Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Khi nhắc tới “Con đường Hoàng Tuyền”, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên? Hoa bỉ ngạn, sông Vong Xuyên, cầu Nại Hà, đình Mạnh Bà, uống một bát canh Mạnh Bà và quên đi quá khứ, sương mù dày đặc có lập tức nổi lên trong đầu não bạn?
Vũng Mê Hồn ở núi Ngõa Ốc, Tứ Xuyên, được liệt vào danh sách cấm sinh sống, chân tướng đến nay vẫn chưa có lời giải thích. Người dân địa phương gọi nó là “Đường Hoàng Tuyền” của nhân gian, truyền thuyết nói rằng chỉ cần bước vào vũng Mê Hồn núi Ngõa Ốc liền bị mất trí, biến thành thây ma biết đi.
Địa hình của vũng Mê Hồn rất phức tạp, khắp nơi đều là đầm lầy, ô yên chướng khí, rắn độc trùng độc, thực vật độc khắp nơi quanh năm bị bao phủ bởi tầng tầng sương mù đen dày đặc.
Từ thời nhà Minh đến nay, rất nhiều người từng cố gắng đi qua nơi thần bí này, nhưng một khi tiến vào thì rất khó phân biệt phương hướng, đột nhiên họ cảm thấy như hồn phách bay ra khỏi cơ thể, thậm chí bất tri bất giác đánh mất lý trí và khả năng phán đoán, nếu không cẩn thận, rất có khả năng rơi vào địa ngục, không ít nhà thám hiểm đã bị lạc hướng, mất tích, thậm chí tử vong.
Hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh phong tỏa ngọn núi!
Vào thời nhà Minh, hoàng đế Vạn Lịch nhận được một tấu chiệp khẩn cấp từ Tứ Xuyên. Tấu chiệp viết:
“Gần đây có rất nhiều vụ mất tích ở núi Ngõa Ốc thuộc huyện Hồng Nhã, Tứ Xuyên, rất nhiều người dân sau khi tiến vào núi Ngõa Ốc đã mất tích ly kỳ, quan viên đương địa phái người đi tìm, không những tìm không thấy tung tích người dân, mà ngay cả những quan sai được phái đi trước đó cũng chưa trở lại.”
Để điều tra nguyên nhân cụ thể của vụ mất tích, hoàng đế Vạn Lịch hạ lệnh cho các quan viên địa phương thành lập một đội ngũ gồm người dân địa phương, thợ săn và các quan sai quen thuộc với địa hình núi Ngõa Ốc, tiến vào núi để tìm kiếm những người mất tích. Nhưng không ngờ, ngay cả sau khi đội ngũ này tiến vào núi Ngõa Ốc, cũng bặt vô âm tín, không một ai có thể bước ra khỏi núi Ngõa Ốc.
Chuyện gì xảy ra vậy? Rốt cuộc có gì ở núi Ngõa Ốc? Hoàng đế Vạn Lịch quyết định tìm hiểu, lần này ông trực tiếp phái quân đội đến.
Vị tướng quân cũng từng nghe nói đến đại danh của núi Ngõa Ốc, nên đã ra lệnh cho quân đội chặt cây dọc đường sau khi tiến vào núi Ngõa Ốc, hy vọng bằng cách này, tầm nhìn sẽ không bị cây cối che khuất.
Tuy nhiên, vì cây ở núi Ngõa Ốc quá cao lớn, nên việc chặt hạ diễn ra cực kỳ chậm, thậm chí một số quan binh còn bị cây đổ đè trúng.
Nếu tiếp tục sử dụng phương pháp chặt cây, e là mất vài tháng cũng không thể đi sâu vào Núi Ngõa Ốc, nên tướng quân hạ lệnh cho quân đội ngừng chặt cây, đi bộ tiến thẳng vào Núi Ngõa Ốc.
Nhưng khi quân đội tiến vào sâu trong núi Ngõa Ốc, rừng cây ngày càng rậm rạp, sương mù ngày càng dày đặc, ngay cả ánh sáng mặt trời cũng không thể chiếu vào. Tướng quân phái một số binh lính đi tìm theo các hướng khác nhau, cuối cùng họ đều quay trở về trở về vị trí ban đầu.
