Theo truyền thuyết cổ đại của Ấn Độ, vua Rama đã cho xây dựng một chiếc cầu nối liền Ấn Độ và Sri Lanka từ hơn một triệu năm về trước. Một số người đã quan sát các bức ảnh chụp vệ tinh của NASA và để ý thấy có những dấu vết còn sót lại của một cây cầu như vậy. Liệu đây là một công trình tự nhiên hay nhân tạo?
Bách khoa toàn thư Britannica miêu tả đây là một “chuỗi các bãi cát ngầm”, nhưng lưu ý thêm rằng: “Theo truyền thuyết, đây được cho là phần còn sót lại của một đường đắp cao khổng lồ được xây dựng bởi Rama, vị anh hùng trong sử thi ‘Ramayana’ của Ấn Độ giáo. Chiếc cầu này sẽ giúp quân đội hành quân từ Ấn Độ đến Ceylon (Sri Lanka) để giải cứu Sita, người vợ bị bắt cóc của ông. Theo truyền thuyết Hồi giáo, Adam đã vượt qua núi Adam’s Peak, Ceylon và đứng bằng một chân ở đó để sám hối trong 1.000 năm”.
Trong tiếng Anh nó được gọi là “Cây cầu Adam”. Nó thường được gọi là Rama Setu hay Ram Setu trong tiếng Ấn Độ, đặt theo tên vua Rama. Tính xác thực về nguồn gốc cây cầu này đang bị chôn vùi trong các cuộc tranh luận chính trị và tôn giáo. Một số người muốn phá hủy phần di tích còn sót lại của cây cầu để mở một bến cảng. Đề xuất này đã bị bác bỏ vì nó chống lại quan điểm chung và sẽ phá hủy một công trình di sản quan trọng thời cổ đại.
Những luận cứ cho thấy cây cầu này là nhân tạo
Tiến sĩ Badrinarayanan, nguyên giám đốc Cục Địa chất Ấn Độ và nhà điều phối cục khảo sát của Viện Công nghệ Hải dương Quốc gia ở Chennai, đã nghiên cứu các mẫu vật chính thu thập từ cây cầu.
Ông kể với tạp chí Rediff rằng, trong các mẫu vật ở độ sau 10m, “Chúng tôi đã phát hiện thấy các lớp cát biển trên cùng và bên dưới, ở giữa là hỗn hợp giữa san hô, đá cát chứa canxi, và các chất liệu giống đá mòn. Điều đáng ngạc nhiên là bên dưới đó đến 4–5 m, chúng tôi lại phát hiện được cát lỏng và sau đó là các lớp kết cấu cứng ở đó”.
Ông phỏng đoán các tảng đá mòn đã được con người đặt ở đó.
Sử thi “Ramayana” miêu tả kích thước cây cầu là 100 yojana chiều dài và 10 yojana chiều rộng. Một yojana tương đương với khoảng 8 km. Đây là một kích thước khổng lồ, rõ ràng không phù hợp với cây cầu được quan sát thấy ngày nay. Dù vậy, tỷ lệ được miêu tả như vậy có thể phủ hợp.
Tỷ lệ 10:1 (dài:rộng) phù hợp với các số đo thực tế của cây cầu được quan sát ngày nay.
Bharath Gyan là một nhóm nghiên cứu văn hóa Ấn Độ truyền thống từ một nền tảng tâm linh. Họ cho rằng tỷ lệ 10:1 (dài:rộng) phù hợp với các số đo thực tế của cây cầu được quan sát ngày nay. Cây cầu này dài khoảng 35 km, và rộng 3,5 km. Tất nhiên, cây cầu tồn tại ngày nay không hoàn toàn đồng dạng (xuyên suốt thân cầu) vì chiều rộng thay đổi đôi chút tại các vị trí khác nhau.
Những luận cứ cho thấy cây cầu này hình thành trong tự nhiên
Mặc dù Tiến sĩ Badrinarayanan khá bối rối trước hiện tượng phân lớp trong các mẫu vật lõi, những người khác đã lý giải nó theo nhiều cách khác nhau. Chưa có một cách giải thích nào được các nhà địa chất thống nhất.
Ông Suvrat Kher, một chuyên gia địa chất trong lĩnh vực địa tầng dưới biển, đã đưa ra một số cách lý giải trên blog của mình: “Trong thời kỳ ‘băng hà’ thuộc Thế Canh Tân (Pleistocene), hiện tượng băng tích lũy và tan chảy đã làm cho mực nước biển dao động trong khoảng vài chục mét, tạo điều kiện hình thành vài đoạn đá ngầm san hô và bãi cát ngầm. Trong những thời kỳ mực nước hạ thấp ở thế Canh Tân, đã từng có một dải đất kết nối giữa Ấn Độ và Sri Lanka. Nhưng vào cuối giai đoạn băng kỳ Wisconsin cuối cùng, mực nước biển lại bắt đầu dâng lên trên toàn thế giới”.
Cầu Adam (NASA)
Theo ông, khi dải đá ngầm san hô mọc lên phía trên, cuối cùng chúng sẽ vươn tới tầng nước nông hơn và đôi lúc bị sóng đánh gãy, từ đó rơi xuống và lắng đọng ở bên dưới. Tương tự, cát cũng có thể được cuốn đi và lắng đọng, tạo ra các tầng khác nhau bên trên các trầm tích. Ông nghĩ rằng việc phân tầng như được quan sát có thể có cách giải thích khác, không nhất thiết là do con người đã đã đặt các tảng đá mòn.
Xác định niên đại
Năm 2007, khi các bức ảnh mới của NASA cho thấy Cây cầu Adam xuất hiện và thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng, đảng Bharatiya Janata ở Ấn Độ tuyên bố rằng NASA đã xác định niên đại chiếc cầu này lên đến 1,7 triệu năm. Mốc niên đại này phù hợp với các truyền thuyết Ấn Độ, tương đương với một trong bốn thời kỳ của nhân loại, thời kỳ mà vua Rama đã từng sống.
Vào thời điểm đó, người phát ngôn của NASA Michael Braukus nói rằng ông không biết gì về việc NASA đã từng tiến hành định tuổi bằng đồng vị cacbon tại khu vực này, do đó phủ nhận tuyên bố của đảng Bharatiya Janata. Một số báo cáo vào thời đó cho rằng đất đai ở hai bên bờ cây cầu đã được xác định niên đại lên đến 1,7 triệu năm tuổi, chứ không chỉ riêng cây cầu.
Kết quả định tuổi của các viện khoa học Ấn Độ, bao gồm Trung tâm Cảm ứng Từ xa thuộc trường Đại học Bharathidasan, đã xác định niên đại hình thành cây cầu vào khoảng 3.500–5.000 năm trước. Tiến sĩ Badrinarayanan đã ước tính khoảng thời gian hình thành cây cầu dựa trên kết quả quan sát các vật mẫu lõi là vào khoảng từ 5.800 đến 4.000 năm trước.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng việc xác định niên đại bất kỳ bộ phận cụ thể nào của cây cầu (như mẫu vật san hô) cũng không thể cung cấp một bức tranh thật sự về tuổi thọ của toàn bộ cây cầu.
Hình miêu tả truyền thuyết Rama Setu (Cầu Adam) được xây dựng bởi một đội quân khỉ. Tác phẩm năm 1850 của một họa sĩ vô danh. (Ảnh: Wikimedia)
Trong sử tích “Ramayana”, cây cầu này được cho là đã được xây dựng trên một nền móng bằng gỗ (vốn được đặt trên một mặt phẳng tự nhiên tồn tại trước đó) sau đó các tảng đá lớn nhỏ được đặt lên. Những người tin rằng cây cầu Adam là một công trình nhân tạo cho rằng sự thoái hóa của cây cầu qua nhiều năm đã khiến cho khó phân biệt nó với kết cấu tự nhiên có sẵn.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: Tara MacIsaac, Epoch Times
Quý Khải biên dịch.
Xem thêm: