Công nghệ này nhắm vào những người khuyết tật về thể chất. Quá trình thí điểm sẽ được triển khai tại các bệnh viện ở Thụy Sĩ vào đầu năm tới.
Đây là một dự án nghiên cứu mang tên Pontis nhằm giúp những người khiếm khuyết về thể chất như liệt hoặc mất cả 2 tay có thể tiếp cận với TV dễ dàng hơn. Theo CNET, Samsung muốn “những người dùng bị giới hạn về thể chất có thể chuyển kênh và tăng giảm âm lượng bằng những suy nghĩ trong não bộ của họ”.
Đội ngũ nghiên cứu của Samsung Thụy Sĩ đã bắt đầu dự án này cách đây 3 tháng bằng việc hợp ác với Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (EPFL). Công ty Hàn Quốc đã trình diễn công nghệ mới này tại hội nghị thường niên dành cho các nhà phát triển (SDC) vừa diễn ra ở San Fransisco, Mỹ.
“Làm sao chúng tôi có thể giúp những người không thể hoặc gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển tiếp cận với TV?” – Ricardo Chavarriaga, một nhà khoa học tại EPFL đang làm việc trong dự án Pontis đã đã phát biểu như vậy tại SDC.
“Chúng ta đang làm cho công nghệ trở lên phức tạp hơn, thông minh hơn, nhưng chúng ta nên nhớ rằng, công nghệ được tạo ra là để phục vụ con người”.
Bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu đó là thu thập cách thức hoạt động của não khi người dùng muốn làm điều gì đó, chẳng hạn muốn chuyển kênh hoặc muốn chọn một bộ phim để coi. Để thu thập tín hiệu sóng não, người dùng cần phải đội một chiếc mũ đặc biệt gắn 64 cảm biến trong khi mắt nhìn vào một camera theo dõi chuyển động mắt.
Samsung và EPFL cũng đang phát triển một hệ thống cao cấp hơn chỉ dựa hoàn toàn vào tín hiệu não của người dùng để phù hợp với những người không thể kiểm soát được mắt.
Chavarriaga cho biết, cơ thể mỗi người mỗi khác nên nhóm của ông phải tinh chỉnh công nghệ này cho từng người: “Chúng tôi tin rằng trách nhiệm của chúng tôi là đem lại những gì tốt nhất cho con người, vì vậy chúng tôi cần phải cá nhân hóa công nghệ này”.
Tại sự kiện SDC, Martin Katheriner, Giám đốc Samsung Thụy Sĩ cho biết: Samsung định áp dụng công nghệ này cho smartphone nhưng cuối cùng đã chọn TV vì TV có màn hình lớn hơn và hầu hết các gia đình đều có TV. Hơn nữa, TV có thể được sử dụng như một thiết bị kết nối trung tâm của cả tòa nhà, điều này sẽ phù hợp hơn để áp dụng công nghệ sóng não.
Khi các lập trình viên vẫn chưa phát triển các ứng dụng có thể điều khiển được bằng não, Samsung đã tự mình nghiên cứu lĩnh vực này. Tuy nhiên, Samsung không phải là công ty duy nhất cố gắng sử dụng sóng não để điều khiển các thiết bị. Trước đó vào tháng 3/2017, CEO của Tesla và SpaceX là Elon Musk cũng đã thành lập công ty Neuralink, một hãng công nghệ chuyên nghiên cứu về thần kinh của con người, mà tham vọng của Elon Musk đó là có thể kết nối giữa trí não của con người với máy tính.
Theo Elon Musk, mục tiêu của Neuralink là tạo ra một thiết bị có thể giúp con người có thể tải lên hoặc tải về các kiến thức để giúp họ nhanh chóng tiếp thu các kiến thức giống như việc tải dữ liệu vào máy tính. Điều này sẽ giúp những người bình thường có thể nhanh chóng tiếp thu các kiến thức và sẽ đạt được trình độ cao hơn cả trí tuệ nhân tạo.
Google X Lab, phòng nghiên cứu các dự án tương lai của Google cũng được cho là đang tích cực nghiên cứu để vẽ lại bản đồ chi tiết nhất về bộ não của con người để có thể mô phỏng bộ não này và áp dụng vào các dự án trí tuệ nhân tạo đang thực hiện, giúp trí tuệ nhân tạo có được trí tuệ của một con người.
Đạt Vũ (Tổng hợp)