Cuối cùng, đội quân này bị lạc đường trong núi Ngõa Ốc, tất cả một đi không trở lại.
Nhìn thấy tình huống này, hoàng đế Vạn Lịch lập tức ban Thánh chỉ: “Kể từ nay, núi Ngõa Ốc ở huyện Hồng Nhã hoàn toàn bị đóng cửa, trăm họ không được phép lai vãng đến đó, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.” Sắc lệnh này đã kéo dài bốn trăm năm.
Những người sống sót đầu tiên bước ra
“Mê Hồn Đãng, kỳ trong kỳ, tiến vào thì dễ, sống sót không dễ”, câu thơ nổi tiếng này lưu truyền trong dân gian đương địa mô tả sự hung hiểm và thần bí của nơi này, bởi vì những sự kiện mất tích ly kỳ xảy ra ở đây quá nhiều.
Một ngày nọ vào năm 1970, một thợ săn địa phương giàu kinh nghiệm ở núi Ngõa Ốc dẫn con chó săn của mình vào núi để săn thú. Một người một chó liên tục xuyên qua núi trong quá trình đuổi theo con mồi, vô tình rơi vào vũng Mê Hồn.
Anh ta cùng với con chó săn của mình tìm kiếm bên trong rất lâu nhưng không tìm được lối ra. Lúc đó, anh ta nghĩ đến việc để con chó săn của mình dò đường trước, nhưng điều anh ta không ngờ là chó săn một đi không trở lại. Anh không còn cách nào khác ngoài việc tự mình tìm lối ra, nhưng cuối cùng một người một chó đều không thể ra khỏi khu vực đó, mất tích trong vũng Mê Hồn.
Năm 1972, hai người phụ nữ địa phương lên núi đào dược liệu để bán, vô tình tiến vào vũng Mê Hồn, từ đó mất tích. Người dân địa phương tin rằng họ khẳng định đã chết ở vũng Mê Hồn.
Khi vụ mất tích lan rộng gần đó, ngày càng có nhiều người bắt đầu lo lắng sẽ bị đi lạc vào vũng Mê Hồn núi Ngõa Ốc, thậm chí ngay cả dân làng sống xung quanh cũng bắt đầu lục tục di tản, chỉ để tránh xa núi Ngõa Ốc “ăn thịt người” này
Để loại bỏ nỗi sợ hãi của người dân xung quanh đối với núi Ngõa Ốc, huyện Hồng Nhã đã cử một đội điều tra chuyên nghiệp đến khám phá sự thật về vũng Mê Hồn núi Ngõa Ốc. Tuy nhiên, một đội ngũ chuyên nghiệp như vậy cũng lạc mất phương hướng sau khi tiến vào vũng Mê Hồn.
Đồng hồ điện tử và la bàn họ mang theo đều không hoạt động, điện thoại vệ tinh cũng không có tín hiệu, dù có đi bộ trong núi bằng cách nào, thì vẫn luôn quay về chỗ cũ.
Cứ như vậy, sau khi họ bị mắc kẹt ba ngày, thấy lương thực và nước uống mang theo gần như cạn kiệt, có người đề nghị dùng dao chặt cây để đánh dấu trên cây khi đi bộ, bằng cách này, họ mới có thể thoát ra khỏi vũng Mê Hồn.
Nhưng điều đáng kinh ngạc là vị trí họ bước ra lại biến thành huyện Huỳnh Kinh, chứ không phải huyện Hồng Nhã nơi họ bắt đầu.
Mặc dù tất cả các thành viên trong đội đều thoát, nhưng trạng thái tinh thần của họ từ đó trở nên vô cùng hốt hoảng, chỉ cần nhớ lại tình huống ở trong núi, họ đều cực kỳ sợ hãi, cuối cùng tất cả mọi người trong đội đều phải điều trị tâm lý lâu dài.
Nhưng họ là những người đầu tiên sống sót bước ra khỏi vũng Mê Hồn. Kể từ khi tin tức lan truyền về việc có người sống sót ra khỏi núi Ngõa Ốc, nhiều nhà thám hiểm đã tập trung vào núi Ngõa Ốc.
“Sương mù” cận đại
Vũng Mê Hồn quỷ dị trùng trùng, càng nguy hiểm càng hấp dẫn nhiều nhà thám hiểm hoặc học giả đến nghiên cứu. Rất nhiều người cảm thấy, với sự trợ giúp của hệ thống định vị tiên tiến, sao không thể ra khỏi núi?
Họ muốn sử dụng sức mạnh của công nghệ để giải bí ẩn của vũng Mê Hồn, nhưng bí ẩn để lại càng khó giải thích hơn.
Vào tháng 6 năm 1990, tiến sĩ Andrew Lowry, cố vấn của Tổ chức Động vật Thế giới và là chuyên gia bảo tồn gấu trúc khổng lồ được Quốc vụ viện vinh danh, đã dẫn các nhân viên khác tiến vào nội địa của vũng Mê Hồn để khảo sát, vì lý do an toàn, một số dân làng bản địa cũng đi cùng vào, sau ba ngày đi bộ, họ cuối cùng cũng đến được vùng nội địa của vũng Mê Hồn.
Để xác định phương hướng, dọc đường họ đều đánh dấu, nhưng sau khi đi vào bên trong hơn một tiếng đồng hồ, họ mới phát hiện mình đã đi bộ trở lại địa điểm đã đánh dấu trước đó. Rõ ràng là họ đã đi một vòng tròn. Lúc này, trong rừng xuất hiện một màn sương mù dày đặc không thể giải thích được, mọi thứ đều trở nên mờ mờ ảo ảo, cả đoàn vô cùng hoảng sợ.
Lúc này, Andrew Lawrie đã thả con bồ câu đưa thư mà ông mang theo, với hy vọng rằng bồ câu đưa thư có thể bay ra khỏi đây. Tuy nhiên, sau khi bồ câu đưa thư được thả ra, nó lại bay lơ lửng trên không, và quay trở lại trên vai Andrew Lawrie.
Andrew Lawrie vẫn không bỏ cuộc, thả bồ câu đưa thư nhiều lần, nhưng bồ câu đưa thư đều bay trở về như cũ, ngay cả bồ câu cũng không phân biệt được phương hướng. Bồ câu thường xác định phương hướng của mình thông qua từ trường tự nhiên của thiên nhiên, giờ đây bồ câu đều lạc đường, dường như thuyết minh tồn tại điều quỷ dị gì đó trong từ trường ở vũng Mê Hồn.
Trần Quốc Trị, người dân làng đồng hành cuối cùng, đã vẽ bản đồ về lộ trình trước đó đến nơi dựa trên ấn tượng của mình, sau đó họ cùng nhau đi bộ theo hướng đông bắc mà họ đã xác định được. Sau khi đi bộ hơn một giờ, sương mù trong rừng tan dần. toàn bộ khu rừng trở nên sáng hơn, la bàn của họ trở lại bình thường, họ mới có thể đi ra ngoài.
Một ngày vào tháng 12 năm 1999, một nhà khoa học ba mươi tuổi tên là Trịnh Minh Toàn kết bạn cùng một người dân địa phương để lên núi. Lần này ông đến để tìm kiếm những con gấu trúc khổng lồ hoang dã trên núi. Hai người vô tình đột nhập vào vũng Mê Hồn khi trên núi có sương mù, họ đi được chưa bao xa vào trong thì phát hiện mình bị lạc.
Thế là hai người bàn bạc, quyết định phân ra để tìm lối thoát, dù sao thì dân làng là người địa phương, khả năng cảm nhận phương hướng của anh ta có thể tốt hơn, nhưng anh ta cũng phải lang thang khắp núi cả đêm mới xuống được núi. Thật không may, Trịnh Minh Toàn không bao giờ thoát ra khỏi vũng Mê Hồn. Sau đó, ông được đội tìm kiếm cứu hộ địa phương phát hiện, toàn thân đã đông cứng, không còn dấu hiệu sự sống.
