Các báo cáo tương tự đã xuất hiện trên khắp thế giới về một loài sinh vật lớn hình khỉ, nhưng có thể đi thẳng trên hai chân và sở hữu các đặc điểm khác của con người.

Ở Bắc Mỹ, chúng ta gọi loài sinh vật này là Sasquatch hay Bigfoot. Ở Trung Quốc, người ta gọi chúng là Dã nhân. Hàng chục nhà khoa học từ các viện nghiên cứu cấp cao ở Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu các bằng chứng về Dã nhân. Năm 1980, hơn 100 nhà điều tra đã được điều đến trung tâm của “vùng lãnh thổ của Dã Nhân”.

Khu bảo tồn tự nhiên Thần Nông Giá bao phủ một vùng diện tích 3.000 km2 tại một khu vực xa xôi ở tỉnh Hồ Bắc. Đây là một vùng địa hình gồ ghề với những dãy núi cao đến 3.000 m cùng thung lũng sâu thẳm, và là nơi ghi nhận được phần lớn các vụ chứng kiến Dã Nhân.

Virgin forest at approximately 8,200 feet (2,500 meters) above sea level in Shennongjia nature reserve in Hubei, China, on Oct. 3, 2012. (Evilbish/Wikimedia Commons)
Khu rừng nguyên sinh tại độ cao 2.500 m so với mực nước biển trong khu bảo tồn thiên nhiên Thần Nông Giá ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 3/10/2012. (Ảnh: Evilbish/Wikimedia Commons)

Kênh truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã ước tính có khoảng 400 vụ chứng kiến trong vài thập kỷ vừa qua. Một bài báo trên tờ New York Times ước tính có đến 300 vụ chứng kiến tính riêng trong giai đoạn 1920 đến 1980.

Dưới đây chúng ta cùng điểm qua một số vụ chứng khiến, các thí nghiệm trên một số mẫu vật được thu thập, và các sử tích văn hóa trong khu vực có liên quan, cũng như một số giả thuyết về danh tính Dã Nhân.

Nhân chứng kể lại: Dã nhân có thể cười và khóc

Ngày 4/4/1994, nhân viên kiểm lâm Vũ Hào Nguyên đang ở trong một khu vực hẻo lánh của khu bảo tồn Thần Nông Giá. Trên một sườn đồi cách chỗ ông đứng khoảng 1/3 dặm, ông có thể nhìn thấy một sinh vật kỳ lạ đang ngủ. Ông Nguyên đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm kiểm lâm vào thời điểm đó. Ông đã khá quen thuộc với hệ động thực vật trong khu vực, và đủ khả năng nhận ra ngay một loài sinh vật kỳ lạ nào đó.

Ông Nguyên quan sát con vật qua ống nhòm và hô vang để đánh thức nó. Con vật bật dậy và đứng nguyên tại vị trí một lúc để nhìn ông trước khi đứng hẳn dậy và đi mất. Trong một tập phim tài liệu “Monster Quest” (tạm dịch: hành trình đi tìm quái thú) trên kênh History, ông Nguyên miêu tả loài sinh vật này cao hơn 1,8 m với bộ lông màu nâu đỏ. “Tôi không chắc đó là Dã Nhân, nhưng thật kỳ lạ khi con vật đó có thể đứng dậy và đi bộ bằng hai chân. Đó không phải là một con gấu”, ông nói.

“Tôi không chắc đó là Dã Nhân, nhưng thật kỳ lạ khi con vật đó có thể đứng dậy và đi bộ bằng hai chân. Đó không phải là một con gấu”.

— Vũ Hào Nguyên, kiểm lâm ở khu bảo tồn Thần Nông Giá

Trong một bài báo trên tờ New York Times đăng tải năm 1984 với tựa đề “Hành trình tìm kiếm ‘Người Rừng’ ở Trung Quốc”, tác giả đã miêu tả một số vụ chứng kiến Dã Nhân có các đặc điểm con người.

