Đại Kỷ Nguyên

Cuộc phỏng vấn đặc biệt với Carol Bowman, tác giả cuốn ‘Kiếp trước của Trẻ em’

Tác giả Carol Bowman (Ảnh: flickr)

Cuộc phỏng vấn của phóng viên PureInsight.org (PV) và bà Carol Bowman – tác giả quyển sách Kiếp trước của Trẻ em

PV: Xin bà cho biết điều gì đã làm bà hứng thú với việc nghiên cứu về hiện tượng luân hồi?

Bà Carol: Tôi bắt đầu quan tâm tới những ký ức về kiếp trước của trẻ em khi chính các con của tôi khi còn nhỏ đã có những ký ức về kiếp trước. Mọi việc bắt đầu khi con trai tôi, Chase, được 5 tuổi và cháu trở nên cực kỳ sợ hãi trước những tiếng nổ lớn.

Lần đầu tiên chúng tôi nhận thấy cháu có hội chứng sợ này là vào buổi lễ bắn pháo hoa kỷ niệm ngày 04 tháng 07 (quốc khánh Hoa Kỳ) vì khi đó cháu trở nên cực kỳ hoảng loạn khi những tiếng nổ lớn của pháo hoa bắt đầu vang lên trên bầu trời. Khi tôi hỏi cháu sợ điều gì, thì cháu không thể trả lời được. Nhưng phải rất lâu sau cháu mới dần dịu xuống và bình tĩnh trở lại.

Điều tương tự lại xảy ra khoảng ba tuần sau đó, khi chúng tôi đang ở bể bơi trong nhà của một người bạn. Đó là một bể bơi công cộng và mọi người đang lần lượt đứng trên ván cầu nhảy xuống bể. Ngay khi Chase và tôi đi vào tòa nhà có bể bơi thì cháu lại bắt đầu trở nên hoảng loạn. Và tôi nhận ra rằng chính những tiếng động lớn vang lên trong tòa nhà khi người ta nhảy từ ván cầu xuống nước đã làm cho cháu kinh sợ. Vào lúc đó tôi đã hiểu đươc rằng cháu đang phản ứng trước những tiếng động đó nhưng tôi vẫn không biết phải làm gì với phát hiện này.

Sau đó không lâu, một người bạn là chuyên gia chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên tới thăm tôi. Anh rất có kinh nghiệm trong việc thôi miên hồi quy tiền kiếp ở người lớn (trong trạng thái thôi miên, người bị thôi miên có thể trải nghiệm các cảnh tượng trong tiền kiếp, hay kiếp trước). Và tôi vô tình đề cập với anh về hội chứng sợ của Chase. Lúc đó tôi nghĩ rằng vì anh là chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp thôi miên, nên anh có thể đưa cho Chase một số lời khuyên sau phiên thôi miên, để lần tới khi tiếp xúc với những tiếng động lớn thì cháu sẽ không có phản ứng kích động như vậy.


Cậu bé Chase khi còn nhỏ (Nguồn: PureInsight.org)

Thế nên tôi kể cho người bạn tên Norman, nhà thôi miên, về chứng sợ hãi của Chase. Anh hỏi xem liệu chúng tôi có muốn tiến hành một thử nghiệm nhỏ hay không. Tôi không biết anh có dự tính gì. Cả tôi và Chase đều đồng ý. Thế rồi Norman bảo Chase, khi đó cao chừng này, và mới chỉ năm tuổi rằng: “Cháu hãy ngồi trong lòng mẹ, nhắm mắt lại, và cháu cho chú nghe cháu nhìn thấy điều gì mỗi khi nghe thấy những âm thanh lớn mà làm cho cháu sợ nhé.”

Ngay lập tức, Chase bắt đầu mô tả bản thân là một anh lính, một chiến sĩ mặc quân phục, trên tay cầm một khẩu súng dài gắn lưỡi lê ở phía đầu. Cháu nói cháu đang núp đằng sau một tảng đá vì khi đó một trận chiến đang diễn ra. Vào lúc này, tôi nhận ra đây không phải là điều mà Chase đã xem trên TV, bởi vì cháu ít khi xem TV. Cháu chỉ xem hai chương trình dành cho trẻ em là  Sesame Street và Mr. Rogers.

