Trong dịp sinh nhật lần thứ 60 của mình, NASA đã tuyên bố cho cả thế giới biết họ sẽ đưa phi hành gia tới thám hiểm sao Hỏa trong hai thập niên tới. Tuy nhiên việc NASA có khả năng đưa người lên hành tinh đỏ, không có nghĩa con người chúng ta đã sẵn sàng thực hiện hành trình này.
Theo nghiên cứu mới nhất, làm việc ngoài không gian vũ trụ lâu ngày sẽ có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới sức khỏe. Trong khi đó, hành trình đến Sao Hỏa có thể mất tới vài năm để đến đích, do vậy việc tìm được một phi hành đoàn đáp ứng được cả chuyên môn và sức khỏe không phải chuyện đơn giản.
Để chứng minh, các nhà khoa học đã dùng chuột làm thí nghiệm. Họ đưa chúng vào môi trường phóng xạ, mô phỏng tương tự với những điều kiện phi hành gia phải đối mặt ngoài vũ trụ. Những con chuột được chia làm ba nhóm, một nhóm được cho tiếp xúc với các ion nặng, nhóm tiếp theo tiếp xúc với tia gamma (có mức độ bức xạ tương tự X-ray) và một nhóm còn lại được nuôi trong môi trường lý tưởng hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi mang so sánh, các nhà khoa học phát hiện bức xạ gây tổn thương đáng kể cho các mô tiêu hóa, dẫn đến những biến đổi chức năng cơ thể về lâu dài và có nguy cơ cao phát triển các khối u ở dạ dày và đại tràng.
“Chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ dữ liệu về các nguy hại mà phóng xạ trong không gian vũ trụ có thể tác động lên cơ thể. Hiểu rõ vấn đề này là điều rất quan trọng để bảo vệ phi hành đoàn của chúng ta trong các nhiệm vụ thám hiểm tương lai”. Kamal Datta, điều tra viên cấp cao tại NASA chia sẻ.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu cách đây không lâu của ExoMars cũng chỉ ra rằng: chuyến hành trình lên Sao Hỏa có thể khiến phi hành đoàn phải tiếp cận với ít nhất 60% tổng lượng phóng xạ trong suốt cuộc đời sự nghiệp của họ. Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ kỹ thuật ngày nay chưa thể tạo ra lớp bảo vệ tuyệt đối trước môi trường khắc nghiệt ngoài vũ trụ. Có thể trong tương lai sẽ có một phương thuốc nào đó có thể ngăn chặn điều này, nhưng hiện tại nó vẫn là điều không thể.
T.Vũ (Tổng hợp)