Năm 1980, một thợ săn tên Bu Xiaoqiu ở huyện Dung Thủy thuộc tỉnh Quý Châu đã báo cáo bắt được một Dã Nhân nhỏ, nhưng ông đã để nó đi khi nhìn thấy đôi mắt đẫm nước của nó. Nước mắt là một trạng thái đặc thù của con người—các loài linh trưởng khác không chảy nước mắt như vậy.

Dã nhân cũng được cho là đã cười, tuy nhiên, đây không phải là một đặc điểm đặc thù của con người, vì các loài linh trưởng khác cũng có thể làm điều tương tự. Vào tháng 9/1979, một chàng trai chăn bò ở Huyện Bàng nói cậu đã bắt gặp một Dã nhân, và Dã nhân này đã nắm chặt cổ tay cậu mà không buông trong nửa giờ đồng hồ. Khi Dã nhân túm lấy cậu, nó đã cười. Năm 1978, khi một nhóm thợ săn đang ngồi xung quanh một đống lửa trại thì một Dã nhân đã gia nhập cùng với họ, và nó thậm chí đã thêm củi vào đống lửa! Nhóm thợ săn rất kinh hãi và giả vờ không biết đến sự hiện diện của nó.

Xem thêm:

Các báo cáo nhìn thấy Dã nhân không chỉ đến từ các thợ săn và dân làng, mà còn từ các viên chức địa phương. Năm 1976, một bí thử Đảng ủy ở Huyện Bàng, gần khu bảo tồn Thần Nông Giá, đã báo cáo nhìn thấy một Dã nhân đang chạy trốn, cắp theo một con lợn nhỏ.

Vụ chứng kiến có tầm ảnh hưởng nhất xảy ra vào ngày 145/1976, khi một chiếc xe chở 6 viên chức Đảng đụng độ một Dã nhân ở gần một ngôi làng giữa Huyện Bàng và khu bảo tồn Thần Nông Giá. Cuộc đụng độ này đã làm dấy lên sự quan tâm làm tiền đề cho cuộc thám hiểm năm 1980.

Kết quả phân tích mẫu vật trong phòng thí nghiệm

Mạnh Khương Bảo, người dẫn đầu cuộc thám hiểm, báo cáo đã tìm thấy 1.000 dấu chân trải dài khoảng một dặm ở Thần Nông Giá. Một khuôn đúc dấu chân rõ ràng nhất có chiều dài hơn 48 cm, theo tờ New York Times.

Chu Quốc Hưng, một nhà nhân chủng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cũng là một thành viên trong chuyến thám hiểm. Trong một bài viết năm 2012 có tựa đề “50 năm lần theo dấu vết người rừng ở Trung Quốc”, ông nói rất nhiều các dấu chân được cho là của Dã nhân mà ông đã khảo sát trong nhiều năm là thuộc về loài gấu hay loài khỉ. Nhưng, ông trao đổi với chương trình “Monster Quest”, có một dấu chân được thu thập trong chuyến thám hiểm năm 1980 không thuộc về người hay gấu hay bất kỳ loài sinh vật nào khác đã biết.

Tuy vậy, ông Chu vẫn còn hoài nghi. Ông tổng kết quá trình 50 năm nghiên cứu Dã nhân như sau: “[Tôi] đã trải qua một sự biến đổi thú vị trong quá trình tìm kiếm Dã nhân—từ việc chấp nhận với sự e dè, tới dao động trong sự hoài nghi, cho đến việc phủ nhận về cơ bản”.

Trong phòng thí nghiệm, các mẫu vật lông tóc đã được phân tích thuộc về lợn lòi, khỉ, người, hay các loài sinh vật đã biết khác. Tất nhiên cũng có một số mẫu vật chưa được kết luận. Vào những năm 1980, sau một số công đoạn kiểm định mẫu vật, tổ nghiên cứu pháp y của Bệnh viện Vũ Hán đã kết luận: “Chúng tôi phỏng đoán lông tóc của những ‘người rừng; này có thể thuộc về một loài linh trưởng cấp cao hơn chưa được biết đến”. Nghiên cứu này đã được trích dẫn trong cuốn sách “Lông tóc: Quyền năng và ý nghĩa trong nền văn hóa Á Châu”, của tác giả Alf Hiltebeitel, giáo sư khoa tôn giáo thuộc Đại học George Washington và Barbara D. Miller, giáo sư khoa nhân chủng học, quan hệ quốc tế, và nghiên cứu về phụ nữ tại Đại học George Washington. Tuy nhiên, Đại Kỷ Nguyên chưa thể kiểm chứng nghiên cứu này.