Chương trình dành cho trẻ em Sesame Street. (Ảnh wikia)

Rồi cháu tiếp tục mô tả bản thân trong trận chiến này: “Con sợ lắm. Con thấy hoang mang. Con không muốn ở đây.” Cháu nói câu này ở ngôi thứ nhất như thể cháu đã thực sự ở đó. Cháu kể rằng cháu nhớ đến việc bị bắn vào cổ tay. Khi kể đến đây, cháu nắm chặt cổ tay của mình và nói: “Con đau lắm, rồi trở nên bất tỉnh. Con tỉnh dậy và thấy mình đang ở trong bệnh viện. Nhưng đó không phải là một bệnh viện thông thường.” Cháu nói đó chỉ là một chỗ được đóng cọc trên nền đất và vài vật liệu phủ trùm lên những cây cọc đó. Rồi cháu tiếp tục: “Họ đặt con trên giường, nhưng nó không phải là một chiếc giường thông thường. Nó chỉ là một cái ghế băng dài và cứng.” Cùng lúc đó tôi cũng bắt đầu tự hình dung cảnh tượng này trong đầu để cố gắng đoán xem đó có thể là ở đâu, và cháu đang cố gắng nói cho chúng tôi biết điều gì. Vào lúc ấy, tôi biết rằng chúng tôi đang đề cập đến một điều vượt quá bất kể những gì mà cháu đã từng nói đến trước đây, bất kể thứ gì mà tôi đã từng quan sát thấy ở trẻ con.

Thế rồi cháu kể tiếp rằng cháu đã bị thương, rằng họ đã quấn băng quanh cổ tay cháu như thế nào, và họ nói với cháu rằng cháu phải quay lại chiến trường. Cháu nói: “Con không muốn đi đâu. Con rất nhớ vợ con.” Tôi khựng lại khi nghe đến chỗ này, điều này thật đáng lưu tâm. Và tôi cũng muốn nghe tiếp câu chuyện. Vì vậy Norman khích lệ Chase kể tiếp. Anh ấy hỏi cháu: “Chuyện gì đã xảy ra? Cháu cảm thấy thế nào? Rồi chuyện gì xảy ra sau đó?”

Chase tiếp tục kể rằng cháu đã từng có một người vợ và một gia đình, và cháu rất nhớ họ. Cháu không muốn trở thành một người lính. Cháu không biết là bản thân đang làm gì ở đó. Cháu cảm thấy hoang mang. Vào lúc này, Norman nói với Chase bằng một thứ ngôn ngữ rất giản dị rằng làm một người lính cũng được mà. Chúng ta đã từng sống các kiếp sống khác nhau trên Trái Đất, và chúng ta đã đóng nhiều vai khác nhau như các diễn viên trong một vở kịch. Rồi anh nói, trong một vài kiếp sống, chúng ta là lính, và chúng ta phải giết người trong chiến trận, hoặc chúng ta bị giết, nhưng không ai đổ lỗi cho ai. Tôi băn khoăn không biết đứa bé 5 tuổi của tôi có hiểu cái khái niệm to tát này không. Nhưng tôi có thể thấy cháu bắt đầu trở nên thư giãn hơn khi ngồi trong lòng tôi.

Bà Carol Bowman trong cuộc phỏng vấn

Thế là Norman phát hiện ra là anh ấy cần một giải pháp cho điều này. Khi Chase trở nên thư giãn hơn, cháu tiếp tục câu chuyện. Cháu nói: “Họ bắt con trở lại chiến trường. Con đang đi trên một con đường bụi mù mịt. Và con nhìn thấy những con gà đang đi trên đường.” Đó là một chi tiết khá thú vị. Rồi cháu kể tiếp: “Con nhìn thấy người ta đang kéo một khẩu pháo trên đường, đó là một chiếc xe có bánh to và được chằng bởi những sợi dây thừng. Chiếc xe ấy đang được những con ngựa kéo.” Và cháu kể: “Họ muốn con đi đằng sau khẩu pháo.” Vào lúc này, cháu bỗng mở mắt, nhoẻn miệng cười, rồi nhảy khỏi lòng tôi và chạy ra ngoài chơi.

Tôi cảm thấy hơi sốc. Chúng tôi đã ngồi xung quanh bàn bếp trong nhà khi chuyện này diễn ra. Đứa con gái 9 tuổi của tôi cũng đã ngồi đó và quan sát hết những chuyện này. “Thật thú vị”, cháu nói, “Mẹ, mẹ, nơi cổ tay mà Chase bị thương ở chiến trường là chỗ mà nó bị chàm đấy.” Kể từ khi Chase còn rất bé, nó đã bị một vết chàm mãn tính ở chỗ cổ tay. Chúng tôi đã đưa nó đi khám ở nhiều bác sĩ vì vết chàm rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng đến mức cháu thường gãi cành cạch suốt đêm đến nỗi chảy máu. Thế nên tôi phải băng cổ tay của cháu lại trước khi cháu đi ngủ. Tôi hơi ngạc nhiên và nhận ra rằng có chút liên hệ nào đó với triệu chứng của Chase. Lúc đó tôi cũng không suy nghĩ nhiều về điều này. Nhưng…..

