Việc kiểm duyệt tin tức giả mạo trên Facebook hiện vẫn được thực hiện thủ công bởi con người. Chịu trách nhiệm cho việc này phần lớn là những nhân viên nữ.
Tại Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh, số lượng nhân viên nam gần gấp đôi so với nhân viên nữ. Tuy nhiên, ở ban Quản lý Tin tức, phần lớn nhân viên lại là nữ. Nhiệm vụ của họ rất quan trọng, thành hay bại sẽ định hình tương lai của ngành báo chí và ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội.
Sau đây, chúng ta sẽ theo chân nữ phóng viên Joan E. Solsman của CNET đến gặp gỡ một số nhân viên nữ đang làm việc ở ban Quản lý Tin tức của Facebook để tìm hiểu xem công việc của họ như thế nào nhé.
Alex Hardiman
Lãnh đạo nhóm này là Alex Hardiman. Cô xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm truyền thông. 80 năm trước, cụ ngoại của cô từng là một phát thanh viên trên radio tại thành phố Rapid, miền Nam Dakota.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, đến cuối năm nay, người dùng sẽ đọc được những thông tin chính xác ở trên News Feed hoặc ở bất kì đâu trên facebook".
Campbell Brown
Trước khi gia nhập facebook, Campbell Brown từng làm một phóng viên truyền hình. Cô đã làm việc trở lại chỉ 6 tuần sau khi sinh con đầu lòng, và 2 tuần sau đó, cô tiếp tục dẫn một chương trình tranh biện cấp tổng thống.
Ở lĩnh vực công nghệ, như truyền thông tin tức thì nam giới thường áp đảo, nhưng Brown nói, phần đông nhân sự ở ban Tin tức của Facebook là phụ nữ khiến những người như tôi trở nên đặc biệt.
"Chúng tôi đều là những người phụ nữ thích giải quyết những vấn đề khó và hiểu được sứ mệnh đặc biệt quan trọng của công việc chúng tôi đang làm bởi vì những tác động của nó tới xã hội và con em chúng tôi. Chính điều này là sợi dây bền chặt gắn kết chúng tôi lại."
Tessa Lyons
Tessa Lyons chịu trách nhiệm chính trong việc phân loại các thông tin không chính xác. "Tôi nghĩ, thành công không phải là hoàn toàn không có thông tin sai trên Facebook vì thực tế, Facebook là một nền tảng để mọi người biểu lộ bản thân." – Tessa nói.
"Nhưng ở góc nhìn của một người dùng Facebook, tôi mong muốn những thông tin mà tôi nhìn thấy là chính xác, những người mà tôi tương tác là người thật và những trang mà tôi theo dõi thật sự là có những con người thật quản trị".
Mollie Vandor
Chịu trách nhiệm đánh giá độ tin cậy của thông tin, Mollie Vandor là con nhà nòi trong ngành truyền thông. Cha của cô là một đạo diễn và nhà sản xuất chương trình phát sóng. Còn mẹ cô là một phóng viên hiện trường. Vì thế, cô thấu hiểu được tầm quan trọng của những thông tin có chất lượng, những đầu tư và nỗ lực dành cho nó.
"Tôi còn nhớ như in hồi tôi còn bé được nhìn thấy mẹ mình đưa tin về một cuộc bạo động ở bang Los Angeles. Lúc đó tôi đang mặc đồ ngủ, còn mẹ tôi thì đứng trước một cảnh tượng hỗn loạn điên cuồng. Bà đứng đó, chủ động và bình tĩnh, kể lại những gì đang diễn ra cho mọi người. Bà đã giúp tôi hiểu được điều gì đang diễn ra cho dù lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ. Tôi nhớ tôi đã nghĩ mẹ tôi là một người hùng thật sự. Và tôi đã muốn trở thành một người như bà."
Sara Su
Chịu trách nhiệm chính trong việc tháo gỡ những thông tin sai lệch ở những quốc gia trọng điểm, Sara Su phải đối mặt với nhiều thách thức nan giải. Ở một số nước như Myanmar, Liên hợp quốc gọi Facebook là "con quái thú" vì mạng xã hội này giúp lan truyền những lời lẽ thù hằn, dẫn đến các cuộc bạo lực sắc tộc.
"Bận tâm chính của chúng tôi là tìm hiểu tại sao lại có nhiều sự chia rẽ trên thế giới này đến thế, làm thế nào để giảm thiểu chúng và giữ lợi ích chung. Đó là một thách thức lớn mà tất cả thành viên trong nhóm của chúng tôi đều mong muốn giải quyết".
Mona Sarantakos
Mona Sarantakos đã từng làm quản lý mảng định dạng tin tức ở một công ty khởi nghiệp trước khi gia nhập Facebook. "Tôi là người đầu tiên có con ở công ty lúc đó, vì thế, tôi viết về chính sách nghỉ thai sản." – Mona nói.
Làm việc trong một nhóm nhiều phụ nữ nhữ thế này đã giúp các thành viên trở nên gắn bó với nhau hơn. "Chỉ cần lướt qua, đồng nghiệp của tôi có thể biết con tôi tối qua có quấy hay không, hoặc tôi có tâm sự gì buồn. Đồng nghiệp có thể nhận ra ngay những rắc rối tôi gặp phải và ôm động viên tôi. Những giây phút đó thật sự quan trọng và là chất keo kết dính chúng tôi lại, giúp chúng tôi chia sẻ với nhau cả niềm vui và nỗi buồn." – Mona cho biết thêm.
Antonia Woodford
Khi nghĩ tới các tin tức giả mạo, phần lớn mọi người đều chú ý đến những thông tin ở trong những câu chuyện, nhưng Antonia Woodford lại chịu trách nhiệm đối với những thông tin được đề cập ở trong các bức ảnh, video và các memes (trào lưu bắt chước trên mạng nhằm gây cười hoặc lừa đảo)
"Với memes, ranh giới phân biệt giữa những người chỉ muốn làm cho vui và những người có ý định lừa dối thật sự là khá mơ hồ. Có rất nhiều người không chỉ mong muốn chúng tôi giải quyết được những vấn đề hiện tại mà còn muốn chúng tôi phát hiện ra những vấn đề tiềm ẩn trong tương lai nữa." – Antonia chia sẻ.
Tổng Hợp