Bloomberg đã phơi bày một bí mật chấn động, cáo buộc Trung Quốc dùng một loại chip gián điệp siêu nhỏ để đánh cắp thông tin từ nhiều doanh nghiệp lớn trên đất Mỹ, trong đó có cả Apple, Amazon và một vài ngân hàng.
Ngày 4/10 (theo giờ Mỹ), Bloomberg đăng tải một bài báo nói rằng Trung Quốc đã sử dụng một loại chip siêu nhỏ để gián điệp gần 30 công ty Mỹ, bao gồm cả Apple và Amazon. Ngay lập tức bài báo này đã gây chấn động trên toàn thế giới.
Vụ hack này nằm ngoài sức tưởng tượng
Theo điều tra của Bloomberg thì hành động cài chip này được thực hiện vô cùng tinh vi. Một đơn vị hoạt động bí mật trong quân đội Trung Quốc đã tác động, thêm vào loại chip gián điệp siêu nhỏ, rất khó phát hiện lên các bộ mạch chủ được sản xuất tại một phân xưởng “uy tín” cũng của Trung Quốc. Sau đó họ cung cấp lô hàng này cho Supermicro, một thương hiệu linh kiện máy tính nổi tiếng đã cung cấp hơn hàng chục nghìn máy chủ phục vụ nhiều trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới.
Những bộ mạch chủ trên được trang bị vào trong các máy chủ, sau đó chúng được gửi tới các trung tâm dữ liệu do 30 công ty điều hành. Khi máy chủ đi vào hoạt động, con chip gián điệp sẽ giúp tổ chức sử dụng nó vượt qua mọi rào cản bảo mật mà tùy ý tấn công, truy cập dữ liệu và kiểm soát toàn bộ dữ liệu trên máy chủ mà không bị phát hiện.
Từ trước đến nay phương pháp gián điệp chủ yếu là sử dụng phần mềm. Trong lịch sử chưa từng xuất hiện một vụ hack phần cứng có tầm ảnh hưởng lớn như vậy. Theo Giáo sư Nicholas Weaver, chuyên gia bảo mật tại Viện Khoa học Máy tính Quốc tế Berkeley, không có cách nào thực sự có thể ngăn chặn một cuộc tấn công như thế này. Ông cho rằng đó là một phương pháp hack tối thượng.
Bằng chứng của Bloomberg chưa đủ thuyết phục
Cũng theo Bloomberg, 3 lãnh đạo chủ chốt tại Apple và 6 quan chức an ninh quốc gia cấp cao đã xác nhận với họ việc trên là hoàn toàn có thật, tuy nhiên do tính chất nhạy cảm của vấn đề nên danh tính của họ đến nay vẫn chưa được công bố.
Mặc dù vậy, phản hồi chính thức của Apple, Amazon, Supermicro, và tất nhiên của cả Chính phủ Trung Quốc đều ngược lại với cáo buộc mà Bloomberg công bố. “Chúng tôi có thể chắc chắn rằng: Apple chưa từng tìm thấy các con chip khả nghi trên, cũng như các thiết bị có thể thao túng hoặc gây hại cho máy chủ của chúng tôi. Apple chưa hề liên lạc với bên FBI hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Và chúng tôi cũng chưa hề nghe tới cuộc điều tra nào về vấn đề này.” – Apple đã viết cho Bloomberg.
“Kể cả trong quá khứ hay hiện tại, không bao giờ có chuyện Amazon hay công ty con của chúng tôi bị thay đổi phần cứng hay gắn chip gián điệp.” – Người phát ngôn của Amazon một mực khẳng định.
Cơ quan an ninh mạng không tin một vụ hack như vậy có thể xảy ra
Quan trọng hơn, cả Sở An ninh Nội địa Mỹ và Cơ quan An ninh mạng Anh Quốc đều nấp sau ủng hộ Apple, Amazon, Supermicro bác bỏ cáo buộc của Bloomberg, mặc dù họ chưa hề đưa ra luận điểm đối nghịch nào đủ sức thuyết phục. Về phía mình, Bloomberg dường như vẫn giữ rất vững lập trường. Họ mạnh dạn yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện từ phía Chính phủ Mỹ và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cáo buộc của họ.
Nếu là sự thật, đây là sẽ cuộc tấn vào công chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ quy mô lớn nhất, đồng thời có thiệt hại đáng kể nhất từ trước đến nay. Nó cho thấy tổ chức thực hiện kế hoạch trên không chỉ thao túng, am hiểu tường tận về các thiết bị công nghệ mà Mỹ sử dụng, mà tổ chức đó còn tinh vi đến mức điều phối các thiết bị gián điệp đó đến đúng nơi, đúng thời điểm chúng muốn
T.Vũ (Tổng hợp)