Vết chàm chưa từng tiến triển tốt với Tây y cho dù chúng tôi đã thử các liệu pháp khác nhau. Chẳng có liệu pháp nào hữu hiệu. Thế mà sau trải nghiệm về ký ức này của Chase, cháu đã nói khoảng 15 phút. Sau đó, nỗi sợ của cháu đối với tiếng động lớn hay tiếng nổ lớn đã biến mất.

Và chỉ trong vòng vài ngày sau đó, vết chàm vốn đi theo nó từ thuở sơ sinh đã hoàn toàn biến mất và không bao giờ xuất hiện lại.

Khi cháu được 18 tuổi, một ngày nọ cháu vừa bước vào nhà vừa gãi gãi cổ tay. Tôi hỏi: “Chase, con bị sao không?” Cháu đáp: “Con không biết nữa, nhưng vết chàm đó lại quay trở lại.” Tôi hỏi: “Con làm gì gần đây vậy? Có chuyện gì xảy ra với con không?” Cháu nghĩ một lúc rồi đáp: “Ồ, con vừa mới đăng ký nghĩa vụ quân sự.” Hóa ra, bằng cách nào đó, thậm chí chỉ một ý nghĩ nhập ngũ thôi cũng đã làm khơi gợi ký ức cơ thể này của nó. Rồi sau đó vết chàm lại biến mất.

Sau buổi chiều đáng nhớ đó, tôi bắt đầu trở nên hứng thú với những ký ức kiểu này. Vào thời điểm đó, tôi nhận ra rằng đó hẳn là ký ức từ kiếp trước. Tôi không chỉ ngạc nhiên vì con trai tôi có thể dễ dàng nhớ lại các ký ức khi được hỏi, mà còn vì sau khi cháu nói về cảnh tượng nơi chiến trận, nơi có những tiếng nổ lớn, nỗi sợ hãi của cháu đã được gợi lại từ chính từ những trải nghiệm trên chiến trường, nỗi sợ hãi những tiếng nổ lớn. Nỗi ám ảnh đó cùng với vết chàm kinh niên của cháu đã hoàn toàn biến mất. Đối với tôi, quả là điều kỳ diệu khi có thể chứng kiến mối liên hệ giữa ký ức và việc chữa trị triệu chứng trên cơ thể này.

Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu một cách không chính thức bằng hỏi các bậc cha mẹ khác trong khu vực tôi ở rằng liệu họ đã bao giờ trải nghiệm điều gì tương tự như thế xảy đến với con họ chưa. Một số người trong số họ cũng có những câu chuyện tương tự về những đứa con ba hoặc bốn tuổi nói những điều đại loại như, mẹ có nhớ hồi con còn lớn và con có một con ngựa không? Hoặc mẹ có nhớ khi chúng ta ở cùng nhau và con tàu bị chìm rồi tất cả chúng ta đã mất mạng không? Quả thực những câu hỏi này đã làm các bậc phụ huynh té xỉu.

Vì thế tôi bắt đầu thu thập những trường hợp kiểu này, rồi sau vài năm tôi càng lúc càng nghiên cứu nhiều hơn và càng thu thập được nhiều trường hợp hơn. Tôi cũng hình thành nên một bức tranh toàn cảnh về thông điệp rút ra từ những ký ức này. Làm sao các bậc phụ huynh nhận biết được các ký ức này ở trẻ, và làm thế nào họ có thể phân biệt được chúng không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Điều gì khiến họ nghĩ rằng chúng là các ký ức chứ không chỉ đơn thuần là trí tưởng tượng. Rồi sau nhiều năm, tôi phát triển những kỹ năng dành cho các bậc phụ huynh để giúp con mình xử lý các ký ức này khi chúng xuất hiện. Bởi vì những ký ức này xảy đến một cách ngẫu nhiên với những đứa trẻ dưới 7 tuổi. Ý tôi là mỗi một đứa nhỏ, tự nhiên lại kể về những lúc trước, khi chúng còn lớn, hay khi chúng qua đời, hoặc nhớ lại khi chúng còn là một bà mẹ với năm đứa con. Những ký ức này xảy đến rất tự nhiên, đột ngột với trẻ em ở Mỹ và Canada, cũng như ở những nước châu Á nơi người ta tin vào luân hồi. Như vậy, có một hiện tượng tự nhiên xuất hiện ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới.

