Internet ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người. Nếu một ngày không có mạng Internet, hệ thống điện bị ngắt, giao thông đình trệ, máy móc tê liệt… đủ hiểu nhân loại phụ thuộc vào công nghệ như thế nào. Cách đây một thế kỷ, công nghệ truyền thanh cũng có vai trò quan trọng như vậy, đặc biệt trong chiến tranh. Có một đài phát thanh bí hiểm ở Nga chỉ phát ra những tiếng rè rè khó hiểu suốt 40 năm qua mà không ai thừa nhận đang vận hành nó.
Lợi ích của Đài phát thanh
Kể từ khi Lee De Forest phát minh ra đài phát thanh vào những năm đầu thế kỷ 20, nó đã thực sự trở thành một phương tiện không thể thiếu trong mọi mặt đời sống.
Ngày nay, đài phát thanh chủ yếu là phương tiện nghe nhạc và quảng bá các album mới của các ca sĩ nổi tiếng, nhưng trong thời chiến, mục đích chính của đài phát thanh là trợ giúp tác chiến hoặc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Công nghệ truyền thanh cho phép các lực lượng quân sự liên lạc với nhau ở phòng tuyến mặt đất, hạm đội tàu trên biển hay máy bay chiến đấu trên không trung.
Khi Mỹ tham gia Thế chiến Thứ nhất, tất cả các đài phát thanh ở Mỹ đều được kiểm soát bởi quân đội để ngăn chặn khả năng các điệp viên của đối phương sử dụng nó để truyền thông tin. Khi các bức điện tín truyền đi có nguy cơ bị đối phương chặn được, mật mã ra đời với sóng phát thanh vô tuyến được mã hóa gửi đi, nhằm đảm bảo rằng tất cả các thông tin đều được bảo mật.
Ngoài tác dụng là một phương tiện tác chiến trong chiến tranh, đài phát thành từng là thiết bị không thể thiếu trong mỗi hộ gia đình trên thế giới để cập nhật tin tức. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cơ quan tình báo hay các tổ chức quân sự từ bỏ hoàn toàn ý định này.
Ngày nay, vẫn còn nhiều đài phát thanh do các tổ chức này điều hành vẫn đang ở hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới. Một vài trong số đó trở thành chủ đề của nhiều lời đồn thổi, suy đoán bởi mục đích của những đài phát thanh này vẫn nằm trong màn sương bí ẩn. Nổi tiếng nhất và có vẻ ma quái, kỳ quặc nhất là Đài phát thanh Buzzer.
Những tín hiệu kỳ quặc
24 giờ mỗi ngày, 7 giờ trong một tuần và trong hơn 40 năm qua kể từ ngày Buzzer phát sóng trên tần số 4625kHz, nó luôn phát đi một tín hiệu âm thanh đơn điệu, buồn tẻ. Cứ mỗi 25 phút một lần, nó lại chen ngang một âm thanh như tiếng còi hụ xé toang màn sương mù rồi lại trở lại âm điệu rè rè quen thuộc.
Hiếm hoi lắm tiếng rè lại bị gián đoạn bằng một giọng nói như đang phát đi một thông điệp với vài từ vô nghĩa bằng một giọng nam Nga đặc sệt. Buzzer có vẻ kỳ quặc như vậy, nhưng kênh radio này lại thu hút hàng chục ngàn người trên khắp thế giới lắng nghe nó.
Buzzer là đài phát thanh sóng ngắn, gửi tín hiệu ở tần số thấp nếu so sánh tín hiệu từ các đài phát thanh, truyền hình địa phương, điện thoại di động thì nó có ít sóng đi qua một điểm trong mỗi giây hơn. Điều này cho phép Buzzer có thể truyền dẫn đến các nơi xa xôi. Bất cứ ai, ở bất cứ đâu, ngóc ngách nào trên thế giới, cũng có thể nghe thấy tín hiệu của nó bằng cách điều chỉnh sóng đến dải tần số 4625kHz.
Chính vì lý do này mà đài phát thanh Buzzer được coi là một bí ẩn và không khó dò tìm vị trí “ẩn cư” của nó. Từ vệ tinh theo dõi chụp được nơi phát ra sóng âm này, dẫn tới một địa điểm hoang vu ở giữa vùng đầm lầy cách không xa thành phố St.Peterburg của nước Nga. Nơi đây, người ta phát hiện thấy hàng loạt các cột phát sóng radio, những tòa nhà bỏ hoang với đường dây điện chằng chịt và được cho là “trụ sở” của đài phát thanh Buzzer.
Không ai biết Buzzer truyền dẫn thông điệp gì, truyền dẫn tới ai và mục đích của nó là gì, chỉ biết rằng nó là một đài phát thanh “vô chủ” vì chẳng có ai thừa nhận đang vận hành nó.
Điều này kỳ dị đến nỗi Buzzer trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của những người theo thuyết âm mưu. Nó được gán cho như là Công tắc “Bàn tay Thần chết”, là nơi ra chỉ lệnh cho mạng lưới gián điệp, là công cụ của quân đội và cũng có thể là trạm liên lạc của người ngoài hành tinh. Ngay cả có khá nhiều giả thuyết được đưa ra như vậy, người ta vẫn rối mù vì nó.
Hiệu triệu mạng lưới gián điệp Nga khắp toàn cầu
Cơ sở để những người theo thuyết âm mưu này tin tưởng là tần số 4625kHz được cho là thuộc về quân đội Nga, dù nước này chưa bao giờ thừa nhận. Ra đời vào những năm 1970, Đài Buzzer đi vào hoạt động vào thời điểm cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Tuy vậy, thay vì suy yếu hay giải thể, Buzzer vẫn hoạt động đều đều. Những tín hiệu rè rè đơn điệu cứ lặp lại 24h mỗi ngày theo cách mà những người theo thuyết này suy đoán, nhằm khẳng định:
“Tín hiệu này là của tôi, là của tôi…” và vì thế không ai sử dụng sóng đó hay giải mã nó”.
Với việc sử dụng sóng ngắn, Đài phát thanh này được tin là một trạm số. Trạm số là những đài phát thanh sóng ngắn, có thể truyền tín hiệu đến được những nơi xa xôi trên khắp thế giới, phát ra những tín hiệu cấp bách (trong tình huống giả định Nga bị tấn công) tới mạng lưới điệp viên toàn thế giới, đưa ra những chỉ lệnh để họ hành động.
Buzzer được cho là đã phát các tin nhắn được mã hóa dành cho các điệp viên tình báo đang bí mật hoạt động ở nước ngoài. Trạm này thường truyền đi những mã số thay vì 5 chữ số thông thường, và chỉ có người nhận thông điệp mới có thể giải mã được.
Tuy nhiên các nhà khoa học lý giải rằng, việc phát đi mật mã qua sóng tín hiệu này dễ để lại dấu vết, và rất dễ sơ hở khi sử dụng tần số vô tuyến đang được nhiều người theo dõi, lắng nghe, nên thuyết này có vẻ không vững chắc lắm.
Tuy nhiên vào năm 2010, FBI đã phá tan một mạng lưới gián điệp Nga nằm vùng ở Mỹ, được cho là thường xuyên nhận mật lệnh qua các tin nhắn mã hóa từ một tần số sóng ngắn radio 7887 kHz. Vì vậy vẫn có khá nhiều người tin vào thuyết này.
Công tắc Dead Hand: Tự kích hoạt vũ khí hạt nhân
Điều đặc biệt đáng sợ của thuyết này khi cho rằng, Đài phát thanh Buzzer có thể là nơi phát đi tín hiệu “Bàn tay Thần chết” theo cách gọi của các nhà quân sự phương Tây khi đề cập đến hệ thống Perimeter mà Liên Xô phát triển vào năm 1985. Hệ thống này như là một biện pháp răn đe, kích hoạt đòn trả đũa hạt nhân bao gồm các loại vũ khí quân sự tối tân trên đất, trên không và trên biển.
Trong trường hợp Nga bị tấn công hạt nhân, âm thanh rè rè đơn điệu 24h/ngày của Buzzer sẽ kết thúc và hệ thống “Bàn tay Thần chết” sẽ tự động kích hoạt. Tất nhiên, nhân loại đều có chung suy nghĩ là chẳng ai mong chờ một cuộc chiến hạt nhân, đơn giản vì nó sẽ hủy hoại sự sống trên Trái Đất.
Tín hiệu rè rè chết chóc này được khá nhiều người theo thuyết này tin chắc, đặc biệt khi Tổng thống Nga Putin cảnh báo hồi đầu năm nay rằng, “Không ai có thể sống sót trong cuộc xung đột hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga”.
Tuy nhiên, sóng ngắn mà Buzzer sử dụng cũng có một trở ngại. Tầng khí quyển nơi tiếp nhận các hạt điện tích không bằng phẳng mà gợn sóng nhấp nhô như mặt biển. Ban ngày, tầng sóng này dâng cao lên không trung và vào ban đêm thì hạ dần xuống mặt đất.
Nếu muốn sóng radio phủ diện toàn cầu, và nếu sử dụng Đài như một công cụ ra hiệu cho đòn kích hoạt hạt nhân thì tần số phát sóng cần phải được thay đổi phù hợp với từng thời điểm trong ngày để duy trì được phạm vi phủ sóng liên tục. Nhưng Đài phát thanh Buzzer chỉ phát đi tín hiệu ở tần số cố định 4625kHz. Vì vậy thuyết này vẫn có sơ hở.
Trạm trung chuyển liên lạc của người ngoài hành tinh
Với khá nhiều chi tiết kỳ quái, Đài phát thanh Buzzer thu hút hàng chục nghìn người trên thế giới lắng nghe tín hiệu của nó. Nhưng tất cả những người “yêu mến” Buzzer đều thừa nhận rằng, họ hoàn toàn không biết bản thân đang nghe gì, cũng như không lý giải được một số từ vô nghĩa như “dinghy” cứ mỗi hai ba tuần lại chen ngang giữa tiếng rè rè quen thuộc.
David Stupples, chuyên gia về tình báo tín hiệu của Đại học City University London cũng phải thừa nhận: “Không có bất kỳ thông tin gì về dải sóng của Buzzer”. Các chuyên gia hàng đầu thế giới đều không giải mã được thông điệp phát ra của Buzzer.
Với vị trí biệt lập, ẩn mình trong một đầm lầy hoang vu vắng bóng người, người ta tin rằng, Đài phát thanh Buzzer là trạm trung chuyển liên lạc của người ngoài hành tinh khi tới Trái Đất. Chính vì vậy người ta mới không thể giải mã được ngôn ngữ, âm thanh được phát đi là gì. Thuyết này có vẻ sơ sài nhất nhưng lại thuyết phục nhiều người tin nhất.
Dù vậy cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào giải mã được những kỳ bí xung quanh Đài phát thanh này.
Xuân Trường