Các nhà khảo cổ học và lịch sử học đã có vô số những khám phá kỳ lạ đang chờ đợi một lời giải thích hợp lý và nếu những sự kiện sau là xác thực, thì có lẽ nền văn minh của loài người có một nguồn gốc xa xưa hơn.

Người ngoại quốc ở Trung Hoa cổ đại

Vào năm 1993, khi khai quật di chỉ Chu Khẩu Điếm (Zhoukoudian), một hang động gần Bắc Kinh, Trung Quốc, TS. F Weidenreich đã khám phá ra rất nhiều hộp sọ và khung xương. Một hộp sọ là thuộc về một người Châu Âu lớn tuổi, một cái khác là của một người phụ nữ trẻ có cái đầu hẹp, một đặc điểm điển hình của người Melanesian. Hộp sọ thứ ba được xác định là thuộc về một người phụ nữ trẻ mang những nét đặc trưng của người Inuit.

Một người đàn ông Châu Âu, một cô gái đến từ vùng nhiệt đới và một cô gái đến từ vùng Bắc Cực được phát hiện trên một sườn núi của Trung Quốc. Nhưng làm cách nào mà họ có thể đến Trung Quốc vào 30.000 năm về trước? Chi tiết vượt ra ngoài thời kỳ tiền sử này thật sự là một bí ẩn khó giải thích.

Hang động Chu Khẩu Điếm gần Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Pinterest)

Ngà voi ma-mút thẳng

Con người vào thời kỳ Băng hà cuối cùng liệu có sở hữu những công cụ kỹ thuật cao đủ để biến một chiếc ngà voi ma-mút cong khổng lồ trở thành thẳng? Mãi cho tới khi một cây giáo dài gần 2 m làm từ ngà voi ma-mút được phát hiện ở Sungir, Nga, không một nhà khoa học nào tin tưởng rằng con người tiền sử có khả năng biến một cái ngà cong trở thành những cây giáo thẳng.

Hình ảnh phục chế của một ngôi mộ từ thời kỳ Băng hà ở Nga, trong đó người ta tìm thấy một cây giáo thẳng dài gần 2 m làm từ ngà voi ma-mút. (Ảnh: Pinterest)

Cũng trong khu vực này, các nhà khảo cổ Nga đã tìm thấy một cây kim làm bằng xương – một bản sao giống hệt cây kim sắt của chúng ta ngày nay. Giống như những cây giáo, chiếc kim này cũng có niên đại 27.000 năm. Những đồ tạo tác được làm ra bởi con người thời kỳ Băng hà thật sự là kỳ lạ, và nó cũng thể hiện rằng công nghệ thời đó vượt trội hơn những gì chúng ta từng nghĩ.

Những chiếc hộp sọ Jericho

Những chiếc hộp sọ Jericho nổi tiếng này được lấp đầy bằng đất sét và vỏ sò, mô tả những khuôn mặt giống người Ai Cập cổ. Chúng có niên đại khoảng năm 6500 TCN, thời điểm cách khoảng 1.500 năm trước khi nền văn minh Ai Cập xuất hiện. Khám phá này đặt ra rất nhiều câu hỏi. Liệu những khuôn mặt xác ướp của họ có phải là kết quả của việc mong muốn trở nên bất tử? Nếu có, thì đây có lẽ là bằng chứng cho sự tồn tại của một hình thức tín ngưỡng vào giai đoạn rất sớm. Nhưng tư duy trừu tượng không thể xuất hiện trong tâm trí con người chỉ sau một đêm, mà cần trải qua cả một quá trình lâu dài. Vậy nguồn gốc của những suy nghĩ này của người Jericho đến từ đâu?

Một trong số những chiếc hộp sọ Jericho nổi tiếng. (Ảnh: Pinterest)

Dấu giày 15 triệu năm tuổi?

Trong hẻm núi Fisher ở Nevada, Mỹ một dấu giày đã được phát hiện trên một vỉa than đá. Tuổi của dấu giày này được ước tính là hơn 15 triệu năm. Nhưng loài người được cho là đã không xuất hiện vào 13 triệu năm về trước. Theo các quan điểm phổ biến hiện nay, người nguyên thủy mới xuất hiện cách đây khoảng 1,8 triệu năm và họ chỉ bắt đầu biết mang giày cách đây 25.000 năm. Vậy dấu giày kia là của ai?

Dấu giày 15 triệu năm tuổi được phát hiện tại hẻm núi Fisher ở Nevada, Mỹ. (Ảnh: Ancient Code)

TS. Chow Ming Chen cũng có một phát hiện tương tự trên sa mạc Gobi vào năm 1959. Đó là một dấu giày hoàn hảo trên bề mặt đá sa thạch và cũng được ước tính có niên đại hàng triệu năm tuổi. Đoàn thám hiểm cũng không thể nào giải thích được điều này.

Những tảng cự thạch lạ lùng ở cao nguyên Marcahuasi

Việc khám phá ra các tác phẩm điêu khắc cự đại ở Marcahuasi của TS. Daniel Ruzo năm 1952 được xem là một sự kiện trọng đại. Cao nguyên Marcahuasi cách thủ đô Lima của Peru 80 km về phía Đông Bắc ở độ cao 4.000 m, nơi có khí hậu lạnh giá và hầu như không có gì sống sót được giữa những tảng đá khổng lồ.

Đứng ở trung tâm của những khối đá, Ruzo thấy rằng hiện diện xung quanh ông là những khuôn mặt của người và động vật được khắc trên đá. Đó là khuôn mặt của người da trắng, da đen, người Do Thái và các động vật như sư tử, bò, voi, lạc đà… tất cả đều là những động vật không bao giờ sống tại Châu Mỹ. Trong những tác phẩm điêu khắc này còn có cả ngựa, điều này đã làm dấy lên một thắc mắc. Đó là ngựa đã bị tuyệt chủng ở Châu Mỹ từ khoảng 9.000 năm trước, và chúng chỉ mới được người Tây Ban Nha mang trở lại vào thế kỷ XVI. Điều này càng làm cho người ta hoài nghi về nguồn gốc của các công trình trên.

Tác giả bí ẩn của những tượng đài khổng lồ này đã có nhận thức khá tốt về góc nhìn quang học. Một số hình ảnh chỉ có thể được nhìn thấy vào buổi trưa, vào những thời điểm khác, chúng biến mất khi hướng chiếu Mặt trời thay đổi. Việc tìm hiểu những khối đá miêu tả các sinh vật chưa từng sống ở Nam Mỹ, hoặc đã tuyệt chủng từ 10.000 năm trước, hoặc những nhân chủng chưa từng đặt chân đến Châu Mỹ trong vòng 500 năm trở lại đây vẫn đang là thách thức lớn đối với các nhà khoa học chính thống hiện nay.

Những khuôn mặt bằng đá khổng lồ ở Marcahuasi, Peru. (Ảnh: Ancient Origins)

Những khối cầu kỳ lạ ở Costa Rica

Hàng trăm khối cầu có hình tròn hoàn hảo được làm từ đá núi lửa nằm phân tán rải rác trong rừng rậm ở Costa Rica. Những khối cầu tương tự cũng hiện diện ở Guatemala và Mexico. Sự khám phá ra những khối cầu này đã làm nảy sinh hàng tá câu hỏi. Tộc người cổ đại nào có thể điêu khắc ra những khối cầu hoàn hảo như thế này và mục đích của chúng là gì? Hay chúng chỉ do sự hình thành địa chất tự nhiên giống như một số nhà khoa học tin tưởng? Một số khối cầu được đặt trên nền đá, một số khác được sắp xếp thành từng cụm, một số lại được sắp xếp theo các dạng hình học như tam giác, hình vuông hoặc hình tròn. Phải chăng chúng cũng mang ý nghĩa thiên văn giống như những khối cự thạch ở Stonehenge?

Những khối cầu có hình tròn hoàn hảo được làm từ đá núi lửa nằm phân tán rải rác ở Costa Rica. (Ảnh: youtube.com)

Những cái đầu khổng lồ bằng đá của người Olmec

Các khối đá hình đầu người khổng lồ của người Olmec được tìm thấy ở La Venta, Tres Zpotes và các địa điểm khác ở Mexico cũng là những hiện vật chứa nhiều bí ẩn. Những cái đầu khổng lồ này được chạm khắc bằng đá đen bazan cao 1,5 – 3 m, nặng 5 – 40 tấn. Điều đáng chú ý là các mỏ đá bazan gần nhất cách khu vực này từ 50 đến 100 km. Vậy làm thế nào mà những người cổ đại không có xe cộ hoặc động vật kéo có thể vận chuyển những khối đá khổng lồ băng qua các đầm lầy và rừng rậm để đến được địa điểm trên? Hơn nữa, những khuôn mặt khổng lồ của La Venta và San Lorenzo được ước tính có niên đại vào năm 1200 TCN, đây lại là một bất ngờ khác cho các nhà sử học và nhà khoa học.

Một trong những cái đầu khổng lồ bằng đá của người Olmec được tìm thấy ở Mexico. (Ảnh: pixabay.com)

Những khám phá trên đã và đang gây bối rối cho nhiều nhà khoa học. Có vẻ như thuyết tiến hóa không thể đưa ra câu trả lời thỏa mãn cho những bí ẩn này. Phải chăng nguồn gốc của loài người xa xưa hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ?

Video:

Ngọc Thuần