PV: Bà có tin vào luân hồi trước khi bà có trải nghiệm này với con trai bà không?

Bà Carol: Khi tôi còn là một sinh viên đại học, vào hồi những năm 1960, tôi đã có một số trải nghiệm hướng tôi đến nghiên cứu Phật giáo và Ấn Độ giáo. Tôi bắt đầu đọc về hiện tượng luân hồi, và tôi thấy cũng cảm thấy rất có lý. Tôi cho rằng vào lúc đó tôi chấp nhận nó như một khả năng trên phương diện triết lý trừu tượng hơn là một sự tồn tại thực tế. Do đó khi con tôi có những trải nghiệm này, tôi đã rất dễ tiếp thu và hiểu được rằng luân hồi có thể là hiện tượng rất thật và thuộc về cá nhân. Làm thế nào mà chúng ta có được các ký ức này khi còn nhỏ, rằng ý thức dường như vẫn tiếp tục sau khi chết, và tất cả trẻ con đều tự nhiên nhớ lại được các kiếp sống và chết trước đây. Và rồi điều gì đó xảy ra vào khoảng giai đoạn lên 7 tuổi, dường như là một bước ngoặt, có lẽ một sự phát triển tâm linh nào đó, mà những ký ức này có xu hướng mất dần. Không phải trường hợp nào cũng vậy, nhưng thường là khi chúng ta trở nên chìm đắm vào cái thực tại này hơn. Nhưng tôi cho rằng rất nhiều trẻ em đều có những ký ức kiểu này.

PV: Trước đây bà đã từng tin vào luân hồi, nhưng trải nghiệm với con trai bà đã mang đến những thay đổi ra sao đối với bà? Về nhân sinh quan, về luân hồi, về những mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình và với những người khác?

Bà Carol: Tôi nghĩ rằng trải nghiệm với con tôi đã hoàn toàn thay đổi quan điểm của tôi về sự sống và cái chết. Nó làm tôi nhận ra rằng cuộc sống thực sự sẽ vẫn tiếp diễn sau khi chết. Bởi vì tôi nghĩ rằng thậm chí ngay cả người lớn chúng ta cũng dần tin vào luân hồi. Chủ đề luân hồi thường nằm trong phạm trù lý luận, cho đến khi chúng ta có các bằng chứng chứng minh rằng nó là thật, hoặc có chuyện gì đó xảy ra trong cuộc sống cá nhân khiến chúng ta tin hoặc nhìn nhận rằng đó là một thực tế. Như những gì đã xảy ra với con tôi khi chúng có những ký ức này. Đặc biệt với con trai tôi, ký ức của cháu rất sống động và kết quả rất sâu sắc.

Tôi nghĩ nó đã giúp tôi hiểu được tại sao chúng ta lại có một mối cảm tình thân thiết với một ai đó, khi chúng ta cảm thấy chúng ta có mối liên hệ sâu sắc với ai đó, vì hiện giờ tôi tin rằng bởi lẽ chúng ta đã biết họ trong các kiếp sống trước đây rồi.

Và đôi khi chúng ta lại đến cùng lúc, hoặc cuộc đời của chúng ta được móc nối theo những cách thức nào đó, và có một mối liên hệ trong cuộc sống. Điều này không phải ngẫu nhiên. Thông qua hiện tượng luân hồi, tôi thực sự hiểu rằng chúng ta đều có liên hệ với nhau, và đối với tôi thì đó là nền tảng của cuộc sống.

PV: Nói đến các mối liên hệ, bà có biết bất kỳ ví dụ điển hình nào về những người có mối quan hệ nhân duyên trong các kiếp trước được luân hồi vào cùng một gia đình hay cùng một nhóm không? Nếu có, bà có thể đưa ra một ví dụ không?

Bà Carol: Sau khi cuốn sách đầu tiên của tôi, Các kiếp trước của trẻ em, được xuất bản vào năm 1997, và đây quả thực là một thời điểm tuyệt vời cho việc xuất bản cuốn sách vì khi đó bắt đầu có mạng Internet, chúng tôi đã lập một website và tôi đã công bố địa chỉ email của tôi trong cuốn sách. Thế là tôi bắt đầu nhận được rất nhiều trường hợp trên khắp thế giới từ các bậc phụ huynh đã vào website hoặc tìm thấy cuốn sách và muốn chia sẻ những câu chuyện của họ với tôi. Ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, cha mẹ không muốn đề cập đến chủ đề này, vì nó đi ngược lại niềm tin phổ biến.

Vì thế tôi thấy rằng người ta thường viết cho tôi và kể một câu chuyện đại loại như: đừng nghĩ tôi bị điên, nhưng tôi nghĩ là người bà đã mất 10 năm trước chính là đứa con bốn tuổi của tôi hiện giờ. Và đây là lý do tại sao tôi tin điều đó. Họ sẽ liệt kê một loạt các hành vi của đứa trẻ, từng thứ kỳ quặc và đặc thù giống với người bà quá cố. Hoặc đứa trẻ ba tuổi nói điều gì đó về cuộc sống của người bà mà một đứa trẻ ba tuổi thông thường sẽ không thể biết được. Hoặc đứa trẻ ba tuổi sẽ xem cuốn album ảnh cũ của gia đình và nhìn vào bức ảnh có người bà trong đó và nói: “Này, bà có nhớ bữa đó chúng ta đi dã ngoại và cậu Ted đã bị ngã xuống nước không?” Anh biết đấy, chúng biết những thứ mà lẽ ra chúng không thể biết được.

Và tôi thấy càng ngày càng nhận được nhiều trường hợp như vậy, rồi sau đó tôi nhận được một trường hợp đặc biệt của một phụ nữ ở Chicago với đứa con trai hai tuổi bị chết vì chứng u nguyên bào thần kinh, với triệu chứng xuất hiện các khối u trên khắp cơ thể. Một căn bệnh khủng khiếp. Tại thời điểm đứa trẻ chết, tên cháu là James, cháu có một khối u lớn ở sau mắt trái khiến con mắt đó bị mù. Cháu có một khối u lớn ngay phía sau tai phải đã được sinh thiết (Thao tác lấy mẫu (tế bào hoặc mô) để khảo sát bằng kính hiển vi phục vụ cho việc chẩn đoán ung thư). Và người ta đã đưa một ống truyền tĩnh mạch vào trong cổ nó, để lại một vết sẹo. Đứa trẻ này đã chết vì căn bệnh này khi mới được 26 tháng. Nhưng đó là các đặc điểm mà bạn có thể thấy được trên cơ thể cháu vào thời điểm tử vong.

Mười ba năm sau, người mẹ Kathy sinh hạ đứa con thứ tư, và cô đặt tên đứa trẻ này là Chad. Đứa trẻ được sinh mổ và sau khi ra đời, các bác sĩ tới nói với Kathy rằng: “Chúng tôi có tin xấu”, bác sĩ nói, “Có vẻ như đứa trẻ bị mù mắt trái”. Cô khá sốc khi nghe tin đó. Nhưng cô cũng rất biết ơn vì cháu còn sống. Họ đưa đứa trẻ vào cho cô và ngay lập tức cô nhận ra có một vết sẹo mổ ở bên cổ đứa bé. Và cô đã nhìn thấy cái gì như khối u ngay đằng sau tai phải của cháu. Cô hỏi: “Đó là cái gì vậy?” Và bác sĩ đáp: “Đó chỉ là một cái u nang thôi. Rồi nó sẽ lặn đi.” Cô hỏi tiếp: “Vậy cái gì trên cổ của nó vậy? Trông như một vết rạch!” Ông nói: “Đó chỉ là một cái bớt thôi mà.” Khi Kathy bế đứa trẻ lần đầu, cô cảm thấy một sự thân thiết nào đó, một mối liên hệ với đứa trẻ này. Cô đã biết, cô vừa biết, đây chính là James tái sinh, là đứa trẻ đầu tiên tái sinh. Và lần này, cháu bắt đầu thể hiện một số cử chỉ giống đứa anh đã chết của mình. Cháu có những đặc điểm giống đứa trẻ đã chết. Khi lên bốn tuổi, cháu bắt đầu kể về cuộc đời của James mà đáng lý cháu không thể biết. Cháu đòi những món đồ chơi cụ thể mà đứa trẻ đầu tiên hay chơi. Và một hôm nó đến trước những người anh của nó và nói: “Trước kia em đã ở đây. Em đã bị ốm rồi chết và bây giờ em đã quay lại.”

Nhưng vào lúc này, Kathy biết rằng cháu biết, mà cháu cũng đã nghi ngờ rằng bản thân mình chính là luân hồi của người anh trai trước đây. Trường hợp này thực ra rất phức tạp. Nhưng đây chính là câu chuyện trung tâm trong cuốn sách thứ hai của tôi.

Bởi vì tôi nhận ra rằng hiện tượng luân hồi vào cùng một gia đình trong vòng một khoảng thời gian rất ngắn, ba, năm, mười năm, là điều xảy ra rất thường xuyên. Tôi nghĩ hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn mọi người tưởng.

Nhưng chúng ta không có đủ tư liệu trong rất nhiều trường hợp để nói chính xác xem điều này đã xảy ra thường xuyên như thế nào. Nhưng với tôi thì điều này thật đáng kinh ngạc. Rằng dường như chúng ta có thể lựa chọn khi luân hồi. Bởi vì nếu luân hồi chỉ là một hiện tượng ngẫu nhiên, thì chúng ta sẽ không nhìn thấy rất nhiều trường hợp luân hồi như thế trong cùng một gia đình. Nên hình như có điều gì đó, kiểu như ý thức, hay một loại quy luật tự nhiên có thể mang linh hồn, hay nguyên thần trở lại với cùng một nhóm trong cùng một gia đình. Và thông qua xem xét rất nhiều trường hợp, đôi khi có chuyện gì đó chưa giải quyết xong, nên đứa trẻ đã chết muốn quay lại với gia đình đó. Hoặc một ông hay bà có tình cảm quyến luyến với ai đó trong gia đình nên muốn quay trở lại với gia đình đó. Vì thế dường như có tình yêu, có chuyện gì đó chưa giải quyết xong, và có thể một số nhân tố khác đã mang linh hồn đó trở lại với gia đình. Tất nhiên, chúng ta chưa thể hiểu hết được sự việc này. Nhưng chúng ta có thể thu thập những gợi ý và một số manh mối từ những trường hợp như vậy.

…tôi nhận ra rằng hiện tượng luân hồi vào cùng một gia đình trong vòng một khoảng thời gian rất ngắn, ba, năm, mười năm, là điều xảy ra rất thường xuyên


Bản dịch tiếng Hoa cuốn sách đầu tay của Carol Bowman, Các kiếp trước của trẻ em (Nguồn: PureInsight.org)

PV: Làm sao cha mẹ nhận ra được khi nào con mình nói về kiếp trước?

Bà Carol: Sau khi nghiên cứu hàng trăm trường hợp, tôi bắt đầu nhận ra một số điểm tương đồng trong những trường hợp đó. Và tôi bắt đầu tìm cách giúp các bậc phụ huynh hiểu rằng đây là những ký ức từ kiếp trước chứ không phải là trí tưởng tượng. Và điều đầu tiên tôi phát hiện ra chính là tuổi của đứa trẻ. Những đứa trẻ sẽ liên tục có những ký ức này cho tới khi lên 7 tuổi. Thế nên nếu đứa trẻ hai, ba, hoặc bốn tuổi bắt đầu nói về hồi trước khi chúng còn lớn, hoặc chúng đã chết như thế nào, thì đó là một biểu hiện cho thấy chúng rất có thể đang nói về ký ức từ kiếp trước. Và khi đứa trẻ nói về những ký ức này thì chúng rất nghiêm túc, thẳng thắn, và thực tế. Và khi đứa trẻ nói về những điều tưởng tượng, anh có thể thấy được chúng cứ kể liên hồi (đổi giọng để nghe có vẻ kịch tính hơn): “Khi con lớn, con là thế này…. con là một cô công chúa….” Có một kiểu ngân nga trong giọng của chúng. Nhưng khi đứa trẻ nói về ký ức kiếp trước, chúng sẽ nói: (giọng nghiêm túc) “Mẹ có nhớ trước đây khi con chết không?” Chúng nói điều đó một cách rất trực tiếp, và điều này thường khiến cha me tạm dừng việc đang làm và chú ý lắng nghe. Họ có thể cảm thấy rằng đây là một kiểu giao tiếp quan trọng.

Và một điều gây chú ý cho các bậc phụ huynh là đứa trẻ ba tuổi sẽ đề cập đến những thứ mà một đứa trẻ ba tuổi bình thường không thể biết được. Chẳng hạn như cảm giác khi đeo một chiếc mặt nạ phòng độc trong một chiến trường, hoặc một quả bom đang rơi, hay những điều mà đứa trẻ chưa từng tiếp xúc. Hoặc có thể là điều đại loại như: “Khi con còn là một người mẹ, con đã có sáu đứa con và khi đó chúng con không có ô tô, nên chúng con cưỡi ngựa.” Khi một đứa trẻ hai hay ba tuổi nói về những chuyện kiểu thế với giọng điệu như vậy, thì hãy chú ý, bởi vì chúng có thể đang liên hệ với một ký ức từ kiếp trước. Và đôi khi chúng biết các chi tiết của sự việc hoặc sử dụng những từ ngữ mà chúng thường không sử dụng.

Một đứa trẻ ba tuổi nói bảo mẹ rằng cháu đã từng là một phụ nữ tên Mary. Đó không phải là tên của cháu trong đời này. Và rằng cô ta đã chết vì thai lưu (deconception), đó là một thuật ngữ từ thế kỷ thứ 19 mà chẳng ai còn dùng (hiện nay dùng từ “stillbirth”). Vì vậy cha mẹ có thể nhận ra nhờ vào những gì đứa trẻ nói, và đôi khi đứa trẻ sẽ có những biểu hiện nhất định như con trai tôi. Cháu đã rất sợ những tiếng nổ lớn, và rồi cháu kể về thời gian trong chiến trận. Vì thế các biểu hiện hành vi của trẻ cũng có thể liên hệ đến câu chuyện. Thông thường nếu đứa trẻ nói nhiều hơn một câu, chúng cũng sẽ nhắc đi nhắc lại câu chuyện với những chi tiết tương tự trong một khoảng thời gian dài, có thể là hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí một vài năm. Và câu chuyện sẽ vẫn như vậy; nó sẽ không đổi theo thời gian. Khi đứa trẻ này lớn lên hoặc biết được thêm nhiều từ vựng, chúng sẽ bổ sung vào câu chuyện trước đây khi phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Nhưng theo thời gian câu chuyện nguyên gốc vẫn sẽ không đổi.

PV: Bà có thấy sự khác biệt nào giữa các gia đình không tin với những gia đình tin vào luân hồi không? Phản ứng của họ có khác nhau không?

Bà Carol: Trong hầu hết các trường hợp tôi đã nghiên cứu, các bậc phụ huynh đều không tin vào luân hồi trước khi trải nghiệm những gì xảy đến với con họ. Nhưng sau khi lắng nghe, quan sát con mình và nhận ra rằng luân hồi có thể là lời giải thích hợp lý cho những gì chúng nói, thì họ đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận. Cá nhân mỗi người đều hiểu rằng chúng ta đã trải qua nhiều kiếp sống, và nếu họ nhìn thấy điều đó ở con mình, thì họ hiểu rằng điều đó cũng áp dụng với bản thân họ. Vì vậy hiện tượng này đã thật sự mở rộng cái nhìn của họ về cuộc sống và cái chết. Và trong rất nhiều trường hợp, các bậc phụ huynh đã bảo tôi rằng nó đã lấy đi nỗi sợ cái chết trong lòng họ. Tôi nghĩ rằng với những bậc cha mẹ có tư tưởng cởi mở đối với luân hồi, giống như tôi, thì nó sẽ chỉ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta. Luân hồi thực sự rất thực tại và gần gũi với mỗi người hơn là một thứ triết lý trừu tượng nào đó. Và tôi nghĩ nó có thể mở mang rất nhiều cho chúng ta. Tôi nghĩ nó có thể giải thích rất nhiều điều về tính cách con người mà ngành di truyền học và môi trường học chưa thể nắm bắt đầy đủ.

Theo tôi, khi tín ngưỡng của một số người nói rằng điều này là không tưởng, thì một số người sẽ dựng lên một bức tường chắc nịch đến mức thậm chí khi họ quan sát thấy điều này ở con mình thì cũng không thể thay đổi được quan điểm của họ. Và tôi không đồng tình với những người như vậy. Nhưng tôi biết chắc rằng có rất nhiều trường hợp ngoài kia chưa được báo cáo, bởi vì niềm tin của các bậc phụ huynh đã tuyên bố một cách mạnh mẽ, cứng nhắc rằng điều này không thể xảy ra. Vì thế tôi nghĩ rằng cần phải có một trường hợp thật rõ rệt thì mới có thể phá tan bức tường quan niệm của họ.

PV: Bà có thể cho biết động lực nào đã khiến bà viết hai quyển sách đó không?

Bà Carol: Sau khi tôi có trải nghiệm đó với con trai, và bắt đầu tiến hành nghiên cứu và nói chuyện với các bậc cha mẹ khác, tôi nhận thấy rằng chưa có ai thực tổng hợp lại những thông tin này cho các bậc cha mẹ. Làm thế nào tôi có thể nhận diện được những ký ức này? Và nên làm gì nếu con của bạn bắt đầu nói về kiếp trước? Đây là việc tốt hay xấu, bạn có thể giúp chúng không? Bạn nên làm gì? Thế nên tôi nhận ra rằng có lẽ tôi là người sẽ viết một cuốn sách về những điều như vậy. Tôi có hứng thú và tôi cũng có các trường hợp trong tay. Và tôi nghĩ rằng cuốn sách sẽ thực sự hữu ích cho các bậc cha mẹ khác khi có một sự chỉ dẫn nào đó, vì khi tôi trải nghiệm hiện tượng này lần đầu tiên với con trai, tôi đã không hề biết gì cả. Tôi đã phải tự mình tập hợp tất cả mọi thứ. Vì vậy tôi đã viết cuốn sách Các kiếp trước của trẻ em, chủ yếu dành cho các bậc phụ huynh nhưng cũng dành cho bất kỳ ai quan tâm đến chủ đề luân hồi. Và đặc biệt là dành cho cha mẹ, để họ có những kỹ năng để áp dụng với con mình nếu chúng gặp những ký ức về kiếp trước. Và tôi muốn giải thích với họ rằng nó thực sự… nó rất có thể mang lại ích lợi cho đứa trẻ khi chúng kể về những ký ức này.

Trên thực tế, tôi cảm giác rằng nếu bạn phớt lờ, phủ nhận, hoặc ức chế chúng theo một cách nào đó thì sẽ có hại cho đứa trẻ. Bởi vì đây là điều mà đứa trẻ cần nói ra.

Đôi khi, ngay cả với một ký ức vui vẻ, chúng cần được lắng nghe và công nhận rằng, ừ, đây là sự thật. Điều đó thuộc về trong quá khứ, còn bây giờ con đang ở đây. Điều này chẳng tuyệt vời sao? Và với những ký ức đau thương, đôi khi các bé chỉ cần nghĩ một chút và chia sẻ chúng ra như cách chúng ta vẫn thường làm với những đau khổ mà chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời. Nếu bạn ức chế trẻ nói, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn. Nên thông qua việc nói về nó, và giúp đứa trẻ đối mặt với quá khứ và những cảm xúc xung quanh ký ức đó, thì bạn thực sự đang giúp đỡ trẻ. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn sách cuốn sách đầu tiên.


Trở về từ thiên đường: Những thân nhân đầu thai vào gia đình bạn (Nguồn: Internet)

PV: Thế còn cuốn thứ hai thì sao?

Bà Carol: Tôi viết Trờ về từ thiên đường, cuốn sách thứ hai, bởi vì tôi biết được các trường hợp trẻ em chết vì tai nạn giao thông hoặc bệnh tật đã quay về với đúng người mẹ của nó trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Và đối với tôi thì đây quả là một điều kỳ diệu. Đối với những bà mẹ đã trải nghiệm nó mà tôi đã nói chuyện, thì sự việc này đã hoàn toàn thay đổi cảm xúc đau thương của họ. Nó cho họ hy vọng. Nó cho họ niềm an ủi khi biết rằng, bằng một cách thức kỳ diệu nào đó, một số phương diện linh hồn của người thân yêu đã quay trở về với họ. Và họ sẽ tiếp tục yêu thương linh hồn đó như họ đã từng rất yêu thương trước đây. Tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu được ngụ ý đằng sau cái chết, đằng sau sự tiếp diễn của cuộc sống, đằng sau sự tiếp nối của các mối quan hệ. Và cái cách mà chúng ta có được cơ hội ở gần những người chúng ta yêu thường và cái chết không phải là dấu chấm hết. Nên tôi nghĩ đây là sự thật, và nó cho người ta hy vọng và niềm an ủi khi đối mặt với sự ra đi của một người thân yêu. Nó không thay thế cho sự tiếc thương với người đã mất, vì chúng ta vẫn phải tiếc thương trước sự mất mát của những người mà chúng ta yêu quý. Nhưng nó cho chúng ta hy vọng, rằng trong tương lai, chúng ta lại có thể đoàn tụ với linh hồn này trong kiếp này hoặc kiếp khác. Đối với tôi, điều đó rất quan trọng.

Tác giả: Thanh Thanh
Đọc bản gốc ở đây.
Sử dụng bản dịch trên chanhkien.org

Xem thêm: 

Exit mobile version