Đại Kỷ Nguyên

Đến thăm khu thử bom nguyên tử của Mỹ tại sa mạc Nevada

Vụ thử bom nguyên tử tháng 11 năm 1951 với sức nổ 21 Kiloton, vượt qua quả bom 15 Kiloton thả xuống Hiroshima (Ảnh: Federal Government of the United States, Wikipedia)

Từ năm 1951, quân đội Mỹ đã thử nghiệm hàng ngàn quả bom nguyên tử tại Nevada. Và người ta đã gọi sa mạc này là “nơi bị đánh bom nhiều nhất thế giới”.

“Chúng tôi làm những điều này vì tổ quốc,” một nhân viên tại khu thử nghiệm bom nguyên tử Nevada chia sẻ. Vào thời chiến tranh lạnh, bom nguyên tử là một yếu tố quan trọng thể hiện sức mạnh của Mỹ, và là nhân tố đáng gờm nhất đối với bất cứ quốc gia nào muốn xâm phạm quân đội nước này. Tuy nhiên, để đất nước có thể sở hữu một vũ khí sát thương khủng khiếp, người dân Mỹ sống quanh sa mạc Nevada đã phải trả một cái giá không hề nhỏ. Một người dân địa phương tâm sự, “di sản của khu thử nghiệm nguyên tử Nevada đã làm nhiều trái tim tan nát.”

Nơi thử bom nguyên tử tại sa mạc Nevada (Ảnh: Journeyman Pictures, YouTube)

Khu thử nghiệm Nevada (NNSS) nằm tại Đông Nam tỉnh Nye, cách thành phố Las Vegas 105 km. Được thành lập vào ngày 11/2/1951, khu vực rộng 3.500 km2 trên sa mạc Nevada là nơi quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm rất nhiều quả bom nguyên tử. Quả bom đầu tiên được thả tại đây có sức nổ 1 kiloton, thử nghiệm vào ngày 27/1/1951. Rất nhiều hình ảnh về bom nguyên tử vào thời đó đều được chụp tại Nevada.

Khu vực này bị cấm ra vào (Ảnh: Journeyman Pictures, YouTube)

So sánh với những quả bom 500 đến 1000 kiloton được thử nghiệm tại Nevada, quả bom 15 kiloton thả xuống Hiroshima có lẽ là quá nhỏ. Vậy mà thành phố Nhật Bản đến giờ vẫn còn đang vất vả khắc phục hậu quả do thảm họa hạt nhân gây ra. Bom nguyên tử quả là một vũ khí khủng khiếp đối với nhân loại. Đơn cử như quả bom nguyên tử Sedan được thử nghiệm vào năm 1962 với sức công phá 104 kiloton, đã gẩy tung 12 triệu tấn đất đá, và tạo ra một hố sâu tới 97 m, rộng 390 m.

Tuy nhiên hàng năm nó cũng mở cửa cho một số rất ít du khách (Ảnh: Journeyman Pictures, YouTube)

Tại Nevada, các camera tốc độ cao được đặt cố định ở một số địa điểm, để thu lại ảnh hưởng và sức công phá của vụ nổ. Trong các hình ảnh ghi lại được, sơn từ các tòa nhà được xây trong khu vực thử nghiệm sẽ bị tróc ra, đẩy khỏi vụ nổ, rồi bị hút trở lại khi đám mây hình nấm được tạo thành. Một số phương tiện truyền thông thời chiến tranh lạnh đã đăng tải những thước phim hiếm hoi này.

Những người thuộc quân đội Mỹ đang quan sát một vụ thử bom nguyên tử (Ảnh: Journeyman Pictures, YouTube)

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, những đám mây hình nấm trên bầu khí quyển có thể được nhìn thấy từ các thành phố lân cận. Tại Las Vegas, cư dân có thể cảm nhận được những cơn địa chấn nhỏ, và những vị khách du lịch hiếu kỳ có thể đến ngắm nhìn các vụ thử bom nguyên tử từ xa.

Những căn nhà hoang được xây dựng tại đây để xem xét mức độ thiệt hại do bom nguyên tử gây ra (Ảnh: Journeyman Pictures, YouTube)

Cách Nevada 190 km là St. George, Utah, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những vụ thử bom nguyên tử. Gió đã đưa các mảnh vụn từ khu thử nghiệm Nevada tới đây, khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng: ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư xương, u não, v.v. Cô Claudia Peterson, một cư dân địa phương cho biết, sức khỏe các thành viên trong gia đình 3 thế hệ của cô đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sống cách Nevada 190km, Claudia Peterson cho hay, sức khỏe các thành viên trong gia đình 3 thế hệ của cô đều bị ảnh hưởng bởi những vụ thử bom nguyên tử (Ảnh: Journeyman Pictures, YouTube)

Chính phủ Mỹ đã quyết định dừng việc thử nghiệm bom nguyên tử liên tục tại Nevada vào năm 1992, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Tuy nhiên nơi đây vẫn còn là một địa điểm thử nghiệm vũ khí quan trọng. Từ năm 1986 tới 1994, có 536 cuộc biểu tình phản đối thử nghiệm nguyên tử đã diễn ra tại Nevada, với 37.488 người tham gia, và 15.740 người bị bắt giữ. Trong số những người bị bắt giữ có phi hành gia Carl Sagan và diễn viên, nhạc sĩ Kris Kristofferson.

Quang Minh

Xem thêm:

Exit mobile version