Vào tháng 4 năm 2014, chuyên mục “Ánh sáng khoa học công nghệ” của Hồng Quả TV và Đội thám hiểm khoa học xuyên quốc gia Tứ Xuyên một lần nữa tổ chức một đội thám hiểm gồm 11 thành viên để tiến hành khảo chứng khoa học về hiện tượng kỳ lạ của vũng Mê Hồn.
Trong chuyến thám hiểm này, tất cả các thiết bị điện tử hiện đại và la bàn truyền thống đều không hoạt động, kim chỉ nam và GPS đều không hoạt động. Sau khi bồ câu đưa thư được thả ra, nó thực sự cảm thấy “sợ hãi”, không dám bay đi!
Điều kỳ lạ nhất là các thành viên trong nhóm đã dùng dao chặt rừng tre rậm rạp, mở đường đi về phía trước. Tuy nhiên, khi tiến triển không thuận lợi, họ chuẩn bị quay lại, thì phát hiện tre ở hai bên đều bật trở lại, con đường họ đã cắt biến mất trong màn sương mù tối tăm.
May mắn thay, đội thám hiểm khoa học đã chuẩn bị sẵn một dải băng ký hiệu dài 1km, dùng bút chống mưa vẽ mũi tên chỉ hướng. Dù đã đi vòng quanh nhiều lần, nhưng cuối cùng họ cũng trở về an toàn.
Sau khi trải qua đủ loại khó khăn và thoát khỏi vũng Mê Hồn, đoàn thám hiểm khoa học nhận thấy thời gian trên đồng hồ điện tử ở vũng Mê Hồn nhanh hơn thời gian bình thường khoảng 9 giờ 25 phút! Cảm giác như thể họ đã tiến nhập vào một không gian khác trong vũng Mê Hồn. Nói đến điều này, mọi người nghĩ đến điều gì? Tam giác quỷ Bermuda! Tra kinh vĩ độ của vũng Mê Hồn, phát hiện kinh độ của nó nằm trong khoảng 29°32′-29°34′ vĩ độ Bắc. Mặc dù nó hơi khác so với vĩ độ 31° Bắc bí ẩn nơi Bermuda và các kim tự tháp sở tại, nhưng cũng tính là khá gần. Xác thực có người cũng gọi vũng Mê Hồn là vùng đất Bermuda.
Nguyên nhân của vũng Mê Hồn
Tại sao những người tiến vào vũng Mê Hồn lại lạc mất phương hướng trong đó? Vũng Mê Hồn đã làm cho la bàn và các sản phẩm điện tử mất linh như thế nào? Có ba cách giải thích phổ biến.
Đầu tiên là “Trận mê hồn bát quái”
Truyền thuyết về vũng Mê Hồn núi Ngõa Ốc có lịch sử lâu đời. Nghe nói vào thời Đông Hán hơn 1.800 năm trước, Trương Đạo Lăng, người sáng lập Đạo giáo, đã du hành đến chân núi Ngõa Ốc, sáng lập “Ngũ đẩu mễ giáo” cùng với người Khương địa phương.
Để chống lại sự trấn áp của triều đình đối với “Ngũ đẩu mễ giáo”, Trương Đạo Lăng đã chọn núi Ngõa Ốc làm nơi cất giấu vũ khí. Trong một cuộc chiến, ông dẫn các quan binh triều đình vào vũng Mê Hồn, cùng với các giáo đồ bài trí trận mê hồn bát quái, khiến toàn bộ quan binh triều đình mắc kẹt bên trong.
Sau đó, Trương Đạo Lăng cũng sử dụng phép thuật cao siêu của mình để giúp người dân địa phương tiêu diệt những con trăn làm hại dân làng, cuối cùng trở về núi Ngõa Ốc, cho đến ngày nay, núi Ngõa Ốc vẫn còn lưu giữ những di tích và truyền thuyết về “Trương Đạo Lăng hàng trăn”.
Thứ hai là “thuyết chướng khí huyễn thị”
Khi phỏng vấn những người may mắn thoát ra khỏi vũng Mê Hồn, chúng tôi nhận thấy những người này đều có một điểm chung, đó là họ nhìn thấy sương mù trên núi không lâu sau khi tiến vào vũng Mê Hồn, sau khi hít vào, tất cả họ đều cảm thấy có chút thần trí không thanh tỉnh, điểm này kỳ thực có quan hệ mật thiết đến chướng khí trong vũng Mê Hồn.
Nguyên nhân hình thành chướng khí là do một số lượng lớn động vật, thực vật trong rừng sau khi chết sản sinh ra khí thể, loại khí thể này chính là chướng khí, đối với người là có độc. Do đó, bước đi trong chướng khí này đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng, chướng khí trong vũng Mê Hồn còn là sương mù đen, đi trong đó cũng có thể dẫn đến tình huống chóng mặt, dễ mất phán đoán, mê phương hướng.
Vì lý do này, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, chướng khí ở vũng Mê Hồn vốn xuất phát từ trong tầng mây.
Núi Ngõa Ốc có địa hình tự nhiên cao gần 3.000 mét so với mực nước biển. Do đó, khi các đám mây liên tục được nâng lên vũng Mê Hồn dưới tác động của khí lưu thăng, sau khi được nâng lên một độ cao nhất định, chúng có thể nhờ trợ lực của gió, trong chớp mắt hình thành sương mù lan rộng khắp trong vũng Mê Hồn, nhất thời khiến bạn nhìn không ra con đường phía trước.
Vũng Mê Hồn vốn đã dày đặc cây cối, những người vô tình đi lang thang vào đây sẽ có triệu chứng chóng mặt, nôn mửa và bối rối sau khi hít phải chướng khí, lại thêm sự can thiệp của sương mù, rất dễ nhìn khu rừng trước mặt thành quỷ quái, cảm thấy sợ hãi cũng là những tình huống phổ biến.
Thậm chí còn vô tình nhầm vách đá thành đường đi, trượt chân và rơi khỏi vách đá. Trong hoàn cảnh như vậy, đương nhiên sẽ dễ xảy ra.
Thứ ba là “thuyết từ trường”
Về sự mất linh của la bàn, kim chỉ nam và các sản phẩm điện tử, các nhà khoa học cũng đưa ra kết luận trong những chuyến khảo sát tiếp theo, rằng xác thực có từ trường cường đại tồn tại trên núi Ngõa Ốc, có các lớp đá bazan bên dưới vũng Mê Hồn tạo thành các “khớp trụ” (columnar jointing).
Nguyên nhân hình thành của chúng là do một vụ phun trào núi lửa xảy ra ở khu vực núi Ngõa Ốc trong kỷ Permi cách đây 260 triệu năm. Sau vụ phun trào núi lửa này, một lớp bazan dày hàng trăm mét đã tích tụ trên núi Ngõa Ốc. Những đá bazan này hình thành một mỏ tự nhiên khổng lồ, nên la bàn sẽ bị nhiễu bởi từ trường mãnh liệt khi tới đây.
Một giả thuyết khác về nhiễu từ trường, là từ hàng ngàn năm trước, đã có một vụ va chạm thiên thạch ở khu vực núi Ngõa Ốc, thiên thạch bị vùi dưới đất, sau diễn biến hàng ngàn năm, thành phần chất khoáng cực cao chứa trong thiên thạch gây ra nhiễu từ trường.
Tuy nhiên, các nhà khoa học sau đó chứng thực, theo ghi chép, không có hiện tượng thiên thạch nào rơi xuống khu vực núi Ngõa Ốc trong nhiều năm, nên suy đoán này rõ ràng là có vấn đề.
Đối với những thuyết pháp như trận mê hồn bát quái của Đạo giáo khiến người mất phương hướng, đi tới đi lui đều trở về chỗ cũ; hay chất độc trong chướng khí khiến người ta đầu đau não chướng, sản sinh huyễn cảm; hay lớp đá bazan dày khiến la bàn không hoạt động, sản phẩm điện tử bất thường đều chỉ có thể giải thích một loại hiện tượng trong số đó, căn bản không có cách nào bổ trợ lẫn nhau, cũng không triệt để giải khai hoàn toàn những bí ẩn của vũng Mê Hồn. Vì vậy, cho đến nay, vũng Mê Hồn vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch