Đại Kỷ Nguyên

Nghề thăng hạng ứng dụng smartphone kiếm nghìn USD/tháng ở Việt Nam

Dịch vụ giúp những tựa game, ứng dụng mới ra mắt nhanh chóng “lên top” các bảng xếp hạng nhờ vào những lượt tải ảo đang ăn nên làm ra tại Việt Nam.

Dịch vụ giúp những tựa game, ứng dụng mới ra mắt nhanh chóng “lên top” các bảng xếp hạng nhờ vào những lượt tải ảo đang ăn nên làm ra tại Việt Nam.

Trước mặt là hơn chục chiếc smartphone Android đang sáng màn hình, T.N – một người làm Mobile Affiliate tại TP.HCM thoăn thoắt lướt các ngón tay trên màn hình, liên tục tải và xóa ứng dụng. Nhìn bề ngoài, người này giống như nhân viên sửa điện thoại hoặc kiểm tra điện máy cũ, nhưng thực tế, đây là một nghề đang hái ra tiền ở Việt Nam.

“Ví dụ bạn làm ra được một game, ứng dụng hay bạn muốn nó đứng top lượt tải trên Google Play hoặc Apple Store, bạn thuê tôi”, T.N giải thích về nghề “cày lượt tải” bằng smartphone.

Có lợi nhuận không kém những dàn trâu cày tiền số, Mobile Affiliate là tập hợp những dịch vụ phân phối ứng dụng, game trên thiết bị di động đến tay người dùng. Nó giúp tăng lượt tải ứng dụng, đăng ký tài khoản… Mục đích cuối cùng là giúp một ứng dụng, tựa game mobile có thêm người dùng.

Có nhiều cách để làm được việc này như xây dựng các website, tối ưu từ khoá tìm kiếm, chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook.

“Đáng buồn là tại Việt Nam, 90% lượng tải ứng dụng ban đầu đều đến từ các mỏ cày”, anh Hoàng Phú, một người làm Mobile Affiliate ở Đà Nẵng, chia sẻ.

Mỗi máy có thể đem lại thu nhập 300-600 USD cho “thợ mỏ” mỗi tháng.

Tại Việt Nam, các “mỏ cày” thường có quy mô từ 5-10 máy, thậm chí có mỏ cày khủng hàng trăm máy. “Mỗi tháng một chiếc smartphone có thể kiếm được được ít nhất từ 300 đến 600 đô-la Mỹ. Trước đây, có thời điểm các thợ mỏ thu được 2.000 đô-la Mỹ cho mỗi thiết bị”, anh Phú nói thêm.

Số tiền kiếm được tuỳ thuộc vào yêu cầu của từng chiến dịch. “Có ứng dụng tính phí trên mỗi lượt tải về, có cái tính trên lượt đăng nhập…”, T.N nói về cách tính phí của bên yêu cầu dịch vụ.

Ngoài đua top trên Apple Store hay Google Play, những ứng dụng cũng cần một lượng rất lớn người dùng nhằm thu tiền từ các nhà quảng cáo. Vì thế việc dùng các mỏ đào giả dạng người dùng phải sử dụng rất nhiều chiêu trò mới có thể qua mắt được những nhà quảng cáo.

Ngoài “đua top” trong kho ứng dụng, những chiếc điện thoại này còn dùng để click quảng cáo.

Để tránh bị phát hiện, các phần mềm điều khiển thiết bị điện thoại có khả năng làm giả tên thiết bị, IP và cả định vị địa điểm. Đầu tiên, liên kết tải ứng dụng phải có một lượng lớn traffic (lượt truy cập). Điều này được giải quyết bằng các website chuyến bán traffic. Sau khi có lượng traffic cần thiết, các thợ mỏ sẽ sử dụng những công cụ, phần mềm điều khiển điện thoại tự động tải, đăng nhập vào các ứng dụng hoặc game.

Với thiết bị Android, các thợ mỏ có thể “cày” trực tiếp trên điện thoại hoặc giả lập thiết bị trên máy tính. Nhưng những khách hàng yêu cầu tăng hạng trên iOS thì thợ mỏ phải dùng iPhone.

“Các thợ mỏ thường tham gia các mạng lưới trung gian chuyên nhận đơn hàng từ nhà cung cấp ứng dụng. Những ứng dụng thường thuộc sở hữu của nước ngoài với các chiến dịch lớn, cần huy động lượng tải nhiều để đua top trong kho ứng dụng”, anh Phú cho biết.

Bằng một số chiêu thức như vậy, “thợ mỏ” đã khiến nhà quảng cáo dùng tiền thật để hiển thị quảng cáo của mình cho máy xem. Mỗi năm các nhà quảng cáo đã vô tình đốt hàng tỷ USD tiền không hiệu quả cho những mánh lới kinh doanh kiểu này.

Việt Đức

Exit mobile version