Mô-men quán tính hình thành do sự dịch chuyển của khối lượng nước khổng lồ ở đập thủy điện Tam Hiệp khiến Trái Đất chịu một số tác động tiêu cực.
Đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Trường Giang ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được xây dựng suốt trong 10 năm từ 1994-2004. Công trình đập lớn nhất hành tinh này được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lớn về kinh tế xã hội nhưng thực tế vận hành hơn 10 năm qua ngày càng bộc lộ rõ những tác động của nó tới môi trường sinh thái.
Mới đây, một báo cáo được đăng tải trên trang Futurism chỉ ra rằng, khối lượng nước khổng lồ được tích trữ tại đập Tam Hiệp đủ để làm thay đổi chuyển động quay, làm lệch cực từ và biến đổi hình dạng vỏ Trái Đất.
Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới về tổng công suất sau khi công trình hoàn thành. Hồ chứa nước có sức chứa khoảng 39,3 km3 và lượng nước sẽ có khối lượng lên tới 42 tỷ tấn. Khi mực nước ở mức cao nhất, tổng diện tích đất bị ngập là 632 km2.
Theo nghiên cứu, sự dịch chuyển của 42 tỷ tấn nước nêu trên lên cao 175 mét so với mực nước biển sẽ tác động đến chuyển động quay của Trái Đất do hiện tượng mang tên mô-men quán tính, trong đó quán tính của một vật thể rắn xoay tròn sẽ tương ứng với chuyển động quay của nó.
Khoảng cách từ vật thể tới trục quay của nó càng lớn, vật thể càng quay chậm hơn. Ví dụ, một vận động viên trượt băng nghệ thuật phải ép sát cánh tay vào cơ thể để giảm mô-men quán tính nếu muốn xoay tròn nhanh hơn. Tương tự, một vận động viên lặn muốn nhảy lộn nhào nhanh hơn sẽ chọn tự thế ôm gối.
Theo tính toán của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), ảnh hưởng kể trên sẽ làm ngày dài thêm 0,06 mili giây, các điểm cực lệch đi khoảng hai centimet, vỏ Trái Đất hơi tròn hơn ở giữa và phẳng hơn ở đỉnh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tác động này không đáng lo ngại bởi chuyển động quay của Trái Đất thay đổi thường xuyên do ảnh hưởng của Mặt Trăng và động đất.
Mặt Trăng rút ra xa dần Trái Đất sẽ làm chuyển động quay của hành tinh thay đổi nhẹ. Siêu động đất năm 2011 ở Nhật Bản từng khiến ngày trên Trái Đất dài thêm 2,68 giây.
Mặc dù vậy, đây rõ ràng là một bằng chứng khách quan khác cho thấy tính bất hợp lý ở công trình thế kỷ này. Đây là một hậu quả vô cùng đáng tiếc bởi ngay khi dự án trị giá tới 30 tỷ USD này được công bố, chính quyền Trung Quốc đã vấp phải phản ứng gay gắt từ giới khoa học và các nhà hoạt động môi trường.
Giới chuyên gia đã đưa ra những phân tích trực quan chỉ rõ việc xây đập nước này là “mất nhiều hơn được”. Nó sẽ phá hoại hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, động đất, lở đất, xáo trộn cuộc sống của 1,3 triệu người dân và nhấn chìm phá hủy hàng loạt các di tích lịch sử có giá trị lớn. Và nay, điều này một lần nữa được chứng minh.
Nhật Minh