“Chúng tôi phỏng đoán lông tóc của những ‘người rừng; này có thể thuộc về một loài linh trưởng cấp cao hơn chưa được biết đến”.

—Tổ nghiên cứu pháp y Bệnh viện Vũ Hán

Một dấu chân Dã Nhân được bảo tồn trong hơn 20 năm và tái xuất hiện vào năm 1980 đã được ông Chu đi giám định. Dấu chân này được cho là thuộc về một Dã Nhân đã bị dân làng sát hại vào năm 1957 ở khu vực khi đó là thôn Chuyển Đường, trấn Thủy Nam, huyện Tùng Dương. Một giáo viên khoa học địa phương đã bảo tồn dấu chân này. Ông Chu xác định dấu chân này thuộc về loài khỉ Macaca.

Phải chăng người dân địa phương—không chỉ trong cuộc đụng độ năm 1957 mà còn trong rất nhiều các cuộc đụng độ khác—có thể đã bị hoang mang bởi sự xuất hiện của một “loài sinh vật chưa biết đến” vốn thực ra chỉ là một loài khỉ? Phải chăng dân làng đã không nhận diện được một con khỉ thông thường? Nếu chủng loài này không quen thuộc với họ, thì điều này có thể xảy ra. Frank Poirier, một nhà nhân chủng học nghỉ hưu từ Đại học Ohio State, đã giải thích với “Monster Quest” rằng một số báo cáo đụng độ Dã nhân có thể đã miêu tả một loài khỉ vàng có nguy cơ tuyệt chủng.

Phải chăng dân làng đã không nhận diện được một con khỉ thông thường?

Các vụ chứng kiến sẽ hiếm hoi, vì những con khỉ này có số lượng rất ít. Loài khỉ này cao khoảng 1,5 m khi đứng thẳng. Nhưng chúng không đi thẳng bằng hai chân. Đây là một điểm tắc nghẽn đối với Poirier, một trong số ít những nhà nghiên cứu phương Tây được chính phủ Trung Quốc cho phép vào khu vực trong những năm 1980 (các giới hạn gắt gao cũng đã được áp đặt lên nhóm làm phim “Monster Quest” vào năm 2012). Ông đến đó để nghiên cứu giống khỉ vàng, và đã bác bỏ các câu chuyện về Dã nhân khi lần đầu tiên nghe kể về chúng. Nhưng di tích các dấu chân và xương mà người bản địa cho ông xem đã khiến ông phải đặt hỏi câu hỏi liệu có một chút sự thật trong những câu chuyện này.

“Tôi vẫn chưa biết đã rút ra được kết luận gì từ kết quả chuyến đi đó”, ông nói.

Các giả thuyết về bản chất của Dã nhân

Một loài khỉ được cho là đã tuyệt chủng từ lâu?

Một số người cho rằng Dã nhân là một chủng loài khỉ khổng lồ được cho là đã tuyệt chủng từ lâu (có lẽ tuyệt chủng từ 8 triệu năm trước) với danh pháp khoa học Gigantopithecus. Hóa thạch loài Gigantopithecus đã được phát hiện ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Không có nhiều thông tin có thể được thu thập từ xương hàm và răng—vết tích sót lại duy nhất được tìm thấy—nhưng về cơ bản nó có chiều cao lên đến 2,7 m, và nặng gần nửa tấn. Hầu hết các vụ chứng kiến Dã nhân đều miêu tả một loài sinh vật có chiều cao từ 1,5 đến 2,1 m.

Năm 2007, Yuan Zhenxin, nhà nhân chủng học và giám đốc Ủy ban Động vật Kỳ lạ, Hiếm gặp, đã trao đổi với tờ Beijing Review (Bắc Kinh Chu Báo) rằng một loài sinh vật như vậy sẽ có thể thoát khỏi sự chú ý của con người trong khu bảo tồn Thần Nông Giá rộng lớn, hẻo lánh. Ông đưa ví dụ về loài gấu trúc: “Nếu các nhà thám hiểm chưa từng tiếp cận khu vực rừng rậm thuộc tỉnh Tứ Xuyên và Sơn Tây, chúng ta sẽ không thể tìm thấy dòng dõi của loài gấu trúc cổ đại. Nhân loại đã phải mất cả một thập kỷ để phát hiện ra loài gấu trúc”.

Những người mắc khuyết tật bẩm sinh?

Ông Chu lưu ý khu vực Thần Nông Giá trước đây từng bị cách ly với thế giới bên ngoài. Hôn nhân cận huyết gây nên các căn bệnh di truyền. Lấy ví dụ, ông miêu tả một tình trạng tên là spinocerebellar ataxia (SCA), khiến người mắc bệnh phát triển các đặc điểm dị dạng như “hộp sọ não nhỏ, trọng lượng não nhẹ, trán hẹp và thấp, xương lông mày phát triển mạnh, hàm trên hẹp và sâu hơn thông thường, xương ngọc chẩm phát triển quá cỡ phía sau hộp sọ. Do đó người mắc hội chứng SCA này sẽ có một hộp sọ giống với họ người nguyên thủy”.

Khu vực Thần Nông Giá trước đây từng bị cách ly với thế giới bên ngoài. Hôn nhân cận huyết gây nên các căn bệnh di truyền.

A photo of Li Baoshu who was born with the condition hypertrichosis, also known as "werewolf syndrome," that causes excessive hair growth. The picture was on display at Beijing's zoo in the 1920s. (Public Domain)
Ảnh chụp Li Baoshu, người mắc chứng bệnh bẩm sinh hypertrichosis, cũng được gọi là “hội chứng người sói”, gây nên tình trạng lông tóc mọc rậm rạp. Bức ảnh này được trưng bày tại vườn thú Bắc Kinh vào những năm 1920. (Ảnh: Public Domain)

Trong cuốn sách “Lông tóc: Quyền năng và ý nghĩa trong nền văn hóa Á Châu”, tác giả lưu ý rằng trong lịch sử Trung Quốc người ngoại quốc từng được miêu tả giống như động vật: “Ở Singapore, người ngoại quốc vẫn bị gọi là angmo orangmogao, thổ ngữ tiếng Phúc Kiến cho từ ‘khỉ lông đỏ’”.

An illustration of an Ainu, a population group in Japan allegedly covered in hair, from Chen Yinghuang's "Anthropology," 1928. (Public domain)
Ảnh minh họa một người Ainu, một nhóm dân tộc thiểu số ở Nhật Bản trong cuốn sách “Nhân chủng học” của tác giả Chen Yinghuang năm 1928. Họ được cho là được bao phủ trong lớp lông tóc rậm rạp. (Ảnh: Public Domain)

Các sự tích về Dã nhân đã có lịch sử hàng nghìn năm ở Trung Quốc. Tờ New York Times đã trích dẫn một câu nói, được đăng tải trên các tạp chí Bắc Kinh, từ tập hồ sơ ghi chép vào thế kỷ 17 của Huyện Bàng thuộc tỉnh Hồ Bắc: “Ở vùng núi hẻo lánh thuộc Huyện Bàng, có các hang động đá là nơi sinh sống của những người lông lá cao đến 3 m. Họ thường xuống núi săn chó và gà trong các thôn. Họ sẽ đánh nhau với bất cứ ai phản kháng”.

Sau hàng thập kỷ nghiên cứu, ông Chu đi đến kết luận: “Dã nhân có thể đã từng tồn tại trong quá khứ, nhưng ngày nay dường như nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người, trong các câu chuyện dân gian và ký ức văn hóa về thời kỳ xa xưa”.

Dưới đây là tập phim Monster Quest về Dã nhân ở Trung Quốc:

https://www.youtube.com/watch?v=bcGvMQMKU0o

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: