Đại Kỷ Nguyên

Đến lượt trạm vũ trụ Thiên Cung-2 của Trung Quốc mất độ cao một cách khó hiểu

Trạm vũ trụ Thiên cung-2 của Trung Quốc mất độ cao và áp sát gần đến Trái Đất liên tục 10 ngày nay khiến các chuyên gia không khỏi đau đầu.

Theo như nhà thiên văn học Jonathan McDowell của viện nghiên cứu Harvard-Smithsonian, và thông tin về quỹ đạo được đưa ra bởi Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ, Trạm vũ trụ Thiên cung-2 của Trung Quốc đã rơi từ độ cao bình thường của nó (390 km) xuống độ cao 295 km từ hôm 13/6. Trong khi đó phía Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào.

Thiên cung-2, được ra mắt vào năm 2016, không phải là một thiết bị cố định. Trạm vũ trụ dài 10,4 m và nặng 8,6 tấn này được coi như một bản thử nghiệm cho công nghệ được triển khai trong một trạm không gian modul lớn được gọi là “Thiên hà” mà Trung Quốc có kế hoạch cho ra mắt vào năm 2022, nặng tới 100 tấn.

Độ cao của Thiên Cung-2 đã giảm xuống 295 km (Ảnh: China Underground)

Vào tháng 10 năm 2017, các phi hành gia Trung Quốc đã có 30 ngày sinh hoạt tại trạm vũ trụ này – kỳ nghỉ dài nhất của Trung Quốc trong không gian, Còn lại, hầu hết thời gian Thiên Cung-2 ở trong tình trạng không người lái.

Tuy nhiên, theo Space News, đã có các dấu hiệu cho thấy trạm đang quay lại quỹ đạo thông thường. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng trạm không gian này có lẽ sắp ngừng hoạt động theo một cách có kiểm soát hơn so với Thiên cung-1 (trạm vũ trụ đã bị mất kiểm soát và rơi thẳng xuống Trái đất vào tháng Tư năm nay, may mắn là nó nổ tung trên biển một cách vô hại).

Thiên Cung-1 rơi xuống Nam Thái Bình Dương hồi tháng 4/2018 (Ảnh: unb.com.bd)

Theo dữ liệu, rất có thể trạm đã hạ thấp quỹ đạo của nó thông qua hai lần đốt nhiên liệu đẩy, sau đó quay trở lại quỹ đạo cao hơn thông qua hai lần đốt khác.

“Đây có thể là cách Trung Quốc kiểm tra độ tin cậy của động cơ trạm vũ trụ sau 2 năm trong quỹ đạo, như là một phần của kiểm tra cuối đời”, McDowell cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng có lẽ Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái của Trung Quốc (CMSEO) đang có kế hoạch sử dụng cùng một hệ thống đẩy trên trạm vũ trụ Thiên hà trong tương lai và dữ liệu kiểm tra quỹ đạo trên Thiên Cung 2 lần này sẽ cực kỳ có giá trị.

Nếu giả thuyết này là đúng thì người dân tại các khu vực có thể thở phào. Trước đó, trạm vụ trụ Thiên cung – 1 nặng 8.5 tấn của Trung Quốc bị mất kiểm soát từ hồi giữa năm 2017, lơ lửng trên quỹ đạo và rơi không kiểm soát xuống khu vực Nam Thái Bình Dương hồi tháng 8 năm nay đã khiến người dân nhiều khu vực trên thế giới bất an vì lo sợ trạm sẽ rơi xuống khu vực họ sinh sống.

Ngọc Thuần

Exit mobile version