Trong gần 40 năm qua, các nhà thiên văn học đã tự hỏi liệu một tín hiệu sóng radio bất thường kéo dài 72 giây từ không gian có thể là một nỗ lực của các sinh vật ngoài hành tinh nhằm liên hệ với chúng ta hay không.
Ngày 15/8/1977, nhà thiên văn học Jerry Ehman đã nhìn vào một bản in máy tính từ kính thiên văn radio Big Ear ở bang Ohio, Mỹ. Ông đã phát hiện thấy một sự gia tăng hoạt động mãnh liệt của các sóng radio, và ông đã viết chữ “Wow!” trên mảnh giấy in, và từ này đã trở thành tên gọi của dãy tín hiệu như được chúng ta biết đến ngày nay.
Tín hiệu này có tần suất gần như tương đồng với các sóng phát ra khi một nguyên tử hydro thay đổi trạng thái. Các nhà thiên văn học ngờ rằng một thông điệp từ các sinh vật ngoài hành tinh có trí thông minh có thể chính có đặc điểm như vậy. Một nguyên nhân đằng sau giả thuyết này là khí hydro là nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ. Một nguyên nhân khác là tần số này có thể dễ dàng xâm nhập vào bầu khí quyển Trái Đất, một bài viết trên trang New Scientist lưu ý.
“Đây là phát hiện đáng kinh ngạc nhất chúng tôi từng thấy”, Ông Ehman hồi tưởng lại trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Plain Dealer của thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ.
Các nhà thiên văn học hy vọng có thể giải mã một số ý nghĩa trong đó, nhưng không thành. Và không có tín hiệu tương tự nào đã được ghi nhận kể từ đó, vậy nên nó trở thành một bí ẩn.
Tuy nhiên, nhà thiên văn học Antonio Paris từ trường Cao đẳng St. Petersurg, Florida, Mỹ lại cho rằng tín hiệu này có thể đã được tạo ra bởi các sao chổi. Bài nghiên cứu của ông đã được công bố online trên Tạp chí Viện Khoa học Washington vào ngày 1/1 vừa qua.
Xem thêm:
Ông nói rằng hai ngôi sao chổi 266P/Christensen và P/2008 Y2 (Gibbs) đã ở đúng nơi, đúng lúc vào năm 1977. “Bao xung quanh mỗi ngôi sao chổi đang hoạt động… là một đám mây hydro lớn với đường kính lên đến vài triệu km”, báo cáo của ông nói. “Các ngôi sao chổi và/hoặc các đám mây hydro của chúng là các ứng cử viên rõ rệt cho nguồn gốc của tín hiệu ‘Wow’ vào năm 1977”.
Các ngôi sao chổi này đã không được phát hiện cho đến năm 2006, và vì vậy đã không được cân nhắc đến trước đó trong cuộc tìm kiếm nguồn gốc của tín hiệu “Wow!”.
Tiến sĩ James Bauer từ Phòng thí nghiệm Phản lực đẩy ở Pasadena, California, Mỹ, đã bày tỏ sự hoài nghi về giả thuyết của ông Paris.
Ông không chắc tín hiệu này có đủ mạnh hay không. Ông đã trao đổi với tờ New Scientist như sau: “Nếu các ngôi sao chổi phát sóng radio tại mức 21 cm, tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu chúng không được quan sát thường xuyên hơn tại các chiều dài bước sóng như vậy”.
Vào năm 2017 và năm 2018 khi các ngôi sao chổi một lần nữa tiến nhập vào vùng không gian vũ trụ tương tự, một bản phân tích các tín hiệu hydro của chúng sẽ xác nhận giả thuyết của ông Paris.
Tác giả Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: