Harris Jacobs, phóng viên của tờ Business Insider vừa chuyển sang dùng điện thoại Android sau nhiều năm trung thành với iPhone. Anh đã có những cảm xúc thú vị và muốn chia sẻ với mọi người.
*Chú thích: Sau đây là bản dịch nguyên văn bài chia sẻ của Harris Jacobs được đăng trên tờ Business Insider hôm 26/11/2018. Phần nội dung nói về OnePlus 6T hơi tâng bốc vì vậy không loại trừ khả năng Business Insider đang quảng cáo cho hãng điện thoại này. Tuy nhiên, bạn đọc hoàn toàn có thể tham khảo vì nội dung mấu chốt của bài viết vẫn là những chia sẻ của một người dùng iPhone khi chuyển sang điện thoại Android.
Mọi người có thể gọi tôi là fan cuồng của Apple. Tôi đã sử dụng các sản phẩm của Apple từ rất lâu rồi, bắt đầu là chiếc Power Macintosh của bố mẹ tôi, kế đến là chiếc iBook rồi laptop MacBook và sau đó là nhiều đời máy nghe nhạc iPod.
Khi mẫu iPhone đời đầu ra mắt từ năm 2007, tôi đã lóa mắt vì nó. Sau khi tiết kiệm đủ tiền từ công việc làm thêm ở bể bơi, tôi đã mua nó chỉ vài tuần sau khi nó được bán ra thị trường. Cũng giống như bao người từng sở hữu một chiếc iPhone, tôi rất yêu thích nó.
Năm này qua năm khác, tôi lần lượt mua và sử dụng các mẫu iPhone 3GS, 4S, 5S, 6S. Mỗi lần đến cửa hàng, tôi đều dùng thử những chiếc điện thoại Android để biết thêm hệ sinh thái mở là như thế nào.
Chiếc iPhone 6S hiện tại tôi đã dùng được 3 năm rồi nhưng vẫn rất hài lòng với nó. Mọi thứ vẫn vận hành với tốc độ mượt mà như tôi cần. Tôi đã không nâng cấp lên các mẫu iPhone cao hơn vì đối với tôi, những thứ như 3D Touch, FaceID, hay cổng sạc thay cho cổng tai nghe 3,5 mm đều không thật sự cần thiết.
Nhưng sau này, pin của tôi sạc không vào điện, ngay cả khi tôi thay pin. Những cuộc gọi và dịch vụ thường xuyên bị gián đoạn. Đến tháng 10, tôi phải thừa nhận rằng đã đến lúc tôi cần mua một chiếc điện thoại mới.
Những điện thoại mới nhất của Apple cho tôi cảm giác không xứng đáng với giá bán của chúng.
Kể từ iPhone X, Apple định giá những chiếc iPhone cao cấp của mình ở mức 999 USD, một mức giá thật lố bịch trong khi thiết kế màn hình xấu và không có thêm tính năng nào đáng giá.
Tôi thường xuyên phải đi công tác nên cần một chiếc điện thoại không bị khóa mạng, nghĩa là tôi sẽ không trả thêm tiền để sử dụng dịch vụ mở mạng đi kèm với chiếc iPhone. Tôi sẽ trả nguyên một số tiền để có thể sử dụng với bất kì nhà mạng nào trên thế giới.
Mặc dù những smartphone ngày nay đã tiệm cận những chiếc máy tính mini có gắn camera, nhưng mức giá 900 USD hay 1.000 USD dường như vẫn quá cao khi mà dòng đời của mỗi chiếc điện thoại hiện nay hiếm khi vượt quá 2 năm. Chiếc máy ảnh kỹ thuật số của tôi còn có vòng đời đến hơn 5 năm.
iPhone 8 là là một lựa chọn tốt khi hiệu năng cao hơn iPhone 6S, giá thấp hơn iPhone X và màn hình không bị khuyết "tai thỏ". iPhone XR là lựa chọn ngay dưới iPhone XS nhưng phải tốn ít nhất là 750 USD – vẫn là một số tiền lớn.
Tôi phân vân giữa hai lựa chọn là mua một chiếc điện thoại đầu bảng, hay chi ra khoảng 599 USD để mua một chiếc điện thoại mới hơn một chút so với điện thoại đang dùng.
Đầu tiên, tôi thử một chiếc điện thoại tầm trung có giá khoảng 300 USD và thấy rằng nó có thể hoàn thành tốt những yêu cầu của một người dùng phổ thông.
Mẫu đầu tiên lọt vào mắt tôi là chiếc Moto G6 có giá 230 USD vì tôi thấy nhiều người đánh giá cao về hiệu năng và mức giá của nó. Tôi đặt mua nó trên Amazon bởi vì chính sách hoàn trả tiện lợi và nó được giao tới tận tay tôi hai ngày sau đó.
