho mục đích trưng bày.
Được biết đến với tên gọi DISC3D (Darmstadt Insect Scanner 3D), thiết bị nguyên mẫu được phát triển trong khoảng 4 năm bởi một nhóm hợp tác từ các trường kỹ thuật ở Darmstadt, Đức.
Người dùng bắt đầu bằng cách gắn một con côn trùng với bất kỳ kích thước nào ở giữa máy quét, nơi nó được chiếu sáng từ mọi phía bởi hai nguồn sáng. Một máy ảnh kỹ thuật số sẽ chụp liên tục khi di chuyển qua lại trên một tấm đế trượt, đồng thời động cơ bước sẽ xoay con côn trùng theo hai trục, cho phép máy ảnh chụp ở mọi phía.
Máy ảnh chụp tổng cộng khoảng 25.000 bức ảnh từ 400 hướng trong không gian. Chúng được kết hợp với nhau để tạo thành một mô hình 3D siêu nét của côn trùng với độ trung thực cao. Khách tham quan có thể xem mô hình đó trên máy tính với tính năng xoay, phóng to thu nhỏ, hoặc thậm chí tái tạo bản sao bằng máy in 3D.
Ngoài ra, vì các mô hình là dữ liệu kỹ thuật số, các nhà khoa học trên toàn thế giới có thể tiếp cận chúng từ xa thông qua internet.
Các mẫu máy thử nghiệm hiện đang được sử dụng thường xuyên bởi hai trường đại học tại Đức.