Đại Kỷ Nguyên

Thuyết tiến hóa đã hủy hoại đạo đức nhân loại như thế nào?

Thuyết tiến hóa đã hủy hoại đạo đức nhân loại như thế nào?

Ảnh: ĐKN

Giới tiến hóa đã cố gắng làm bất cứ cái gì có thể, kể cả việc tạo dựng bằng chứng giả nhằm lừa đảo về tiến hóa, cốt chứng minh thuyết tiến hóa là một khoa học thực sự. Nhưng họ khó mà che đậy được các sự kiện lịch sử và xã hội phơi bày tác hại của học thuyết Darwin đối với xã hội loài người, đặc biệt trong thế kỷ 20 và hiện nay. Đó là một trong những lý do chủ yếu giải thích vì sao đạo đức xã hội đã và đang ngày càng xuống cấp…

Xem phần I:

 Quý độc giả lưu ý:

Loạt bài về thuyết tiến hóa trên Đại Kỷ Nguyên được phân thành 2 mục chính sau:

Quý độc giả có thể bookmark, ghi lại đường link hai mục trên để tiện theo dõi loạt bài này một cách có hệ thống. Các bài mới sẽ được thêm vào hai mục trên. Trân trọng thông báo.

 

Hình trên: Một kẻ phân biệt chủng tộc được xem như một anh hùng. “Người văn minh không nên cho phép những kẻ yếu kém sinh đẻ như súc vật” (Charles Darwin, Nguồn gốc loài người, 1871) (ảnh trên mạng)

Sự xuống cấp về đạo đức của con người giống như một dòng sông chảy xiết từ chỗ cao xuống chỗ thấp, triền miên theo dòng lịch sử. Dường như nó đang dồn tới một con thác, nước đổ ầm ầm từ trên cao xuống vực, đe dọa nhấn chìm mọi con thuyền đi qua đó, giống như cơn bão trên Thái Bình Dương đã nhấn chìm con tầu Tsimtsum trong câu chuyện “Cuộc đời của Pi”. Hãy đọc “Cuộc đời của Pi” để hiểu con tầu Tsimtsum là cái gì, tại sao nhân loại trên con tầu ấy chết hết, chỉ còn Pi sống sót. Trong câu chuyện hôm nay chúng ta cũng thấy dòng chảy đạo đức đang lao xuống vực, nhưng nhiều người không biết nó bắt nguồn từ đâu. Vì không xác định được nguồn nên André Bourguignon, một nhà nhân loại học người Pháp, trong khi nghiên cứu lịch sử tự nhiên của con người, đã chua chát nhận xét con người là một lũ điên rồ! Ông không sao giải thích được cái gọi là “tiến hóa”, vì tiến hóa kiểu gì mà con người còn tồi tệ hơn cả động vật, như ông tuyên bố: “Con người đã tự hạ thấp mình xuống dưới động vật khi nó tự hủy hoại giống loài của mình”.

Chẳng lẽ Bourguignon không biết Darwin coi hành vi tàn sát đồng loại như một lẽ tất yếu của quá trình tiến hóa hay sao? Đây, Darwin tuyên bố: “Vào một giai đoạn nào đó không xa lắm, có thể tính bằng số thế kỷ, các chủng tộc văn minh của loài người hầu như chắc chắn sẽ hủy diệt và thay thế các chủng tộc man rợ trên khắp thế giới” (trích Nuồn gốc loài người, Charles Darwin, 1871). Tuyên bố ấy vẫn chưa đủ để thấy thuyết tiến hóa đáng sợ hay sao? Phải đợi Hitler biến tiên đoán của Darwin thành sự thật mới đủ để hiểu tác hại của thuyết tiến hóa hay sao? Phải chăng nhiều người thấy rõ tác hại đó, nhưng đều né tránh kết tội trực tiếp cho Darwin? Chẳng hạn, Rabindranath Tagore kết tội ai khi ông nói: “Con người còn tồi tệ hơn súc vật khi tự coi mình là động vật?”.

Phải chăng con người trước khi có học thuyết Darwin đã tự coi mình là động vật? KHÔNG! Việc coi con người là động vật chỉ bắt đầu từ học thuyết Darwin.

Người Tây phương trước đây vẫn tin vào Kinh Thánh, rằng mọi con người ngày nay đều là con cháu của Adam và Eva, hai người đầu tiên do Chúa tạo ra.

Nhưng Charles Darwin đã làm một cuộc cách mạng, khẳng định rằng người là hậu duệ của vượn, và vượn lại là hậu duệ của các loài động vật bậc thấp hơn. Tóm lại, người là con cháu của động vật, tức là một động vật!

Hình bên: Tranh châm biếm, thầy giáo: “Này các em, chúng ta không có một bằng chứng nào cả, nhưng chúng ta BIẾT rằng chúng ta đã tiến hóa” (!)

Nếu coi con người là động vật thì ta khó có thể nhận ra bản chất thiêng liêng trong nó, nhưng dễ thấy những khía cạnh thấp hèn của nó, như Sigmund Freud đã mô tả. Ông nói: “Homo homini lupus” (người với người là lang sói). Freud không tin vào sức mạnh của ý thức, mà chỉ thấy những bản năng vô thức chi phối con người, bao gồm Eros (dục tính) và Thanatos (hoại tính). Vì thế ông rất bi quan về tương lai của nền văn minh. Freud đáng được thông cảm, bởi ông đã chứng kiến cuộc Thế Chiến I ─ cuộc chiến tàn khốc và vô lý đến mức được nhiều người xem như dấu hiệu khởi đầu của Ngày Sau Rốt mà Kinh Thánh đã tiên báo. Cách nhìn của Freud phản ánh sự bế tắc của triết học thế kỷ 20. Nói cách khác, Freud là sản phẩm của thế kỷ 20, ông không nhìn thấy ánh sáng của Thượng Đế trong con người, bởi con người đã chối bỏ Thượng Đế.

Sự chối bỏ ấy đã được đại văn hào Leo Tolstoy trình bày rất rõ trong tác phẩm “Tự thú” (Confession), trong đó chúng ta được biết vì sao Tolstoy và những người cùng thời đã sống một cuộc sống đốn mạt và vô nghĩa đến như thế. Sự kiện làm cho Tolstoy thay đổi, như ông tự thú, xảy ra vào năm 1838, lúc ông mới 11 tuổi ─ một người bạn ở trường bên hối hả chạy tới loan báo một tin động trời: “Không có Thượng Đế!”,

Xã hội hiện đại coi việc vắng mặt Thượng Đế là chuyện bình thường, bởi nhà trường và xã hội đều nói như vậy. Nhưng vào thời điểm 1838, đó là một tin làm rung chuyển tâm não con người. Năm 1838 trở thành cột mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu một cuộc thay đổi mang tính chất quyết định làm thay đổi tận gốc bộ mặt của nền văn minh: trước 1838 là nền văn minh có Thượng Đế, và sau đó là không .

Dòng chảy đạo đức kể từ năm 1838 về sau ngày càng đục. Nó không chỉ chảy qua quê hương của Tolstoy, mà chảy qua mọi miền trên thế giới. Nó cũng không dừng lại ở thế kỷ 19, mà chảy qua thế kỷ 20 cho tới tận hôm nay. Tất cả những gì chúng ta đang thấy trên toàn thế giới, những sự kiện đảo điên làm cho chúng ta thấy vô cùng thất vọng và bất an, thực ra chỉ là hệ quả không thể tránh khỏi của một thế giới trong đó “Thượng Đế đã chết!”, như tuyên bố của gã điên trong tác phẩm “Gã điên” của Friedrich Nietzsche năm 1882.

Đó chính là bối cảnh ra đời của Thuyết tiến hóa. Nó được các nhà khoa học và học giả vô thần chào đón nhiệt liệt. Đến lượt nó, nó lại góp phần tích cực vào việc làm cho dòng chảy đạo đức đục ngầu hơn nữa, bằng cách phá hủy tận gốc nền tảng đạo đức Thiên Chúa giáo ở Tây phương ─ một nền đạo đức lấy Kinh Thánh làm lề luật, dựa trên niềm tin cơ bản là sự sáng tạo của Thượng Đế.

Thuyết tiến hóa phá hủy đạo đức Thiên Chúa giáo trong xã hội Tây phương

Nền tảng đạo đức của xã hội Tây phương trong hai ngàn năm qua là gì, nếu không phải những lời dạy trong Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước)? Toàn bộ lời dạy ấy xây dựng trên niềm tin vào Đấng sáng tạo, đấng tạo ra trời và đất, ngày và đêm, muôn vàn sinh vật và cuối cùng là con người. Trong nền giáo dục kinh điển ở Tây phương trước đây, Kinh Sáng thế là kinh bắt buộc phải thấm nhuần đối với tất cả những người được coi là có giáo dục. Truyền thống này bị xói mòn dần dần và biến mất hẳn trong nền giáo dục từ khi con người đánh mất đức tin vào Đấng Sáng tạo. Quá trình này diễn ra chủ yếu từ thế kỷ 19 tới nay, trong đó thuyết tiến hóa đóng một trong những vai trò quyết định.

Trong một bài báo nhan đề “ The Evils of Evolution ” (Tai họa của thuyết tiến hóa), tác giả Ken Ham phân tích:

Sự chấp nhận thuyết tiến hóa vô thần làm cho nhiều người từ bỏ Đấng Sáng tạo. Trong một thời gian dài, nhiều người đã sử dụng thuyết tiến hóa để biện minh cho những hành vi tội lỗi của mình.

Nếu bạn chấp nhận Chúa như Đấng Sáng tạo, bạn sẽ chấp nhận những đạo luật do Chúa ban hành. Luật của Chúa là sự phản ánh những đặc tính thiêng liêng của Ngài. Ngài là thẩm quyền tuyệt đối, và chúng ta hoàn toàn chịu ơn Ngài. Lề luật của Chúa không phụ thuộc vào ý kiến của chúng ta, mà là những quy tắc được ban hành bởi Đấng Một, người có quyền áp đặt những quy tắc đó lên chúng ta, vì lợi ích của chúng ta và vì vinh quang của Ngài. Ngài ban cho chúng ta những nguyên lý như một cơ sở để chúng ta xây dựng nên tư duy của chúng ta trong mọi lĩnh vực.

Nếu bạn chấp nhận Chúa như Đấng Sáng tạo, bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta biết rằng Chúa là Đấng ban sự sống, rằng sự sống có ý nghĩa và mục đích, và rằng mọi con người đều được tạo ra theo hình tượng của Chúa, và do đó, có một giá trị và ý nghĩa to lớn . Chúa tạo ra chúng ta sao cho Ngài có thể liên hệ với chúng ta, đổ tràn ơn phúc lên chúng ta, và ngược lại để cho chúng ta cũng yêu kính Ngài.

Ngược lại, nếu bạn chối bỏ Chúa và thay Ngài bằng một niềm tin khác ─ một niềm tin đặt các quá trình may rủi và ngẫu nhiên vào vị trí của Chúa ─ thì khi đó sẽ không có cơ sở để phân biệt cái gì là đúng và cái gì là sai. Luật lệ trở thành bất kể cái gì mà bạn muốn vẽ ra nó. Không còn CÁI TUYỆT ĐỐI nữa, không có những nguyên lý bắt buộc về đạo lý để bạn phải tuân thủ nữa. Con người sẽ tự viết ra những lề luật của mình.

Cần phải nhận thức rằng niềm tin của bạn về nguồn gốc và số phận của bạn sẽ quyết định thế giới quan của bạn!

Khi nền tảng của tư tưởng Thượng Đế sáng tạo ra thế giới bị vứt bỏ thì những thiết chế thiêng liêng cũng sụp đổ. Ngược lại, khi nền tảng về tiến hóa được củng cố vững chắc thì những cấu trúc được xây dựng trên nền tảng đó, như tính vô luật lệ, giải phóng tình dục, tình dục đồng giới, phá nạo thai, v.v. cũng tăng lên một cách logic. Chúng ta cần phải thấy rõ mối liên kết đó.

Nhiều người Thiên Chúa giáo nhận ra sự thoái hóa đạo đức đã và đang diễn ra trong xã hội. Họ trông thấy sự sụp đổ trong hệ thống đạo đức Thiên Chúa giáo và sự tăng trưởng của các triết lý chống lại Chúa. Họ cũng thấy tình trạng khủng hoảng tội ác, khủng hoảng đạo đức, tình trạng vô luật lệ, tình dục đồng giới, văn hóa phẩm đồi trụy, và phá nạo thai và nhiều sản phẩm tồi tệ khác nữa của triết lý sống ngày nay, nhưng họ không hiểu tại sao những hiện tượng như thế đã và đang xảy ra . Họ rơi vào tình thế ngã ba đường, không biết đâu là sự thật, không hiểu bản chất nền tảng của cuộc xung đột về thế giới quan hiện nay, đó là cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm đối chọi: quan điểm sáng tạo và quan điểm tiến hóa.

Tất nhiên là những triết lý phản đạo đức và chống lại Chúa đã tồn tại từ trước khi có thuyết tiến hóa Darwin. Tuy nhiên từ khi con người thay đổi niềm tin vào nguồn gốc của mình thì thế giới quan của họ cũng thay đổi. Khi con người chối bỏ sự sáng tạo của Chúa thì quan điểm của họ về thế giới và về con người cũng thay đổi.

Đặc biệt tại các quốc gia Tây phương, nơi Thiên Chúa giáo từng đóng vai trò nền tảng đạo đức của từng cá nhân và của toàn xã hội, thuyết tiến hóa của Darwin đã cung cấp một sự biện minh cho rất nhiều người không tin Chúa, để họ có thể tự tin và thoải mái thực hiện những hành vi mà người Thiên Chúa giáo coi là tội lỗi. Một nhà khoa học không theo Thiên Chúa giáo đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên TV, rằng “Thuyết tiến hóa Darwin làm cho những người vô thần được kính trọng”.

Tác giả Ken Ham kể rằng, tại một lớp học ở Úc, một cô giáo nói với học trò rằng cô không tin chuyện vượn tiến hóa thành người, bởi nếu đó là sự thật thì tại sao hiện tượng đó không hề diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới ngày nay. Một học trò đứng lên thưa với cô rằng thưa cô, hiện tương đó đang diễn ra đấy, người aborigines (thổ dân Úc) chính là loài vượn đang tiến hóa lên thành người đấy (!).

Ken Ham thốt lên lời chua xót, rằng người ta đã và đang nhồi vào sọ trẻ em những kiểu tư duy sai lầm như vậy, rồi ông chất vấn: Tại sao xã hội ngày nay tuyên bố chống phân biệt chủng tộc nhưng lại dạy trẻ em những lý thuyết chứa đựng mầm mống phân biệt chủng tộc?

Mầm mống ấy là gì? Đó là thuyết tiến hóa!

Thuyết tiến hóa phá hủy đạo đức Đông phương

Khi chủ nghĩa thực dân tiến sang Đông phương, nó cũng mang theo thuyết tiến hóa, và thuyết tiến hóa cũng làm công việc của nó ở Đông phương ─ lật đổ đức tin vào Ông Trời!

Ông Trời chính là Thượng Đế. Người Á Đông vốn rất kính sợ Trời.

Thật vậy, Lệ thần Trần trọng Kim viết trong cuốn NHO GIÁO: “Trời là bản nguyên của muôn vật”, “Vậy nên người bao giờ cũng phải kính sợ Trời và sợ Trời là cơ bản đạo đức của người…”. “Đó là cái lòng tín ngưỡng của dân tộc nào lúc đầu cũng thế”.

Vậy xem ra nền tảng đạo đức của Á Đông và Tây phương xưa kia rất giống nhau, đó là đức tin vào Thượng Đế, vào Ông Trời. Vì thế, nếu thuyết tiến hóa phá hủy nền tảng đạo đức Thiên Chúa giáo thì cũng sẽ phá hủy nền tảng đạo đức Á Đông. Bài báo sau đây của Thanh Nguyên trên Minh Huệ net đã nói rõ cho chúng ta biết điều đó:

Hiện nay mọi người khi nói về Thuyết tiến hóa, thì luôn cho nó là một phạm trù Sinh vật học. Trên thực tế Thuyết tiến hóa đối với loài người vượt quá xa phạm trù của Sinh vật học. Chúng ta có thể nói rằng, một môn học thuật đề cao hoặc duy hộ đạo đức cơ bản của xã hội, đối với con người mà xét, thì có thể gọi là học thuyết chân chính, còn loại học thuyết phá hoại đạo đức loài người, đả kích bản tính lương thiện của loài người, thì thứ học thuyết đó chính là Tà ác. Bài này thử theo ảnh hưởng của Thuyết tiến hóa đối với đạo đức nhân loại mà trình bày và phân tích, mong mọi người chú ý đến vấn đề này.

Con người sở dĩ là người chứ không phải là động vật, chính là nhờ ở ràng buộc về luân lý đạo đức. Thế nhưng sự phá hoại của Thuyết tiến hóa đối với đạo đức nhân loại chủ yếu biểu hiện ở việc: nó phá hủy quan niệm đạo đức cơ bản của loài người vốn được truyền thừa suốt mấy ngàn năm qua, nó khuyến khích tính ích kỷ cá nhân tà ác của con người.

Quá khứ mấy ngàn năm trước, người phương Tây đối với việc “Thượng Đế tạo ra con người” rất tin tưởng không nghi ngờ, họ tin vào việc Thần đối với nhân loại là có sự quản chế ràng buộc. Tại phương Đông, mọi người tôn thờ đạo lý “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, “Trên đầu 3 thước có Thần linh”. Học thuyết nhà nho của Trung Quốc đều là xoay quanh “Con người tu thân trọng Đức như thế nào” mà giảng, trong sách “Đạo đức kinh” có mấy ngàn chữ, thực ra đều là xoay quanh “Đạo, Đức” mà giảng. Mọi người có thể đã được nghe đến mức quen tai câu chuyện xưa “Vi biên tam tuyệt” (Ba lần đứt lề sách), kỳ thực cũng nói về chuyện Khổng Tử cẩn thận nghiên cứu Chu Dịch, đề cao việc tu dưỡng đạo đức cá nhân. Nói cách khác, trăm ngàn năm qua mọi người đều tin tưởng rằng Thiện là mặt chủ đạo của nhân tính, những kẻ mang ma tính ích kỷ thì không xứng đáng làm người, và tính ích kỷ là thứ mà con người cần cố gắng trừ bỏ đi. “Tu thân trị quốc bình thiên hạ” chính là để ức chế tính ích kỷ cá nhân, tu thành người nho nhã lễ độ. Những người “Quân tử” có đạo đức cao thượng, hiếu thuận với cha mẹ, tận trung vì nước là những gương mẫu mà cộng đồng xã hội tôn sùng. Được ràng buộc bởi đạo đức cơ bản, con người không dễ dàng bị ma tính khống chế, bản tính lương thiện chiếm địa vị chủ đạo, xã hội phát triển một cách bình thường khỏe mạnh, nền văn minh có thể được tiếp tục duy trì.

Nhưng Thuyết tiến hóa gây tác hại đối với loài người không chỉ dừng lại ở đó. Tư tưởng nòng cốt của nó là “Thích giả sinh tồn” (“Kẻ thích nghi được thì tồn tại”) khiến con người hiện đại tìm được căn cứ, tìm thấy chỗ dựa cho những thứ quan niệm đã bại hoại của họ, tìm được cái cớ để lường gạt lương tâm của chính mình. Trong quan niệm “Thích giả sinh tồn” của Thuyết tiến hóa, “Sinh tồn” dường như là ý nghĩa duy nhất của sự tồn tại của sinh mệnh: chỉ cần ngươi có thể sống sót trong đời sống tàn khốc (của tự nhiên), thì ngươi là kẻ thắng cuộc (không quan tâm ngươi dùng thủ đoạn gì). Những thứ quan niệm “Con chim dậy sớm thì có côn trùng mà ăn”, “Không cố gắng sẽ bị đào thải”, “Ngươi không đánh gục hắn, hắn sẽ đánh gục ngươi”, “Người không vì mình, trời tru đất diệt”, vv… thể hiện rõ rằng ma tính ích kỷ đã thay thế phần rất lớn những quan niệm đạo đức chính thống cơ bản của con người. Trong xã hội một người nào còn tốt, một sinh mệnh còn tốt đẹp nếu không thể “Thích ứng với sự biến hóa của hoàn cảnh” thì sẽ bị đào thải, bất kể người ấy lương thiện như thế nào. Những người làm điều thiện cho khắp cộng đồng, lặng lẽ âm thầm phụng sự cho xã hội, những người chăm lo nâng cao tiêu chuẩn đạo đức cá nhân trong xã hội thường không được ủng hộ, mà bị bài trừ, chèn ép, thậm chí bị bài xích đến mất cả không gian sống cơ bản của mình. Mọi người không hề tin tưởng truyền thống đạo đức về lòng lương thiện, khoan dung, nhường nhịn …, “Khinh kẻ nghèo chứ không khinh kỹ nữ”, ngay cả những thứ Đại ca xã hội đen thậm chí lại trở thành đối tượng mà nhiều người sùng bái. Kỳ thực chúng ta chỉ cần tĩnh tâm lại và suy nghĩ, nếu chỉ có Con chim dậy sớm mới có côn trùng để ăn, như thế chẳng phải những con chim dậy muộn hơn đều phải bị chết đói ư? Nhưng trong hoàn cảnh thực tế tự nhiên lại là như thế này: “Con chim dậy sớm ăn côn trùng dậy sớm, con chim dậy muộn ăn côn trùng dậy muộn”. Trong cuộc sống thực tế, những kẻ liều mạng cố gắng vì ích lợi cá nhân, những kẻ không từ một thủ đoạn nào đều nhất định có thể đạt được mục đích cá nhân sao?

Xã hội hiện nay mọi người đều đã thực sự bị Thuyết tiến hóa lôi kéo và đang phải chịu hậu quả là sự băng hoại đạo đức toàn nhân loại. Các bạn hãy xem người ta bây giờ nói chuyện thì chủ đề được quan tâm nhiều nhất có lẽ là “Cạnh tranh”, đề cập làm thế nào để dùng “Sức cạnh tranh” của mình. Khi người ta phát hiện ra rằng những người lương thiện thành thật dễ dàng bị kẻ khác làm tổn hại, mọi người liền thúc giục chính mình trở nên gian trá và giảo hoạt. Để đuổi cho kịp cái gọi là “Trào lưu của thời đại” không ngừng biến hóa, mỗi cá nhân đều bị khuất phục và xuôi theo các quan niệm giá trị càng ngày càng bại hoại, rất ít người dám tự hỏi lại xem chỉnh thể thế giới quan về giá trị liệu có chính xác hay không. Nếu có người thực sự như thế, người khác sẽ bảo họ “Theo không kịp thời đại, mất trí, không hiểu biết”. Bị cái chỉnh thể môi trường như thế này lôi kéo, mỗi phụ huynh đều tính toán làm thế nào để con cái của mình có thể thích ứng được với cái “Xã hội cạnh tranh” này… Giáo dục ở các trường học không lấy đạo đức của học sinh làm tiêu chuẩn cân nhắc, mà lấy điểm số và thành tích làm tiêu chuẩn, cho nên học sinh bây giờ học tập cả ngày cả đêm. “Đáng thương thay cho cái tâm của các bậc cha mẹ trong thiên hạ” nhìn thấy đau xót trong lòng nhưng cũng không thể tránh được. Mỗi người đều căm ghét loại phương hướng giáo dục như thế này, bức thiết hy vọng giảm bớt được gánh nặng cho học sinh, nhưng hoàn toàn không nhận thức ra rằng, đứa con bé bỏng mà mình thương yêu phải chịu nhận tất cả những điều đó chính là do cái tâm “Hy vọng con cái trở thành rồng” của chính cha mẹ chúng tạo thành.

Mỗi cá nhân đều trong cạnh tranh mà đánh mất bản thân, mỗi người đều bị cái gọi là cạnh tranh thúc đẩy, bận rộn tầm thường, bôn ba khắp nơi. Dù là người chiếm được ưu thế và địa vị trong cạnh tranh, họ cũng không có được một ngày bình an, bởi anh ta cần phải đề phòng mọi lúc mọi nơi các đối thủ cạnh tranh càng ngày càng nhiều thêm! Mỗi cá nhân đều thấm thía nỗi khổ cực, mỗi người đều thấy đau buồn, mọi người chịu ảnh hưởng của những thứ quan niệm gọi là “Cạnh tranh” và “Thích giả sinh tồn” mà có thể “hợp pháp” chém giết lẫn nhau. Bởi cái chỉnh thể giá trị quan như thế đã bắt rễ sâu vào trong xã hội bại hoại rồi, nên người với người làm hại nhau, để đạt được thắng lợi trong cạnh tranh họ không từ bất cứ việc xấu ác nào. Vấn nạn của xã hội liên tục xuất hiện, sự băng hoại của đạo đức nhân loại đã đến mức đáng sợ, môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người cũng lâm vào tình cảnh bị hủy hoại và tàn phá đến mức chưa từng có…

Bởi vậy, hoàn toàn vứt bỏ ảnh hưởng của Thuyết tiến hóa đối với xã hội chúng ta, phục hưng đạo đức của nhân loại đã là trách nhiệm xã hội không thể trốn tránh của mỗi một con người có lương tri. Bởi vì nó quan hệ đến bạn, đến tôi, đến mọi người, đến việc con cháu chúng ta có thể tiếp tục sinh tồn một cách tốt đẹp hay không!

Ai ứng dụng thuyết tiến hóa triệt để nhất?

Năm 2004, một đòn chết người đã giáng lên đầu thuyết tiến hóa, đó là sự ra mắt cuốn sách “ From Darwin to Hitler: Evolutionary Ethics, Eugenics, and Racism in Germany ” (Từ Darwin tới Hitler: Đạo đức theo thuyết tiến hóa, Thuyết Ưu sinh, và Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Đức), của Richard Weikart, Giáo sư khoa học lịch sử Đại học Tiểu bang California, do Palgrave Macmillan, một nhà xuất bản nổi tiếng về khoa học lịch sử, xuất bản tại New York, Mỹ.

Trong công trình nghiên cứu rất tỉ mỉ và công phu này, Richard Weikart đã cho chúng ta thấy rõ tác động vô cùng tai hại của thuyết tiến hóa Darwin đối với nhận thức của con người trong thế kỷ 20 ─ thuyết tiến hóa đóng vai trò quyết định trong việc làm cho con người từ bỏ các giá trị truyền thống để bắt đầu một quá trình suy đồi về luân lý và đạo đức nói chung.

Ông chứng minh rằng nhiều nhà sinh học tiến hóa hàng đầu và những nhà tư tưởng xã hội ở Đức thời đó thừa nhận học thuyết Darwin đã lật đổ nền tảng đạo đức Do thái giáo – Kitô giáo truyền thống, lật đổ những tư tưởng về quyền con người trong Thế kỷ Ánh sáng, đặc biệt là những tư tưởng liên quan đến những giá trị thiêng liêng trong đời sống con người. Theo truyền thống, Chúa là thiêng liêng và phải tôn kính, con người có linh hồn, và linh hồn do Chúa thổi vào, nhưng với thuyết tiến hóa, con người đơn giản chỉ là xác thịt, là tập hợp của các vật chất thô thiển, là hậu duệ của các loài động vật. Con người không có gì cao quý và đặc biệt hơn động vật.

Weikart tố cáo nhiều người trong số các nhà tư tưởng Đức đầu thế kỷ 20 đã cổ xúy cho “chủ nghĩa tương đối về đạo đức” (moral relativism), bác bỏ đạo đức tuyệt đối mà các tôn giáo Tây phương truyền thống từng giáo huấn ─ sự thờ kính Chúa và các chuẩn mực đạo đức như Kinh Thánh đã dạy. Họ đề cao sự “thích nghi” về tiến hóa (đặc biệt là tiến hóa về trí tuệ và sức khỏe) mới là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất.

Weikart kết luận rằng học thuyết Darwin không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của thuyết ưu sinh (eugenics), một học thuyết cực kỳ vô nhân đạo chủ trương loại bỏ những người ốm yếu bệnh tật và những người bị coi là thấp kém trong xã hội, mà còn là lý do biện minh cho nhiều hành vi vô luân khác như làm cho bệnh nhân chết “êm dịu” (euthanasia), giết trẻ sơ sinh (infanticide), phá nạo thai (abortion), và… diệt chủng (extermination). Tất cả những hành động vô đạo này cuối cùng đã được chủ nghĩa quốc xã Đức tiếp thu một cách nồng nhiệt và hiện thực hóa bằng hàng loạt hành động tàn bạo trong thực tế những năm 1933-1945.

Weikart nêu lên những lập luận thuyết phục khi ông nêu đích danh Hitler đã xây dựng quan điểm của hắn về đạo đức dựa trên các nguyên lý của học thuyết Darwin như thế nào. Tóm lại, “Từ Darwin đến Hitler” là một tài liệu nghiêm túc, đúng mực, trích dẫn những sự thật không thể chối cãi về sự gắn bó tư tưởng của Hitler đối với học thuyết Darwin. Đây là một tài liệu rất quý, kích thích bất kỳ ai muốn khám phá sự thật về ảnh hưởng sâu sắc của thuyết tiến hóa Darwin đối với các tiến trình lịch sử trong thế kỷ 20, qua đó nổi bật lên những cuộc tàn sát đẫm máu chưa từng có trong hai cuộc Thế Chiến và quá trình suy đồi đạo đức ngày càng tăng từ đó đến nay. Nếu không chỉ rõ mối liên hệ giữa Hiler với tư tưởng của thuyết tiến hóa Darwin, trong đó thuyết tiến hóa đóng vai trò kẻ lát đường hoặc tạo cở sở lý luận cho Hitler, chúng ta sẽ không thể nào hiểu nổi tại sao Hitler có thể có những quan điểm quái gở và vô đạo đến như thế.

Hình bên: “Kẻ thù của chúng ta đồ giun rế… Hãy khép lòng thương xót lại! Hãy hành động hung bạo!… Kẻ mạnh hơn là kẻ đúng!”, tuyên bố của Adolf Hitler ngày 22/08/1939, trước khi xâm lược Ba Lan.

Tất nhiên một mình Hitler không thể xoay ngược lịch sử như thế. Đó là cả một trào lưu lịch sử đã bắt đầu trỗi dạy trên khắp Châu Âu từ khoảng những năm 1830 về sau. Đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa vô thần. Cần phải có nhiều luận án tiến sĩ về khoa học lịch sử, về xã hội học, về nhân loại học, về triết học lịch sử, triết học khoa học, triết học về bản chất con người… để giải thích nguyên nhân và điều kiện xã hội của hiện tượng bước ngoặt này ─ hiện tượng lên ngôi của chủ nghĩa vô thần. Tuy nhiên, cuốn “Tự thú” (Confession) của Leo Tolstoy đã đánh dấu một cột mốc lịch sử của hiện tượng đó, khi ông xác nhận rằng năm ông 11 tuổi, tức năm 1838, một thông tin quan trọng đã lan truyền khắp nơi, rằng “Không có Thượng Đế!”. Hãy đọc “Tự thú” của Leo Tolstoy để hiểu sự vắng mặt của Thượng Đế trong tâm hồn con người dẫn đến thảm họa như thế nào. Nếu không chúng ta sẽ mãi mãi mờ mịt không hiểu tại sao học thuyết Darwin, mặc dù chỉ là một giả thuyết vô bằng chứng, bị các nhà khoa học xuất sắc nhất thế kỷ 19 như Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin,… bác bỏ, vậy mà nó vẫn ngoi lên để thống trị trong thế giới sinh học. Rõ ràng nó phải được một số đông ủng hộ, và số đông ấy chính là chủ nghĩa vô thần mới nổi lên và lớn mạnh dần, tới mức thống trị nhận thức của loài người.

Đối chiếu với Kinh Thánh, tôi cho rằng sự thắng thế của một học thuyết phi khoa học và phi nhân bản như thuyết tiến hóa là một điềm báo Ngày Sau Rốt đã bắt đầu. Đồng thời, đó cũng là một biểu hiện cho thấy Định luật Tàn Úa, tức Định luật Entropy, cũng đúng trong xã hội loài người.

Tóm lại, học thuyết Darwin là con đẻ của chủ nghĩa vô thần và đến lượt nó, nó lại trở thành một công cụ đắc lực của chủ nghĩa vô thần. Đó là lý do để Hitler ôm lấy nó, mặc dù trên miệng lưỡi hắn cũng nói đến Chúa, thậm chí nhân danh Chúa để tiến hành những hành vi phản Chúa.