Tôi dành vài giờ đồng hồ để làm quen với hệ điều hành, các ứng dụng và phần cài đặt hệ thống, nhưng thành thực mà nói, nó dễ dùng hơn tôi tưởng.Tôi đã sử dụng Google Photos để lưu trữ ảnh, duyệt email bằng Gmail, và rất nhiều ứng dụng khác (Instagram, WeChat, WhatsApp, Spotify…). Tất cả những gì tôi cần làm là tải chúng xuống và đăng nhập bằng tài khoản của mình.
Mặc dù mức giá chỉ 230 USD, tôi cảm thấy chiếc Moto G6 có phần nhanh hơn chiếc iPhone 6S trước đây và có thể xử lý mọi tác vụ mà tôi mở lên. Thực tế là ngoại trừ việc chơi những game đồ họa nặng, thì bất kì chiếc smartphone nào hiện nay cũng có thể chạy mượt mà.
Tôi tiếp tục sử dụng chiếc điện thoại khoảng 1 tuần, khám phá những thứ mới mẻ ở Android. Nhấn đúp nút nguồn để mở camera là một tính năng cực kì hữu ích đối với những người thích chụp ảnh đường phố như tôi, nó giúp tôi nhanh chóng bắt được những khoảnh khắc đời thường.
Launcher cũng là một tính năng thú vị trên Android khi tôi có thể tùy chỉnh các widget, nhóm các ứng dụng lại với nhau cùng với công cụ Google Search.
Đây có thể là một điều quá tầm thường trong thế giới công nghệ, nhưng với một người dùng cài hàng trăm ứng dụng trên iPhone thì đó là một sự cải thiện to lớn. Apple chưa thật sự cập nhật giao diện của iOS vài năm qua. Bạn có thể ví von trường hợp này như “đang yên đang lành thì chớ nên cắm mảnh sành vào đít”, nhưng rõ ràng có lý do để thử nghiệm những ý tưởng tốt hơn.
Tiếp tục sử dụng, tôi còn nhận ra những tinh chỉnh khác hữu dụng hơn. Tính năng thông báo thì dễ tùy biến hơn, còn được trang bị trí tuệ nhân tạo. Nếu như bạn liên tục bỏ xem một thông báo nào đó, Google sẽ ghi nhận điều này và hỏi bạn có muốn tắt thông báo đó đi không. Điều này giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian so với việc phải vào phần cài đặt và cấu hình lại từng thông báo của mỗi ứng dụng.
Tôi tin chắc những người dùng iOS có thể thông cảm với tôi. Có nhiều lúc, tôi không muốn nhìn vào màn hình thông báo bởi vì nó tràn ngập những thông tin mà tôi không bao giờ cần đến.
Lúc đó mới thấy trợ lý Google Assistant hữu dụng nhường nào. Mặc dù nó không chính xác bằng Alexa của Amazon nhưng vẫn tốt hơn Siri của Apple.
Camera của chiếc Moto G6 rất tệ, vì thế tôi quyết định đổi sang OnePlus 6T.
Điểm yếu duy nhất của Moto G6 là camera và không có cách nào khắc phục cả. Camera của chiếc điện thoại này còn không bằng camera của chiếc iPhone 6S mà tôi đã dùng 3 năm, chưa nói đến những mẫu iPhone đời mới khác. Dù biết rằng không thể mong chờ gì hơn ở một chiếc điện thoại 230 USD nhưng với một người đam mê chụp ảnh như tôi, tôi không thể cảm thấy vui vẻ với chiếc điện thoại này về lâu dài.
Người đồng nghiệp Antonio Villas-Boas đã giới thiệu cho tôi một chiếc điện thoại OnePlus 6T. Anh nói đây là một chiếc điện thoại tốt và giá cả hợp lý. Mặc dù tôi chưa từng nghe về công ty này, nhưng OnePlus đã bắt đầu tạo dựng được một lượng khách hàng trung thành nhờ những chiếc điện thoại chất lượng cao có giá bán vừa phải trong hơn 5 năm qua. Công ty này đã giới thiệu hai mẫu điện thoại là 6 và 6T vào tháng 10/2018.
Với mức giá 580 USD, OnePlus 6T đắt hơn Moto G6 nhưng vẫn rẻ hơn mọi mẫu iPhone. Theo đánh giá của những người dùng đầu tiên thì nó hoàn toàn có thể cạnh tranh với những siêu phẩm khác như iPhone X hay Pixel/Pixel XL của Google.
"Tôi cảm thấy mình bị đánh lừa bởi một chiếc điện thoại giá chỉ 580 USD nhưng lại có thể làm được mọi thứ hiệu quả như những chiếc điện thoại đầu bảng khác mà tôi từng sử dụng trong năm nay." – Villas-Boas đã viết như vậy trong phần đánh giá của mình. Vậy là tôi quyết định dùng thử.
OnePlus 6T hoạt động mượt mà như một chiếc điện thoại 900 USD trong khi giá bán chỉ bằng 2/3.
Sau ba tuần sử dụng, tôi phải đồng ý với những ý kiến đánh giá trước đó: OnePlus 6T đúng là tốt thật. Nó nhanh, và có hầu hết những tính năng cao cấp như những chiếc điện thoại đắt tiền hơn như iPhone X hay Google Pixel, thậm chí còn có những công nghệ mới hơn như cảm biến vân tay trên màn hình.
Tuy vậy, tôi vẫn lo lắng về khả năng chụp hình của chiếc điện thoại này. Lúc tôi mua OnePlus 6T thì bạn gái tôi cũng mua một chiếc iPhone XR. Khi đi du lịch vào tháng trước, chúng tôi đã có dịp so sánh ảnh chụp từ 2 chiếc điện thoại.
Tôi không cho rằng camera của OnePlus 6T tốt hơn so với camera của iPhone XR nhưng phải nói là "kẻ tám lạng, người nửa cân". Có nhiều tình huống iPhone XR thể hiện tốt hơn OnePlus 6T nhưng cũng có trường hợp OnePlus 6T xử lý tốt hơn iPhone XR.
Không thể kết luận ảnh của OnePlus 6T hay iPhone XR đẹp hơn, đó là vấn đề cảm nhận của mỗi người. Ảnh chụp từ OnePlus 6T có xu hướng no màu hơn và có màu đen sâu hơn, trong khi ảnh từ iPhone XR có phần nhiều chi tiết hơn.
Nhưng sau đó, tôi đã khám phá ra một trong những niềm vui của việc sử dụng Android đó là nền tảng mở và cộng đồng người dùng đông đảo. Trên diễn đàn công nghệ Reddit, tôi thấy nhiều lập trình viên đã mang ứng dụng chụp ảnh GCam nổi tiếng của Google lên điện thoại OnePlus.
Mặc dù tôi không thường xuyên sử dụng GCam vì lo ngại sự thiếu ổn định do đây không phải phần mềm được Google phát hành chính thức cho OnePlus, nhưng tôi thường sử dụng phần mềm này khi chụp đêm. Và tôi nhận thấy rằng, chế độ chụp đêm của GCam kết hợp với camera của Oneplus 6T thật hoàn hảo, đánh bật camera của iPhone XR.
Vậy là chỉ với một chút tinh chỉnh, tôi đã có thể sử dụng chiếc điện thoại của mình một cách vui vẻ hơn những năm trước.
Tôi thấy một vấn đề lớn của việc chuyển từ hệ điều hành iOS sang Andoird đó là phải từ bỏ iMessage.
Tôi thấy rằng thiệt thòi lớn nhất khi phải chuyển từ hệ điều hành iOS sang Android đó là không được dùng iMessage. Apple đã rất khôn khéo khi tích hợp hệ thống nhắn tin này vào sâu trong ứng dụng SMS mặc định.
Hầu hết bạn bè và gia đình tôi sử dụng iOS và đã quen nhắn tin bằng iMessage nên tôi gặp rất nhiều khó khăn khi thuyết phục họ sử dụng một phần mềm thay thế là WhatsApp.
Càng sử dụng Android, tôi càng nhận thấy rằng iMessage là sự khác biệt lớn nhất giữa hai hệ điều hành. Tất nhiên, còn những điểm khác nữa như dịch vụ lưu trữ đám mây iCloud hay sự bảo mật tốt hơn của hệ điều hành iOS, nhưng rào cản dễ nhận thấy đối với hầu hết người dùng iOS khi chuyển sang Android là từ bỏ iMessage.
Và tôi phải thành thật, đó là một sự đau đớn. Mặc dù tôi không thấy phiền khi sử dụng WhatsApp, nhưng iMessage rõ ràng là một dịch vụ nhắn tin sạch sẽ và mượt mà hơn. Ở điểm này, nếu ai đó bảo tôi quay lại với iOS trong vài năm thì tôi có thể làm theo lắm. Nhưng ngay bây giờ, tôi không hề hối hận về sự chuyển đổi của mình. Cảm giác nó mang lại thật phấn khích.
Đạt Vũ (Tổng hợp)