Richard Evans , giáo sư lịch sử hiện đại tại Đại học Cambridge, tác giả cuốn “The Coming of the Third Reich” (Sự ra đời của Đế chế thứ III) (tức Đế chế Nazi của Hitler) nhận xét:

“Cuốn sách nổi bật của Richard Weikart trình bày một cách chi tiết, đúng mực, chín chắn và thuyết phục làm thế nào mà các nhà tư tưởng theo học thuyết Darwin tại Đức đã phổ biến một quan điểm phi đạo đức vào xã hội loài người trong giai đoạn Thế Chiến I, trong đó cái được cho là tốt về chủng tộc đã được áp dụng như một tiêu chuẩn duy nhất của chính sách công cộng và của chương trình ‘thanh lọc chủng tộc’. Không đơn giản hóa và bóp méo những chính sách liên hệ với phần cốt lõi trong tư tưởng của Hitler, tác giả đã chứng minh với một sự minh bạch đến ớn lạnh về vấn đề làm thế nào mà các chính sách như giết trẻ sơ sinh, hỗ trợ tự tử, ngăn cấm hôn nhân và nhiều thứ khác nữa, lại có thể được nhiều tác giả và nhà khoa học theo học thuyết Darwin kiến nghị áp dụng đối với những người bị coi là thấp kém về mặt chủng tộc và không phù hợp với thuyết ưu sinh, những kiến nghị ấy đã cung cấp cho Hitler và đảng quốc xã một luận cứ khoa học cho những chính sách mà họ theo đuổi một khi họ lên cầm quyền”

Thomas Albert Howard , Giáo sư sử học Đại học Gordon, tác giả cuốn “Thần học Tin Lành và việc tạo dựng Đại học Đức hiện đại”, nhận xét:

“Đây thực sự là một công trình lịch sử trí tuệ công phu, và một công trình liên quan trực tiếp đến một số cuộc thảo luận về đạo đức quan trọng nhất trong thời đại hiện nay. Người Thiên Chúa giáo và tất cả những ai có thiện chí nên suy nghĩ về những lập luận này để nhận ra rằng một người tốt nhất và thông minh nhất có thể phạm phải cái xấu nhất và đen tối nhất dưới những biểu ngữ tỏ ra tiến bộ về ‘sức khỏe và sự thích nghi’ sinh học”.

Phillip Johnson , Giáo sư danh dự về luật, Đại học California ở Berkeley, tác giả cuốn “Darwin on Trial” (Darwin ra tòa) và “Reason in the Balance” (Lý lẽ trong sự cân bằng), nhận định:

“Cái triết học truyền lửa cho quân đội Đức và chủ nghĩa Hitler được dạy tại mọi trường công lập ở Mỹ như một sự thật, mà không cho phép được bất đồng. Mọi phụ huynh nên biết câu chuyện này, mà Weikart giải thích một cách thuyết phục”.

Nancy Pearcey , tác giả cuốn “Total Truth” (Sự thật toàn bộ) và đồng tác giả cuốn “The Soul of Science” (Linh hồn của khoa học) và “How Now Shall We Live” (Chúng ta sẽ sống ra sao), nhận xét:

“Nếu bạn nghĩ những vấn đề vô đạo đức như giết trẻ sơ sinh, hỗ trợ tự tử, và can thiệp và các genes của con người là chuyện mới xảy ra gần đây, bạn hãy đọc cuốn sách này. Cuốn sách vẽ ra một bức tranh rõ ràng và ớn lạnh về cái cách thức mà chủ nghĩa tự nhiên của học thuyết Darwin đã dẫn các nhà tư tưởng Đức tới chỗ đối xử với cuộc sống của con người như nhào nặn các vật liệu thô thiển để nâng cao tiến trình tiến hóa… Lời cảnh báo ngầm của Weikart là ở chỗ chừng nào mà những giả định tương tự của học thuyết Darwin còn thống trị trong nền giáo dục trong thời đại của chúng ta ngày nay thì nó có thể dẫn tới những thực hành tương tự như ở nước Đức trước đây”.

Francis J. Beckwith , Giáo sư triết học Đại học Baylor

“Công trình bậc thầy của Richard Weikart cung cấp một trường hợp thuyết phục cho thấy thuyết ưu sinh và tất cả những hệ quả chính trị và xã hội xuất phát từ nó lẽ ra đã không phải như thế nếu các nhà văn hóa xuất sắc không nhiệt tình ôm lấy những quan điểm về sự sống, đạo đức và những thiết chế xã hội phù hợp với học thuyết Darwin”.

Tham Khảo:

EVOLUTION NEWS: From Darwin to Hitler

http://www.evolutionnews.org/2014/08/new_website_fro089041.html

FROM DARWIN TO HITLER website by Richard Weikard

http://darwintohitler.com/

The Biology of the Second Reich: Social Darwinism and the Origins of World War 1

https://www.youtube.com/watch?v=9n900e80R30

Ngoại trừ được chú thích, ảnh trong bài được lấy từ viethungpham.com

Tác giả: GS Phạm Việt Hưng

GS Phạm Việt Hưng. Ảnh: photobucket

Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Email: bizet09@gmail.com

Website: viethungpham.com

Exit mobile version